Hôm nay, 21.7, tại Trường Đại học VinUni (Hà Nội), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chủ trì hội nghị Thúc đẩy cơ hội học tập chương trình giáo dục quốc tế tại Việt Nam.
Tham gia hội nghị có đại diện sứ quán các nước Mỹ, Pháp, Đức, Nhật,… là những nước có hợp tác quốc tế mạnh mẽ về giáo dục đại học với Việt Nam và hơn 40 hiệu trưởng/giám đốc các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu tại Việt Nam.
Cơ hội phát triển “du học tại chỗ”
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài bị ảnh hưởng rất lớn. Nhiều cơ sở giáo dục đại học ở các nước phải chuyển sang hình thức học trực tuyến. Môi trường xã hội ở nhiều nước phải thực hiện cách ly. Những yếu tố đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến người học ở các nước, trong đó có lưu học sinh Việt Nam học tập tại nước ngoài.
Trong khi đó, Việt Nam đã và đang kiểm soát tốt dịch Covid-19. Nhờ đó, hiện nay các trường đại học của Việt Nam vẫn mở cửa đón nhận sinh viên và thực hiện các hoạt động đào tạo một cách bình thường. Đây là dịp tốt cho các cơ sở đào tạo đại học tiếp nhận sinh viên Việt Nam đang du học tại nước ngoài về tiếp tục học tập, đồng thời cũng là cơ hội tốt để tiếp nhận sinh viên nước ngoài đến học tập tại Việt Nam.
Hội nghị được tổ chức nhằm nắm bắt cơ hội này, là diễn đàn để giới thiệu, trao đổi về năng lực và kinh nghiệm triển khai các chương trình đào tạo quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học trong nước, qua đó sẵn sàng đón các du học sinh Việt Nam ở nước ngoài, du học sinh nước ngoài học tập tại Việt Nam trong giai đoạn bệnh dịch còn diễn biến phức tạp trên thế giới.
Đồng thời, hội nghị còn nhằm một mục tiêu dài hạn, đó là tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam thông qua việc đẩy mạnh việc cung cấp các chương trình đào tạo và môi trường học tập quốc tế để các học sinh Việt Nam có thể “du học tại chỗ”.
Ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD-ĐT, cho biết hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đã có nhiều chương trình đào tạo chất lượng (đã được kiểm định quốc tế) đào tạo bằng tiếng Anh và một số ngoại ngữ khác. Nhiều cơ sở giáo dục đại học Việt Nam được ghi nhận trong danh sách các bảng xếp hạng đại học uy tín nhất tại châu Á và trên thế giới (3 trường thuộc top 1000 đại học tốt nhất thế giới theo xếp hạng của QS và THE; 8 trường thuộc top 500 đại học tốt nhất Châu Á theo xếp hạng của QS).
Ngoài ra, chúng ta có 5 trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài. Các chương trình đào tạo quốc tế liên kết với các đại học uy tín ở nước ngoài không ngừng gia tăng cả về số lượng lẫn chất lượng, hiện có khoảng 400 chương trình liên kết đào tạo với hơn 30 quốc gia trên thế giới.
Không chỉ nghĩ việc giữ chân sinh viên ở lại Việt Nam
Ông Nhạ cho rằng, gần đây ở các nước phát triển, trong đó có Việt Nam, xu hướng không chỉ gửi học sinh sang các nước có điều kiện tốt hơn để học tập mà xuất hiện mô hình đào tạo kết hợp, từ thiết kế chương trình, tới tổ chức giảng dạy, trao đổi học thuật, giáo viên, sinh viên đa dạng. Với mô hình hợp tác này, quan trọng là kiểm định chất lượng và chuẩn đầu ra, còn tín chỉ thì trao đổi.
Nhiều trường trong đại dịch Covid-19 đã tổ chức đào tạo online, tạo điều kiện linh hoạt cho người học lựa chọn và các trường đại học giữa các nước liên kết với nhau thành chuỗi, cung cấp chương trình giáo dục đào tạo, rộng ra tạo thành mạng lưới nghiên cứu.
“Chúng ta không chỉ dừng lại ở nhu cầu của người học, mà rộng dài hơn đáp ứng được yêu cầu của rất cả những người liên quan, người học, người dạy, phụ huynh. Thực tế nhiều phụ huynh hiện nay không muốn con em đi học nước ngoài suốt 4 năm mà muốn con có những quãng thời gian ở cùng gia đình - một chương trình đào tạo thỏa mãn được nhu cầu này là xu hướng tất yếu”, ông Nhạ nói.
Ông Nhạ cũng cho biết, Việt Nam hiện có khoảng gần 200.000 du học sinh đang học tập ở các nước, trong đó tập trung ở nhiều nước có nền giáo dục phát triển hàng đầu như Mỹ, Anh, Úc... Trong khi nhiều du học sinh Việt Nam đang lúng túng chưa biết như thế nào trong giai đoạn đại dịch, nếu về Việt Nam sẽ học ở đâu, thì sứ mạng của các trường đại học là tạo điều kiện cho du học sinh trở về được học ở môi trường tốt nhất. Mặt khác, đây cũng là cơ hội để các trường trong và ngoài nước kết nối với nhau, đưa ra các chương trình đào tạo tốt.
Tuy nhiên, ông Nhạ cũng khuyến cáo: “Nếu chỉ nghĩ đến việc giữ chân học sinh, sinh viên Việt Nam ở lại Việt Nam thì sẽ quá hẹp. Một mặt chúng ta vẫn khuyến khích học sinh đi du học nhưng mặt khác phải tạo ra những chương trình liên kết đào tạo tốt để học sinh ở Việt Nam vẫn được học tập trong điều kiện và chương trình tốt nhất - đây còn là cách để giữ nguồn chi phí dành cho du học ở lại Việt Nam”.
Theo ông Nhạ, để nắm bắt cơ hội này, những chương trình đã có tiếp tục củng cố, những chương trình chưa có sẽ mở rộng, đặc biệt ở những nơi du học sinh Việt Nam còn đang lúng túng khó khăn thì các em sẽ yên tâm khi về Việt Nam sẽ được học chương trình tương tự như các em đang học tại các nước. Đây không chỉ là giải pháp về học thuật, kinh tế, mà còn đặc biệt nhân văn trong giai đoạn hiện nay và cũng là chính sách đột phá nâng cao chất lượng ngồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam.
Ông Nhạ cũng lưu ý, hiện nay, trong hơn 400 chương trình liên kết đào tạo, chủ yếu là lĩnh vực kinh tế, quản lý. Vì vậy, cần mở ra các ngành liên kết đào tạo nhiều lĩnh vực khác như CNTT, công nghệ sinh học, phần mềm, du lịch,… bởi đây là các lĩnh vực rất cần đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam.
Ngoài ra, các ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cũng còn nhiều tiềm năng để mở rộng liên kết đào tạo theo tín chỉ hoặc nhóm tín chỉ, từ đó mở rộng cơ hội trải nghiệm cho sinh viên quốc tế tại Việt Nam.
“Thực hiện chương trình liên kết đào tạo quốc tế, Việt Nam rất lưu ý đến chất lượng, kiểm định chất lượng. Bên cạnh những chương trình tốt không phải không có những chương trình chưa đạt yêu cầu. Vì vậy, yêu cầu đặt ra tới đây là mở chương trình nào phải tốt chương trình đó. Xã hội yêu cầu ngày càng cao, vì vậy các trường đại học phải chú ý chất lượng thật”, ông Nhạ nhấn mạnh.
Bình luận (0)