Bộ trưởng Tài chính: Đánh thuế tối thiểu toàn cầu sẽ thu thêm 14.600 tỉ mỗi năm

Lê Hiệp
Lê Hiệp
28/09/2023 12:05 GMT+7

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, áp dụng quy định thuế tối thiểu toàn cầu từ 2024, ngân sách nhà nước sẽ thu thêm khoảng 14.600 tỉ đồng mỗi năm.

Sáng 28.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục họp phiên 26 để cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội áp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (còn gọi là thuế tối thiểu toàn cầu).

Bộ trưởng Tài chính: Đánh thuế tối thiểu toàn cầu sẽ thu thêm 14.600 tỉ mỗi năm - Ảnh 1.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình tại phiên họp

GIA HÂN

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thuế tối thiểu toàn cầu là thỏa thuận của các nước G7 đạt được vào tháng 6.2021 để chống lại các tập đoàn đa quốc gia né thuế, có hiệu lực từ 1.1.2024. Thuế suất sẽ áp dụng là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề nhất.  

Việc áp dụng các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu mang lại cho Việt Nam cơ hội tăng thu ngân sách từ phần thu thuế bổ sung; tăng hội nhập quốc tế và giảm thiểu trốn thuế, tránh thuế, cũng như chuyển giá, chuyển lợi nhuận.

Theo ông Phớc, thuế tối thiểu toàn cầu là khoản thuế mới, chưa được quy định trong luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Khoản thuế này cũng nằm ngoài thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành do đó cần trình Quốc hội ban hành nghị quyết.

Theo dự thảo nghị quyết, Việt Nam sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ 2024, nên dự kiến áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn (QDMTT) và thu nhập chịu thuế tối thiểu (IRR). Việc này nhằm giành quyền đánh thuế, hạn chế việc chuyển thuế sang các quốc gia khác.

Đề nghị thu thuế khoản thanh toán chịu thuế dưới mức tối thiểu

Nêu ý kiến của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh cho hay, thường trực ủy ban này nhất trí ban hành nghị quyết.

"Nếu Việt Nam không nội luật hóa các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu, thì các nước xuất khẩu vốn đầu tư sẽ được thu khoản thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung (cho đủ mức 15%) với các công ty đa quốc gia có dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang được hưởng mức thuế suất thực tế dưới 15%", ông Mạnh nói.

Bộ trưởng Tài chính: Đánh thuế tối thiểu toàn cầu sẽ thu thêm 14.600 tỉ mỗi năm - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra

GIA HÂN

Tuy nhiên, với đề nghị của Chính phủ là tên gọi của nghị quyết không có chữ "thí điểm" để bảo đảm sự chắc chắn cho văn bản đạt chuẩn khi OECD thực hiện rà soát, ông Mạnh cho biết, đây chỉ là vấn đề về hình thức văn bản, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với việc không có chữ "thí điểm" trong tên gọi của nghị quyết, song về bản chất, nghị quyết này vẫn phải được coi là một nghị quyết thí điểm, với quy định cụ thể về thời hạn áp dụng và kết thúc theo quy định của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về phạm vi thu thuế, theo ông Mạnh, dự thảo nghị quyết quy định thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) và tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR). So sánh với quy định về áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, cơ quan thẩm tra thấy dự thảo nghị quyết chưa quy định về việc thu thuế với các khoản thanh toán chịu thuế dưới mức tối thiểu (UTPR).

Khoản UTPR để giữ quyền có thể thu thuế với trường hợp công ty con thuộc tập đoàn ở Việt Nam được phân chia quyền thu thuế với những khoản thu nhập chưa bị đánh thuế tối thiểu toàn cầu tại quốc gia của công ty mẹ và các quốc gia có công ty con khác.

Vì vậy, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung vào dự thảo nghị quyết nội dung quy định về UTPR để có cơ sở áp dụng ngay khi Tổ chức Hợp tác - Phát triển Kinh tế (OECD) cho phép thực hiện hoặc có phương án bổ sung nội dung quy định về UTPR khi sửa luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp để bảo đảm giữ quyền đánh thuế của Việt Nam.

"Có giữ chân được nhà đầu tư hay không hay họ rút về nước?"

Giải trình thêm, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói, việc ban hành nghị quyết là để thực hiện quyền đánh thuế của Việt Nam với thuế tối thiểu toàn cầu mà OECD đã có chủ trương. "Đây là quyền lợi của đất nước. Nếu không đánh thuế thì chúng ta từ bỏ quyền định thuế của mình, phần nộp bổ sung doanh nghiệp họ sẽ nộp về chính quốc. Mình vừa thất thu thuế, mất dòng đầu tư", ông Phớc nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính thừa nhận, vấn đề này tác động rất lớn. Sau quyết định này có giữ chân được nhà đầu tư hay không, hay họ rút về nước.

"Khi đã đưa ra quyền đánh thuế của mình thì theo quy định của OCED trong cuộc chơi này mình sẽ giành được quyền chủ động. Chúng tôi đề nghị bỏ từ "thí điểm" và đánh thuế luôn. Tới đây khi sửa luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ nghiên cứu đưa thuế này vào, dự kiến luật này sửa vào 2025", ông Phớc cho hay.

Bộ trưởng Phớc cũng nhấn mạnh, khi xây dựng tờ trình, hồ sơ đã tổ chức nhiều hội thảo với nhiều chuyên gia quốc tế, tập đoàn để lấy ý kiến rộng rãi. Nên ý kiến trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội là ý kiến thống nhất của Chính phủ.

Về số doanh nghiệp phải chịu thuế tối thiểu toàn cầu hiện nay, ông Phớc cho hay đã rà soát kỹ với 122 doanh nghiệp, với khoản thu thuế khoảng 14.600 tỉ đồng. Nên khi ban hành thuế này sẽ có thêm cơ chế hỗ trợ đầu tư.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.