Bộ trưởng GD-ĐT không muốn nói thêm việc biên soạn một bộ SGK của Nhà nước

Lê Hiệp
Lê Hiệp
08/11/2023 09:47 GMT+7

Đại biểu tiếp tục đề nghị Bộ GD-ĐT phải biên soạn một bộ sách giáo khoa, cạnh tranh lành mạnh với các bộ sách khác để hết cảnh phụ huynh "mỗi năm đến trường, lòng man mác buồn". Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói "đã bày tỏ quan điểm, định hướng, thái độ một cách đầy đủ nên xin không nhắc lại làm mất thời gian Quốc hội".

Sáng 8.11, chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu xã hội hóa sách giáo khoa (SGK) là chủ trương đúng đắn nhằm thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học phát triển SGK. Tuy nhiên, theo đại biểu, thời gian qua trong chuyện xã hội hóa SGK có nhiều vấn đề đặt ra. 

Mỗi năm đến trường, phụ huynh lòng man mác buồn vì SGK

Ông dẫn lời đại biểu cùng tỉnh Đồng Tháp phát biểu trước đó nói: Xã hội hóa SGK nhưng giá SGK ngày càng tăng. "Xã hội hóa thì phải hạ giá đằng này xã hội hóa lại tăng. Đây là điều rất là bất cập", đại biểu nêu quan điểm.

Bộ trưởng GD-ĐT không muốn nói thêm việc biên soạn một bộ SGK của Nhà nước - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Văn Hòa chất vấn Bộ trưởng GD-ĐT về biên soạn một bộ SGK của Nhà nước

GIA HÂN

Từ đó, đại biểu đoàn Đồng Tháp cho rằng, cả Nghị quyết 88 về đổi mới chương trình, SGK phổ thông 2018 và Nghị quyết 122 sau đó đều không quy định Bộ GD-ĐT không được quyền sản xuất SGK. Do đó, ông cho rằng, Bộ GD-ĐT nên biên soạn một bộ SGK riêng của Nhà nước, cạnh tranh lành mạnh với các nhà xuất bản khác.

Ông cho rằng, SGK là mặt hàng Nhà nước định giá, quy định giá trần trong luật Giá. Nếu Nhà nước không chủ động, không có quyền biên soạn SGK mà để các nhà xuất bản khác định giá thì rất khó có thể hạ giá SGK.

"Nhiều người nói vui là mỗi năm đến hè là học sinh lòng man mác buồn, còn mỗi năm đến trường là phụ huynh lòng man mác buồn. Tại sao phụ huynh buồn vì giá SGK cao, thậm chí mua SGK không có nữa", ông Hòa nói, và một lần nữa đề nghị Bộ GD-ĐT nên biên soạn, in một bộ SGK riêng của Nhà nước để khi cần thiết thì nhà nước trợ giá, định giá cho SGK

Ông Hòa cũng đề xuất, hướng tới giai đoạn nào đó Nhà nước không thu phí SGK và trợ cấp hoàn toàn, thậm chí không thu học phí học sinh phổ thông.

Đã bày tỏ quan điểm, định hướng, thái độ một cách đầy đủ

Hồi đáp đại biểu, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nói vấn đề giá SGK xã hội hóa lại tăng mà đại biểu nêu "cũng là đúng".

"Trong thực tế, giá SGK khi đi vào thị trường, xã hội hóa mà cũng chưa rẻ như mong muốn, chưa rẻ như thời Nhà nước trợ giá, bao cấp cũng là thực tế. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT chỉ thẩm định về mặt chuyên môn, còn Bộ Tài chính thì duyệt giá trên cơ sở kê khai của các nhà xuất bản làm SGK", ông Sơn nói.

Bộ trưởng GD-ĐT không muốn nói thêm việc biên soạn một bộ SGK của Nhà nước - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn

GIA HÂN

Còn về vấn đề Bộ GD-ĐT có biên soạn một bộ SGK của Nhà nước, ông Sơn nói, trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội ông đã bày tỏ quan điểm, định hướng, thái độ một cách đầy đủ. "Xin không nhắc lại làm mất thời gian Quốc hội", ông Sơn nói.

Trước đó, giải trình về vấn đề này tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội hôm 1.11, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, từ nay đến năm 2024, việc quan trọng cần ưu tiên là thẩm định chất lượng của SGK các lớp 5, 9, 12 cho thật tốt, đảm bảo đủ SGK trước năm học mới. 

"Còn vấn đề được giao thì chúng tôi sẽ có nghiên cứu đề xuất và cố gắng trong 1, 2 năm tới, khi chu trình đổi mới sách được hoàn tất sẽ có đánh giá sâu và đề đạt phương án với Quốc hội sau", ông Sơn nói.

Vấn đề Bộ GD-ĐT có nên biên soạn một bộ SGK của Nhà nước hay không là vấn đề gây tranh luận suốt từ đầu kỳ họp thứ 6 tới nay. Tại Nghị quyết 88, Quốc hội quyết định Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ SGK. Tuy nhiên, tới Nghị quyết 122, Quốc hội đồng ý cho Bộ GD-ĐT không cần biên soạn SGK khi đã có các bộ sách khác được biên soạn. 

Sau đó, việc biên soạn, phát hành SGK trong chương trình giáo dục phổ thông mới phát sinh bất cập từ nội dung, giá tới việc cung ứng. Đoàn giám sát của Quốc hội về vấn đề này đã đề nghị Chính phủ, Bộ GD-ĐT thực hiện theo Nghị quyết 88, phát triển một bộ SGK của Nhà nước, coi đây là việc thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trong phát triển giáo dục. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, SGK trong chương trình mới chỉ đóng vai trò là học liệu, Nhà nước đã kiểm soát nội dung bằng chương trình giáo dục phổ thông, thẩm định SGK; đồng thời, việc Nhà nước biên soạn SGK sẽ ảnh hưởng tới chủ trương xã hội hóa, tinh thần đổi mới giáo dục.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.