Báo cáo mà Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên gửi đến các đại biểu (ĐB) và trình bày thêm trước phiên chất vấn khẳng định “đủ nguồn cung xăng dầu, giá cả tăng thấp so với mức bình quân của thế giới, điều hành linh hoạt”. Nhưng các ĐB không nghĩ như vậy.
Người dân đổ xăng tại một cây xăng ở TP.HCM, chiều 10.3 |
Độc Lập |
Vai trò của nhà máy Nghi Sơn
ĐB Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) không chỉ lo giá xăng cao nhất trong gần 1 thập kỷ mà còn là câu chuyện nguồn cung, khi phản ánh chuyện nhiều cây xăng treo biển hết hàng, đại lý không muốn bán vì kêu hoa hồng chiết khấu thấp. ĐB Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) bức xúc chuyện doanh nghiệp (DN), người dân vừa phải vật lộn với khó khăn do đại dịch chưa dứt thì phải đối mặt chi phí xăng dầu tăng cao.
Dẫn hàng loạt số liệu như tồn kho tháng trước chuyển sang, tăng công suất của Nhà máy Dung Quất, giao hạn ngạch nhập khẩu tăng 25 - 30% cho các đầu mối, Bộ trưởng Diên khẳng định “không thiếu xăng dầu”. Ông cũng cho biết, số cửa hàng đóng cửa là hệ thống cung cấp xăng cho các cửa hàng này lấy nguồn từ Nhà máy Nghi Sơn, trong khi nhà máy chỉ chạy 55 - 80% công suất, không cung cấp đủ hàng như đã cam kết.
Thế nhưng, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) tranh luận: “Không chỉ các đại lý găm hàng. Tôi có hỏi các cửa hàng thì họ nói nguồn cung từ cấp trên không rót xuống. Nên găm hàng có thể cả ở vĩ mô (thương nhân phân phối và DN đầu mối - PV). Tương tự, ĐB Kim Bé (Kiên Giang) phản bác: “Nguồn cung không thiếu, nhưng chủ yếu là nhập khẩu. Vậy, vai trò của các nhà máy sản xuất trong nước như thế nào trong vấn đề bình ổn nguồn cung, giá cả, nhất là Nhà máy Nghi Sơn?”.
Ông Diên thừa nhận: “Nghi Sơn là ẩn số trong phương trình giải bài toán nguồn cung xăng dầu trong nước”. Theo ông, khó khăn chủ yếu của Nhà máy Nghi Sơn là “vấn đề tài chính” và Tập đoàn dầu khí VN (PVN) với tư cách là một bên trong liên danh đã báo cáo Ủy ban Quản lý vốn, cũng như đang phối hợp các cơ quan chức năng để đấu tranh với liên danh thực hiện đúng yêu cầu, cam kết về cung cấp xăng dầu. Dù vậy, ông cũng trấn an rằng Bộ Công thương cam kết khi nào Ủy ban Quản lý vốn, PVN cam kết giao đúng sản lượng từ nhà máy này theo kế hoạch đã cam kết thì bộ mới dừng nhập khẩu nước ngoài.
Giải trình thêm về vấn đề này, Phó thủ tướng Lê Văn Thành thừa nhận nguyên nhân chính khiến các cửa hàng đóng cửa là do các kênh phân phối điều tiết chưa tốt, ảnh hưởng tới tâm lý người dân.
ĐB Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) và Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên (phải) tại phiên chất vấn |
Gia Hân |
“Nhập nhằng” dự trữ xăng dầu
ĐB Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cảnh báo nguy cơ thiếu xăng dầu có thể gây gián đoạn sản xuất và đặt vấn đề có cần tăng mức dự trữ quốc gia bởi đây là “mặt hàng chiến lược nên cần điều hành khoa học, chặt chẽ”. Tương tự, ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cũng có cùng mối lo. Dẫn quy định của Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu đòi hỏi thương nhân đầu mối phải có dự trữ ít nhất 20 ngày, ĐB Trịnh Ngân Sinh (An Giang) nghi ngờ về việc đầu mối đã không thực hiện đúng khi đại lý luôn trong tình trạng phải lấy hàng nhỏ giọt.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bác bỏ ý kiến không có dự trữ, song thừa nhận lượng dự trữ ít, chỉ đáp ứng nhu cầu 5 - 7 ngày và dự trữ chỉ sử dụng trong tình huống đặc biệt. Tham gia ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý Bộ trưởng cần làm rõ dự trữ quốc gia với dự trữ lưu thông mà DN phải có, vì thực tế hiện “vẫn có dự trữ quốc gia song gửi ở kho của DN”.
Bộ trưởng Diên thừa nhận đây cũng là một “ẩn số” trong bài toán xăng dầu. Theo ông Diên, cơ chế dự trữ quốc gia chưa có hệ thống kho riêng nên giao dự trữ này cho các DN đầu mối “rõ ràng là bất hợp lý”. “Chúng tôi nghĩ rằng nếu sớm có được cơ chế tách bạch giữa dự trữ quốc gia với dự trữ của các DN đầu mối và thương nhân phân phối thì chắc chắn nó sẽ tốt”, ông Diên nói và cho biết Bộ này đang điều chỉnh để trình một mô hình quản lý, nâng cao mức dự trữ phòng nếu tình thế bất trắc thì phải đủ dùng được một vài tháng.
