Bộ trưởng đã hứa, sao chưa làm?

21/11/2023 06:15 GMT+7

Nhắc lại các vấn đề đã được cử tri bức xúc kiến nghị qua nhiều năm, thậm chí nhiều nhiệm kỳ, các đại biểu Quốc hội cũng gửi chất vấn đến các tư lệnh ngành "đã hứa, sao chưa làm".

Sáng 20.11, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, QH khóa XV.

Đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) nêu nhiều vấn đề cử tri kiến nghị nhiều năm nhưng tới nay vẫn chưa được xem xét giải quyết Ảnh: GIA HÂN

Đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) nêu nhiều vấn đề cử tri kiến nghị nhiều năm nhưng tới nay vẫn chưa được xem xét giải quyết

GIA HÂN

MỆT MỎI XIN GIẤY CHUYỂN VIỆN

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) nêu thực tế vẫn còn một số vấn đề cử tri quan tâm, đã kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả thỏa đáng. "Tại sao các bộ, ngành đánh giá các kiến nghị của cử tri là đúng, thực tế, đã tiếp thu, ghi nhận, nhưng các giải pháp triển khai lâu quá, người dân mòn mỏi chờ?", ông Thông nói.

ĐB này cũng dẫn ra 2 vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ LĐ-TB-XH và Bộ Y tế. Đơn cử, giai đoạn dịch Covid-19, các bệnh viện phải "mượn" vật tư y tế, hóa chất của các nhà cung cấp, doanh nghiệp (DN) tư nhân, nhưng đến nay chưa thanh toán được do vướng các quy định mua sắm. Riêng tỉnh Bình Thuận, hiện số tiền nợ này hơn 91 tỉ đồng.

Theo ông Thông, Nghị quyết 99 được QH ban hành hồi tháng 6 vừa qua đã giao trách nhiệm cho Chính phủ và Bộ Y tế nghiên cứu, có giải pháp báo cáo tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5.2024), nhưng thực tế vẫn chưa có hướng dẫn để tháo gỡ bất cập. "Chủ nợ thì mòn mỏi chờ, mà con nợ thì mòn mỏi đợi hướng dẫn", ông Thông nói và đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế sớm có hướng giải quyết.

Bộ trưởng đã hứa, sao chưa làm ? - Ảnh 2.

ĐB Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận)

GIA HÂN

Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) cũng cho hay vấn đề ông Thông nêu đã "tồn đọng nợ quá lâu không có cách nào chi trả được, quá năm tài khóa, thậm chí bị đưa ra tòa xử và chắc chắn bệnh viện sẽ bị xử thua vì dùng dụng cụ, đồ đạc của người ta". Do đó, bệnh viện phải trả tiền cùng với lãi suất ngân hàng.

Đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ giấy chuyển viện để người dân đỡ mệt mỏi, Bộ trưởng Bộ Y tế nói gì?

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) phản ánh cử tri có ý kiến nhiều về việc đi khám bệnh phải xin giấy chuyển viện "rất phiền toái, rất mất thời gian, rất mệt mỏi". Trong khi đó, công nghệ thông tin đã tiến bộ, việc liên thông các kết quả xét nghiệm, thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh đã khá thông. Hơn 93% dân số VN đã có bảo hiểm y tế (BHYT) thì việc có thêm "barie đi xin giấy chuyển viện rất nên được bãi bỏ". Nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư cũng đề nghị đẩy mạnh hành trình thông tuyến, thực chất hơn nữa khi sửa đổi luật BHYT sắp tới, làm sao để người có BHYT muốn khám chữa bệnh ở đâu cũng được.

Tại sao các bộ, ngành đánh giá các kiến nghị của cử tri là đúng, thực tế, đã tiếp thu, ghi nhận, nhưng các giải pháp triển khai lâu quá, người dân mòn mỏi chờ?

ĐB Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận)

Phúc đáp các ĐB, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng các quy định giảm thủ tục phiền hà cho người dân nhưng cũng phải đảm bảo sự bền vững của hệ thống y tế, tránh quá tải dồn lên tuyến trên. "Giải quyết bài toán quá tải cũng qua nhiều đời bộ trưởng phải giải trình rồi. Vấn đề chuyển tuyến, từ 2014 phải chuyển từ tuyến dưới lên tuyến trên, nhưng 2016 đã thông tuyến cấp huyện và 2021 đã thông tuyến toàn tỉnh. Bước chuyển tuyến tạo thuận lợi cho người dân đã cơ bản hoàn tất. Nhưng vấn đề là từ tuyến huyện, tuyến tỉnh có được chuyển thẳng lên tuyến T.Ư hay không?", Bộ trưởng Bộ Y tế nêu.

