Du học sinh về học trường trong nước

21/07/2020 07:59 GMT+7

Diễn biến phức tạp của dịch Covid -19 ở các nước khiến nhiều du học sinh Việt Nam mong muốn trở về tiếp tục học tập trong nước.

Các trường đại học trong nước và quốc tế đóng tại Việt Nam có nhiều chương trình đáp ứng nhu cầu này.

Chuyển tiếp hoặc tuyển mới

Các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM đã có thông báo chính thức về việc tiếp nhận học sinh, sinh viên (HS-SV) đang học tại các nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có nhu cầu về học tại Việt Nam.
Tiến sĩ Trần Tiến Khoa, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế, cho biết trường sẽ tiếp nhận du học sinh (DHS) vào học tại trường theo 2 cách: tuyển mới và chuyển tiếp. Cụ thể, với người đang học bậc ĐH, trường sẽ xem xét chuyển tiếp đúng ngành SV đang học, công nhận tín chỉ đã học tương đương. Những SV muốn chuyển sang ngành học khác với ngành mình đang học, trường sẽ xét căn cứ trên bằng tú tài nước ngoài và quá trình phỏng vấn. “Tiêu chí tiếp nhận SV nước ngoài vào trường không thấp hơn điều kiện trúng tuyển chương trình tại trường. Để tốt nghiệp, SV cũng cần hoàn thành các chuẩn đầu ra theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT”, tiến sĩ Khoa thông tin.
Hiện tại, Trường ĐH Quốc tế đã tiếp nhận khoảng 15 hồ sơ. Nếu được chọn, SV sẽ nhập học vào tháng 10.2020.

Tiếp nhận sinh viên có các chứng chỉ quốc tế

Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) xét tuyển vào ĐH chính quy năm học 2020 bằng phương thức sử dụng chứng chỉ quốc tế (30 chỉ tiêu). Trong đó, nhóm 1 xét tuyển vào tất cả các ngành SV người Việt Nam tốt nghiệp THPT Việt Nam hoặc nước ngoài. Nhóm 2 chỉ xét tuyển vào chương trình tiên tiến ngành hệ thống thông tin học bằng tiếng Anh đối với SV người nước ngoài tốt nghiệp THPT nước ngoài. Điều kiện đăng ký xét tuyển là tốt nghiệp THPT năm 2020, hạnh kiểm tốt, đạt danh hiệu HS khá 3 năm THPT và có chứng chỉ quốc tế uy tín như: chứng chỉ SAT từ 510 điểm trở lên cho mỗi phần thi, chứng chỉ ACT có điểm trung bình từ 21 trở lên, AS/A level có điểm từ C-A mỗi môn thi, tú tài quốc tế có tổng điểm từ 21 trở lên. Thí sinh được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng, nộp hồ sơ đến 15.8 và công bố kết quả từ 24 - 29.8.
Du học sinh Úc học trực tuyến tại Việt Nam do ảnh hưởng của dịch Covid-19 ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT

Du học sinh Úc học trực tuyến tại Việt Nam do ảnh hưởng của dịch Covid-19

ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT

Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, cũng cho biết trường sẵn sàng tiếp nhận SV quốc tế khối ngành khoa học, kỹ thuật công nghệ, quản trị - kinh tế. Trường cũng công bố điều kiện tuyển sinh các ngành cử nhân với các HS có chứng chỉ quốc tế như: SAT, Cambridge, TestAS... thỏa mãn điều kiện đầu vào của trường.
“Nếu chưa có các chứng chỉ này, HS sẽ làm bài thi đầu vào TestAS với thời gian và địa điểm thích hợp”, tiến sĩ Viên cho hay.

Tiếp nhận học tạm thời

Không chỉ tuyển sinh từ đầu hoặc chuyển tiếp “ngang” để đào tạo và cấp bằng, một số trường ĐH còn cho phép SV học tạm thời để chuyển đổi tín chỉ trong thời gian bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trước khi trở về trường cũ.
Trường ĐH RMIT Việt Nam vừa đưa ra các biện pháp hỗ trợ DHS từ Mỹ về học tại trường. Trong đó, SV đang theo học tại các trường ĐH, CĐ hoặc CĐ cộng đồng của Mỹ có thể chuyển đổi tín chỉ các môn đã học từ trường Mỹ để tiếp tục học tập và nhận bằng cử nhân tại RMIT. Số lượng tín chỉ được xét tùy ngành, bậc và môn đã học trước đó.
Bà Nguyễn Tường Oanh, Trưởng phòng Quan hệ quốc tế trường này, cho biết: “DHS có thể theo học tại trường đến khi hết dịch hoặc vào thời điểm thích hợp có thể chuyển đổi tín chỉ để quay lại trường ban đầu”. Điều kiện đầu vào tùy vào chương trình, thời gian đã học, điểm tiếng Anh, điểm thi đầu vào và một số ngành kỹ thuật cần thêm điểm toán.
Với HS vừa hoàn thành lớp 12 tại Mỹ, trường ĐH này cũng có nhiều lựa chọn: học hoàn toàn tại Việt Nam, vừa học tại Việt Nam vừa học tại Úc hoặc Mỹ... SV có thể bắt đầu học kỳ tháng 10 năm nay hoặc tháng 2.2021.
Tương tự, Trường ĐH Việt Đức chấp nhận học chuyển tiếp hoặc trao đổi SV trong thời gian 1 - 2 học kỳ.

