Dư luận đang đặt nhiều nghi vấn về chất lượng một loại chứng chỉ quốc tế do một trung tâm được Bộ GD-ĐT cấp phép tổ chức thi tại Đà Nẵng thời gian gần đây, vì dù thực tế học lực tiếng Anh của nhiều học sinh xếp loại kém nhưng vẫn đạt được chứng chỉ để quy đổi sang điểm 9, 10.
Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến lãnh đạo TP.Đà Nẵng đột ngột quyết định bỏ môn ngoại ngữ trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập trong tháng 6 tới.
Học “mẹo” cam kết đậu 100%
Vài tháng trước, nhiều học sinh (HS) TP.Đà Nẵng được tiếp cận với một quảng cáo trên mạng về lớp học “cấp tốc 3 ngày” với giá hơn 2 triệu đồng, lệ phí thi gần 1 triệu đồng với cam kết đậu 100%, có chứng chỉ tiếng Anh TOEFL Junior và TOEFL ITP của một giáo viên tên M. (ở Q.Ngũ Hành Sơn).
|
Theo phản ánh của các HS tham gia kỳ thi, hoạt động thi được tổ chức rất qua loa. Đặc biệt, ngày 7.4, khoảng 1.400 HS được trung tâm khảo thí có trụ sở trên đường Hoàng Văn Thụ tổ chức thi tại một trường THCS ở Q.Cẩm Lệ.
Khi nhận thấy nhiều HS của mình sức học tiếng Anh không tốt nhưng thi có được chứng chỉ đạt ngưỡng điểm quy đổi, giáo viên bộ môn tiếng Anh một trường THCS ở Q.Sơn Trà yêu cầu những HS này viết bản tường trình. Trong bản tường trình, các HS tham gia kỳ thi cho biết mỗi phòng thi có 2 giám thị và HS được tạo điều kiện chép bài thoải mái. Một HS tham gia khóa thi lấy chứng chỉ TOEFL Junior này cho rằng giám thị "lơ" cho các bạn bày nhau làm bài. Các HS tham gia lớp học cấp tốc của thầy giáo M. cho biết được dặn dò phải tuyệt đối làm theo hướng dẫn đánh trắc nghiệm của ông để đậu 100%.
tin liên quan
Bỏ thi ngoại ngữ lớp 10 trước giờ G: Lãnh đạo Đà Nẵng xin lỗi nhưng không thay đổi quyết địnhTheo sự việc mà HS tường trình, một giáo viên của trường THCS này gửi đơn đến UBND TP.Đà Nẵng đề nghị làm rõ. Giáo viên này khẳng định, ở trường cô đang công tác, “nhiều HS có sức học tiếng Anh rất yếu, có điểm tổng kết tiếng Anh dưới 5.0 vẫn thi đậu chứng chỉ TOEFL và được quy ra điểm 9, 10 cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2019”.
Trung tâm được Bộ cấp phép?
Trao đổi với PV Thanh Niên xung quanh những phản ánh của giáo viên về vấn đề này, ông Mai Tấn Linh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng, khẳng định trong số hơn 2.300 HS có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đạt chuẩn quy đổi thì hơn 40% có học lực môn ngoại ngữ cuối cấp thuộc loại yếu, trung bình, khá…
Ông Linh cho biết: “HS được dạy trong 3 ngày về kỹ thuật hay các “mẹo” làm bài chứ không được dạy về kiến thức, do vậy HS đánh trúng yêu cầu của đề thi”. Cũng theo ông Linh, số HS học “mẹo” để thi và đã lấy chứng chỉ từ trung tâm được Bộ GD-ĐT cấp phép đầy đủ.
Từ thông tin của Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng và đơn tố cáo của giáo viên, PV Thanh Niên tìm kiếm, đối chiếu thông tin trên website của trung tâm khảo thí thuộc Tổ chức Giáo dục IIG VN chi nhánh Đà Nẵng, thấy có rất nhiều nội dung thu hút HS thi các chứng chỉ quốc tế TOEFL Junior và TOEFL ITP để chuyển đổi điểm thi vào lớp 10. Trả lời phỏng vấn của Thanh Niên, đại diện của đơn vị này khẳng định: "HS đã tham gia kỳ thi thì có chứng chỉ, vấn đề là có đạt được số điểm như yêu cầu hay không". Người này cũng cho biết công tác tổ chức thi của trung tâm đúng quy trình và quy định của Bộ về một kỳ thi chuẩn quốc tế.
Hiện tại, dư luận tại TP.Đà Nẵng rất bức xúc, đặc biệt với những HS và phụ huynh có con sở hữu các chứng chỉ quốc tế chất lượng theo đúng thực lực của mình, muốn câu chuyện sớm được minh bạch.
Về vấn đề này, bà Lê Thị Bích Thuận, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, cho biết sẽ làm rõ ngay sau kỳ thi. Ông Lê Trung Chinh, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, khẳng định: “Vì phải tập trung ổn định tâm lý tốt cho các em tham gia kỳ thi trước mắt nên sẽ tạm gác lại việc thông tin về số lượng, chất lượng chứng chỉ cũng như về trung tâm có vấn đề trong tổ chức thi lấy chứng chỉ quốc tế. Ngay sau kỳ thi, sẽ phối hợp thanh kiểm tra toàn diện”.
Bình luận (0)