Theo bà Lan, hiện việc chuyển tuyến được chia làm 2 luồng: từ tuyến dưới lên tuyến trên nếu cơ sở không đáp ứng được yêu cầu khám, chữa bệnh cho người dân; từ tuyến trên xuống tuyến dưới khi bệnh tật ổn định, đảm bảo công tác điều trị lâu dài. Tuy nhiên, để giảm thủ tục hành chính, Bộ Y tế sẽ tiếp thu và đang tập trung sử dụng việc chuyển tuyến điện tử, giải tỏa khó khăn cho người dân. Về câu hỏi "có bỏ được giấy chuyển tuyến không", theo Bộ trưởng Lan, vai trò giấy chuyển tuyến rất cụ thể, nêu rõ tình trạng lịch sử điều trị cũng như bệnh án, dù là giấy hay điện tử cũng rất cần thiết.

Liên quan vấn đề ĐB Thông và ĐB Hiếu nêu, bà Lan cho hay quy định đấu thầu hiện không có quy định "vay trước, trả tiền sau" hoặc vay đổi, nên để xử lý cho các bệnh viện, theo bà Lan là rất khó. Bà Lan cho biết theo báo cáo của địa phương, số vay mượn là 1.690 tỉ đồng, trong đó vay mượn thuốc, thiết bị vật tư hơn 750 tỉ đồng, kit xét nghiệm khoảng gần 940 tỉ đồng... Bộ Y tế đã phân loại các hình thức vay mượn, từ đó giao các đơn vị thuộc bộ xây dựng phương án xử lý. Do chưa có tiền lệ và quy định trong luật nên Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ QH cho cơ chế xử lý, tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở y tế…

Bộ trưởng đã hứa, sao chưa làm ? - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

GIA HÂN

Kiến nghị không biết bao lần vẫn chưa động tĩnh

ĐB Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) nêu hàng loạt câu chuyện cụ thể khi cử tri kiến nghị nhiều năm, thậm chí nhiều nhiệm kỳ nhưng tới nay vẫn chưa được xem xét giải quyết. Đơn cử việc trả lại các tuyến đường công vụ khi thi công đường cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng, dù kiến nghị nhiều nhưng đến nay đường hư hỏng, xuống cấp nặng, địa phương phải bỏ tiền sửa chữa. "Chính phủ đã chỉ đạo, Bộ GTVT đã hứa, khẳng định đây là trách nhiệm của bộ, trực tiếp là trách nhiệm của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện", ông Phước nói và đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo giải quyết dứt điểm.

Một bức xúc khác cũng thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT là mở rộng QL1A, Bộ thiết kế không có tuyến đường dành cho người đi bộ và xe thô sơ, dẫn tới rất nhiều vụ tai nạn giao thông thảm thương, nhiều người chết oan uổng. "Chúng tôi kiến nghị không biết bao nhiêu lần, Bộ GTVT đã hứa, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì về việc mở rộng hành lang QL1, gây rất nhiều thất vọng", ĐB đoàn Quảng Nam nêu.

Ông cũng dẫn dự án "treo" là Làng đại học Đà Nẵng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã 26 năm, người dân vẫn đang từng ngày vật lộn với khó khăn, mòn mỏi chờ đợi Chính phủ và các bộ, ngành liên quan giải quyết. Tương tự, ngư dân ngụp lặn trong đống nợ cho vay mua đóng tàu theo Nghị định 67/2014, ngân hàng thương mại cho vay theo chỉ đạo, nay thành nợ khó đòi trở thành gánh nặng, nhưng đến nay Chính phủ vẫn chưa tập trung giải quyết.

Để dứt điểm tình trạng kiến nghị chậm được xử lý, ĐB Phước cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ QH và các cơ quan của QH quan tâm tăng cường đôn đốc xử lý, phản hồi thông tin trước, trong và sau khi tiếp xúc cử tri. Đặc biệt, những vụ việc kéo dài, yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành phải có giải trình và đưa ra lộ trình cụ thể để cử tri giám sát.