Liên tục tiếp nhận du học sinh

Nhiều trường ĐH ở Hà Nội không đợi đến khi có dịch Covid-19 mà hằng năm vẫn thực hiện các kế hoạch đón DHS Việt Nam về nước học.
Theo PGS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trường chỉ sẵn sàng tiếp nhận các DHS Việt Nam và SV quốc tế có nguyện vọng chuyển trường ĐH ở nước ngoài về học tại trường và phù hợp với các yêu cầu: Cơ sở giáo dục ĐH tại nước ngoài đang theo học có thứ hạng tương đương (hoặc cao hơn) thứ hạng của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trong bảng xếp hạng ĐH của một trong các tổ chức xếp hạng quốc tế uy tín; SV hiện đang học tập, minh chứng bởi tài khoản học tập còn hiệu lực (active). Căn cứ vào chương trình học tập và kết quả học tập của SV ở nước ngoài, nhà trường xem xét miễn và công nhận tín chỉ cho SV.
PGS Nguyễn Viết Thái, Trưởng phòng Đối ngoại và truyền thông Trường ĐH Thương mại, cũng chia sẻ SV đã học xong năm 1 thì phải học lại từ đầu, đối với SV đã học hết năm 2, nếu có các học phần tương đương với các chương trình của trường, thì sẽ xem xét tính tương đương để được thi vào năm 3 (các chương trình đào tạo liên kết của trường thực hiện theo mô hình cử nhân thực hành của châu Âu, chỉ đào tạo 3 năm).
TS Phạm Thu Hương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, cũng cho biết trường có chương trình trao đổi với gần 200 trường ĐH trên toàn thế giới. Đối với chương trình trao đổi ngắn hạn, các DHS Việt Nam và SV quốc tế có thể đăng ký học tập theo nguyện vọng. Thời gian đăng ký theo học có thể linh hoạt kéo dài từ 1 học kỳ đến 1 năm học.

Mở lớp cho du học sinh trải nghiệm

Ban lãnh đạo Trường ĐH Fulbright Việt Nam (FUV) vừa có quyết định mở rộng chương trình Sinh viên dự thính (Visiting Student Program) và kéo dài thời hạn nộp hồ sơ ứng tuyển nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của DHS bị gián đoạn kế hoạch học tập do tác động của dịch Covid-19.
Đây là chương trình đào tạo đặc biệt, kéo dài 1 năm, được FUV khởi xướng từ tháng 6.2020 nhằm giúp đỡ HS đã trúng tuyển vào các ĐH quốc tế nhưng chưa thể nhập học do tác động của dịch Covid-19. Với quyết định mới nhất này, chương trình Sinh viên dự thính sẽ tiếp tục nhận hồ sơ ứng tuyển đến hết ngày 31.7.2020. Đối tượng tuyển sinh là người Việt Nam đã trúng tuyển vào một trường ĐH bên ngoài lãnh thổ Việt Nam trong đợt tuyển sinh cho năm học 2020 - 2021 nhưng chưa thể nhập học vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 và mong muốn có trải nghiệm học thuật toàn thời gian tại FUV trong suốt năm học 2020 - 2021.

Quy định về hồ sơ

Theo quy định của Bộ GD-ĐT về quản lý công dân Việt Nam học tập ở nước ngoài, DHS chưa tốt nghiệp về nước, nếu có nguyện vọng được học tiếp trong nước và có đủ hồ sơ theo quy định thì được đăng ký học tiếp tại cơ sở giáo dục ĐH trong nước.
Hồ sơ gồm: Đơn xin chuyển từ trường học ở nước ngoài về học tại Việt Nam (theo mẫu đã được quy định); bản sao và bản dịch hợp lệ sang tiếng Việt bảng điểm hoặc giấy xác nhận kết quả học tập của DHS từ khi bắt đầu học tập ở nước ngoài đến thời điểm về nước; bản sao và bản dịch hợp lệ sang tiếng Việt văn bản xác nhận thôi học, lý do thôi học do cơ sở giáo dục nước ngoài hoặc các cơ quan chức năng có thẩm quyền của nước ngoài cấp; ý kiến của cơ quan cử đi học về việc DHS chưa tốt nghiệp về nước (nếu có); ý kiến của cơ quan chủ quản về việc DHS chưa tốt nghiệp về nước (đối với DHS có cơ quan chủ quản); bản sao hợp lệ các văn bản về việc trúng tuyển, nhập học, kết quả học tập tại cơ sở giáo dục ĐH, sau ĐH ở Việt Nam trước khi đi học ở nước ngoài (nếu có); ý kiến bằng văn bản của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về việc DHS chưa tốt nghiệp về nước (nếu có); giấy khám chữa bệnh, chỉ định điều trị của cơ quan y tế có thẩm quyền ở nước sở tại đối với trường hợp về nước vì lý do sức khỏe và bản dịch hợp lệ sang tiếng Việt.
Thời hạn giải quyết thủ tục tiếp nhận DHS chưa tốt nghiệp về nước tối đa là 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.