Liên quan vấn đề này, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho biết để chủ động nguồn cung xăng dầu trong nước, Chính phủ đã quy hoạch phát triển thêm một nhà máy lọc dầu tại Vũng Tàu với sản lượng 10 triệu tấn/năm. “Tập đoàn Dầu khí VN đã triển khai, cố gắng trong 10 tháng sẽ xong thủ tục đầu tư. Nếu có thêm 10 triệu, cộng 13 triệu hiện nay, chúng ta có 23 triệu tấn, đủ nhu cầu trong nước”, ông Thành nói.
Bên cạnh đó, ông Thành cho biết sẽ tăng việc khoan dầu và khai thác dầu thô, do lượng dầu thô khai thác hiện nay mới đáp ứng 50% nguyên liệu sản xuất xăng dầu. “Vẫn còn một số bất cập trong điều hành khoan thăm dò. Vừa qua, Chính phủ đã làm việc trực tiếp với Tập đoàn Dầu khí để điều chỉnh cơ chế khi khoan dầu thì phục vụ trực tiếp sản xuất trong nước chứ không xuất khẩu nữa”, ông Thành nhấn mạnh.
NGUỒN: BỘ CÔNG THƯƠNG - ĐỒ HỌA: V.NGHI |
Tùy thị trường thế giới?
Giá xăng dầu cũng là vấn đề nhiều ĐB quan tâm. ĐB Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) hỏi thẳng: “Cử tri hỏi trong thời gian tới xăng dầu có giảm giá được không, cụ thể như thế nào?”. Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Diên nhấn mạnh: “Việc giảm hay không còn tùy vào thị trường thế giới. Chúng tôi chỉ cam kết nếu giá thế giới tăng cao thì cố gắng điều hành sao để trong nước tăng ở mức có thể chấp nhận được”.
Theo ông Diên, công cụ ở đây là Quỹ bình ổn, thuế, phí và kiến nghị giảm thuế môi trường chính là mang đến cơ hội giảm giá. Nếu dùng thuế, phí và quỹ hết cỡ rồi thì có thể tính đến áp dụng chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng dùng nhiều xăng dầu. Tuy nhiên, cơ cấu thuế, phí hiện nay phức tạp nên ông hướng về phía Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc “đề nghị giúp đỡ”!
Tranh luận với Bộ trưởng Diên, ĐB Vũ Thị Lưu Mai, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cho rằng việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu như một biện pháp giảm giá xăng dầu là “bất hợp lý”. Lý do, theo bà Mai, giảm thuế bảo vệ môi trường là không phù hợp với bản chất thuế bảo vệ môi trường; chưa phù hợp với nguyên tắc điều hành giá…
Trả lời ĐB, ông Diên cho biết, việc lựa chọn sắc thuế nào để giảm giá xăng, dầu đã được Bộ Công thương “rất cân nhắc”, bàn trong ngành và báo cáo với Chính phủ. “Chúng tôi thấy rằng tình hình rất căng khi giá thế giới biến động như thế, để xử lý được nhanh nhất tình huống này chỉ có giảm thuế bảo vệ môi trường”, ông Diên nói và cho rằng việc đánh thuế bảo vệ môi trường đang đặt ra mức 4.000 đồng, theo ông “cũng chưa phải có cơ sở gì đó thực sự khoa học để bảo rằng phải là 4.000 đồng chứ không phải là 5.000 đồng hay 3.000 đồng, 2.000 đồng”.
“Chúng ta nói kinh tế theo cơ chế thị trường nhưng chưa phải là thị trường đầy đủ. Với mặt hàng này (xăng dầu - PV) phải có sự quản lý của nhà nước”, Bộ trưởng Diên nói và cho rằng: “Quỹ bình ổn giá xăng dầu không còn, thuế không được giảm thì làm sao giảm giá!”.
Sớm trình để giảm thuế môi trường xăng dầu từ tháng 4
Phát biểu kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đã có 48 ĐB trực tiếp chất vấn, 10 ĐB tranh luận với các bộ trưởng. Ông Huệ cũng đánh giá các bộ trưởng đã thể hiện tinh thần cầu thị, thẳng thắn, giải trình làm rõ nhiều vấn đề.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan cần sớm xây dựng kịch bản đảm bảo cung cầu về xăng dầu trong bất cứ tình huống và hoàn cảnh nào; giải quyết những vướng mắc của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn; thực hiện công khai minh bạch và có giải pháp tách bạch rạch ròi giữa dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông của các DN kinh doanh đầu mối xăng dầu.
Về giá xăng dầu, ông Huệ đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tiếp tục điều hành giá xăng dầu đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân và DN; sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua việc giảm thuế môi trường với xăng dầu để áp dụng từ tháng 4 tới.
Bình luận (0)