Trước kiến nghị của ĐB Phước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết hiện bộ này đã hoàn thành dự thảo sửa đổi Nghị định 67/2014 trình Chính phủ, trong đó có việc giải quyết nợ của các ngư dân vay tiền đóng tàu của ngân hàng thời gian qua. Ông Hoan nói "rất cảm xúc khi có những ngư dân ngày xưa là những người được vinh danh bây giờ trở thành những người ra khỏi nhà do ngân hàng siết nợ", song cũng thừa nhận đây là câu chuyện phức tạp, không chỉ là Bộ NN-PTNT, không chỉ một chính sách của Chính phủ là giải quyết được.

Bộ trưởng NN&PTNT: 'Rất cảm xúc khi ngư dân ngày xưa được vinh danh giờ bị siết nợ'

Trả lại môi trường dạy thêm, học thêm trong sạch

ĐB Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) nhắc đến nhiều kiến nghị cử tri về tình trạng dạy thêm trái quy định có chiều hướng gia tăng và gây bức xúc cho nhân dân, tạo áp lực lớn cho học sinh (HS), nhất là với HS tiểu học. "Những lớp học thêm bên ngoài nhà trường do giáo viên lách luật mở lớp, gợi ý địa chỉ cho phụ huynh và rộng cửa đón HS chính khóa. Bài học trên lớp thì lửng lơ, nửa chừng sẽ được tiếp nối ở các lớp học thêm, bài kiểm tra thì chỉ được hé lộ ở lớp học thêm. Điểm số chênh lệch giữa HS đi học và không học thêm khiến phụ huynh rất bức xúc. Cùng với đó là tiền bạc, thời gian, công sức đưa đón đổ dồn gánh nặng khiến nhiều gia đình quay cuồng chạy theo lịch học thêm của con em mình", ĐB Huy nêu.

Theo ĐB, dạy thêm để tăng thu nhập là quyền lợi chính đáng của giáo viên, cũng tương tự bác sĩ mở phòng khám tư sau giờ hành chính. Nhưng để tình trạng nhức nhối như hiện nay thì cử tri mong muốn việc dạy thêm, học thêm được lành mạnh và trở về đúng quỹ đạo. "Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ KH-ĐT sớm tham mưu chương trình dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện", ĐB Huy đề xuất.

Do chưa có tiền lệ và quy định trong luật nên Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ QH cho cơ chế xử lý, tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan


Giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay dạy thêm, học thêm là vấn đề lớn, xuất phát từ nhu cầu thực tế và cũng rất đa dạng. Bộ GD-ĐT đã có nhiều quy định, trong đó có Thông tư 17/2012 để kiểm soát hoạt động dạy thêm, học thêm trong khuôn khổ nhà trường… Tuy nhiên, riêng với môi trường ngoài nhà trường, hiện nay còn thiếu cơ sở pháp lý để giám sát, điều tiết, xử lý nếu có vi phạm.

Từ năm 2020, trong quá trình sửa luật Đầu tư, Bộ GD-ĐT đã đề xuất bổ sung dạy thêm là ngành kinh doanh có điều kiện, "nhưng không rõ lý do vì sao việc này không được chấp thuận". Theo ông Sơn, điều này sẽ tạo cơ sở pháp lý để xử lý các vi phạm bên ngoài trường học.

Để lành mạnh hóa hoạt động dạy thêm, học thêm, Bộ trưởng GD-ĐT cho rằng cần nhiều giải pháp đồng bộ chứ không thể riêng lẻ. Ngoài nỗ lực của ngành giáo dục trong việc tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm, ông Sơn mong muốn sự phối hợp đến từ chính quyền các địa phương cũng như sự chung tay của phụ huynh HS. Theo ông Sơn, có phụ huynh mang con đến rồi nài nỉ nhờ cô trông giúp, có phụ huynh thấy con đi học 1 ca chưa yên tâm, nghe ở đâu có thầy cô tốt là chở con đến ngay, một tối học nhiều ca. "Nếu phụ huynh chọn lọc việc cho con học thêm sẽ giảm áp lực, căng thẳng cho con em", Bộ trưởng Sơn nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.