Bộ trưởng Ngoại giao nêu bốn vấn đề quan trọng trong đối ngoại địa phương

13/12/2021 14:59 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã khẳng định vai trò và thách thức của đối ngoại địa phương trong tình hình mới khi phát biểu khai mạc Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 diễn ra sáng nay 13.12.

Đối ngoại địa phương đóng vai trò quan trọng

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 diễn ra sáng nay 13.12, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã nhấn mạnh, trong thành tựu chung của đối ngoại, có đóng góp quan trọng của đối ngoại địa phương.

Ông Sơn cũng khẳng định, từ sau Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 19, năm 2018 đến nay, tình hình thế giới và khu vực đã biến chuyển rất phức tạp, sâu sắc. Trong đó, đại dịch Covid-19 kéo dài gần 2 năm qua đã và đang ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của các quốc gia và giao lưu quốc tế. Tuy nhiên, các địa phương đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách trong phòng chống dịch bệnh, duy trì phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại hội nghị

Đậu tiến đạt

Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, quan hệ với nhiều đối tác, nhất là các nước láng giềng, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống, tiếp tục được mở rộng và sâu sắc hơn; đã thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc 2020 - 2021; đóng góp tích cực và có trách nhiệm tại nhiều diễn đàn, vấn đề quốc tế quan trọng. Chủ động thúc đẩy đàm phán, ký kết và triển khai các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP…

Ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân tiếp tục triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, một số mặt đã có những bước phát triển mới.

“Trong thành tựu chung đó của đối ngoại, có đóng góp quan trọng của đối ngoại địa phương”, Bộ trưởng Sơn khẳng định.

Theo ông Sơn, đối ngoại địa phương đã thực hiện tốt công tác biên giới lãnh thổ, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị; tích cực bảo hộ công dân, đặc biệt là tiếp nhận an toàn công dân ta từ nước ngoài về nước do tác động của dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, ngoại giao văn hóa ở các địa phương ngày càng được chú trọng, quảng bá hình ảnh các địa phương tới bạn bè quốc tế, số lượng hồ sơ di sản của địa phương trình lên và được UNESCO công nhận ngày càng tăng.

Tuy đã giành được nhiều kết quả quan trọng, song ông Sơn cũng đã lưu ý ngành đối ngoại địa phương không được tự mãn, chủ quan, bởi tình hình quốc tế và trong nước đang chuyển biến mau lẹ, phức tạp, đặt ra nhiều vấn đề, yêu cầu về đối nội và đối ngoại.

“Thế giới đang trải qua những biến động lớn, diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó dự báo, mở ra nhiều cơ hội mới đan xen với thách thức, khó khăn. Dịch Covid-19 kéo dài tiếp tục gây nhiều trở ngại, khó khăn cho công tác đối ngoại và phát triển kinh tế - xã hội”, Bộ trưởng khẳng định.

Ông Sơn nhấn mạnh trong bối cảnh khó khăn càng đòi hỏi quyết tâm, ý chí và nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành, trong đó có các địa phương, nhất là các địa phương đóng vai trò đầu tàu và động lực tăng trưởng kinh tế đất nước.

Bốn vấn đề lớn trong đối ngoại địa phương

Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, hội nghị tập trung thảo luận về nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn vị trí, vai trò, nhiệm vụ của đối ngoại địa phương. Cần làm rõ hơn vị trí, vai trò, nhiệm vụ của đối ngoại địa phương trong giai đoạn phát triển mới, nhất là “vị trí tiên phong” của đối ngoại địa phương trong tăng cường và làm sâu sắc quan hệ hữu nghị, hợp tác với các đối tác, huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế, uy tín của các địa phương trong hội nhập quốc tế.

Cắt băng khai trương Triển lãm trưng bày các sản phẩm thương hiệu Việt Nam

Đậu tiến đạt

Thứ hai, xác định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương là nhiệm vụ trung tâm của đối ngoại địa phương. Trên cơ sở tranh thủ tối đa các yếu tố quốc tế thuận lợi, các mối quan hệ đối ngoại rộng mở, các cam kết, thỏa thuận quốc tế để góp phần mở rộng không gian phát triển cho các địa phương, thu hút đầu tư, công nghệ, tri thức, du lịch và các nguồn lực khác phục vụ phát triển nhanh, bền vững của địa phương.

Thứ ba, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong thực hiện công tác đối ngoại địa phương. Trong triển khai đối ngoại địa phương, cần nắm bắt tốt các xu thế vận động, diễn biến của tình hình quốc tế và trong nước, vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Đảng vào điều kiện đặc thù của từng địa phương. Do đó, đề án cụ thể với từng lĩnh vực đối ngoại, trong quan hệ với từng đối tác, nhất là các đối tác quan trọng, đối tác tiềm năng đối với phát triển của địa phương.

Bên cạnh các lĩnh vực công tác truyền thống, cần mạnh dạn mở ra các lĩnh vực mới, tìm kiếm các đối tác mới và hướng đi mới có hiệu quả cao hơn, mang lại kết quả thiết thực hơn cho địa phương.

Cuối cùng, cần nâng cao năng lực của đối ngoại địa phương, quan trọng nhất là nâng cao năng lực cán bộ làm công tác đối ngoại địa phương. Các cấp chính quyền địa phương cần dành quan tâm nhiều hơn đến xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại địa phương cả về bản lĩnh, phẩm chất, trình độ, năng lực để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.

Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 diễn ra vào ngày 13.12, là sự kiện quan trọng để các ban, ngành T.Ư và các địa phương đánh giá toàn diện, rút ra bài học từ thực tiễn triển khai công tác đối ngoại địa phương trong thời gian qua, quán triệt tinh thần và nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là các chủ trương, đường lối, định hướng về đối ngoại, từ đó thống nhất phương hướng, nhiệm vụ để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại địa phương đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong giai đoạn mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.