Bộ Xây dựng liên tiếp ban hành 3 quy chuẩn PCCC: Doanh nghiệp 'than' khó thực hiện

27/04/2023 21:02 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp "than" quy chuẩn về PCCC hiện đang làm khó cho việc thu hút vốn vào kinh doanh sản xuất, nếu không tháo gỡ sẽ làm giảm sự hấp dẫn của môi trường thu hút đầu tư.

Quy định PCCC trở thành "chướng ngại vật" của doanh nghiệp

Phản ánh đến Thanh Niên, anh Nguyễn Trọng Công (39 tuổi), chủ một doanh nghiệp có nhà máy tại khu công nghiệp Quang Minh, H.Mê Linh, Hà Nội, cho biết gần đây khi thấy giá điện rục rịch tăng, doanh nghiệp rất muốn đầu tư hệ thống pin năng lượng mặt trời trên mái nhà xưởng để giảm bớt tiền điện, giảm giá thành sản xuất. Nhưng khi thuê đơn vị tư vấn tìm hiểu, lên phương án mới thấy khó khả thi do vướng nhiều nội dung về PCCC.

Bộ Xây dựng liên tiếp ban hành 3 quy chuẩn PCCC: doanh nghiệp 'than' khó thực hiện - Ảnh 1.

Doanh nghiệp làm nhà xưởng than khó đáp ứng quy định PCCC

LÊ QUÂN

Theo anh Công, để lắp được tấm pin mặt trời trên mái nhà xưởng, cần thẩm duyệt lại cả hệ thống PCCC hiện hữu chứ không đơn giản chỉ là phần lắp đặt mới. Theo quy chuẩn QCVN 06:2022/BXD do Bộ Xây dựng ban hành thì có chuẩn cao, khó thực hiện.

Cụ thể, quy định hệ thống pin mặt trời lắp bổ sung trên mái nhà xưởng phải được tính toán trong điều kiện thường và điều kiện cháy khiến cho doanh nghiệp của anh Công chưa biết phải tính toán trong điều kiện cháy thế nào là đạt. Trong khi, điều kiện cháy là thế nào hay thế nào là an toàn trong điều kiện cháy thì thì chưa có hướng dẫn. Do khó khăn đến vậy nên sau thời gian tìm hiểu, anh Công buộc phải bỏ ý định lắp hệ thống pin mặt trời trên mái nhà xưởng.

Bộ Xây dựng liên tiếp ban hành 3 quy chuẩn PCCC: doanh nghiệp 'than' khó thực hiện - Ảnh 2.

Vụ cháy nhà xưởng của Công ty TNHH Ivory Triệu Sơn ở H.Triệu Sơn, Thanh Hóa

MINH HẢI

Ông Nguyễn Quang Anh (54 tuổi), chủ một doanh nghiệp sản xuất đệm mút đang đầu tư nhà xưởng tại khu công nghiệp Đình Trám ở H.Việt Yên, Bắc Giang, cũng chia sẻ đang gặp nhiều khó khăn vì QCVN 06:2022/BXD do Bộ Xây dựng ban hành.

Cụ thể, nhà xưởng của ông Nguyễn Quang Anh đã xây dựng hoàn thiện, nhưng chưa đưa vào hoạt động khiến đọng vốn, tăng chi phí, mà lãi suất ngân hàng vẫn phải trả mỗi ngày. Nguyên nhân là các vật liệu chống cháy như: sơn, khung dầm, mái… nhà xưởng lại không kiểm định được tính chịu lửa, chịu lực. Theo yêu cầu của đơn vị thẩm định PCCC, toàn bộ kết cấu khung dầm của nhà xưởng phải được sơn bằng sơn chống cháy. Nhưng chỉ số đảm bảo ra sao, bán ở đâu, ai kiểm định… thì chưa có hướng dẫn.

Theo ông Nguyễn Quang Anh, ra thị trường mua sơn chống cháy thì đơn giản. Nhưng mua sơn chống cháy ngoài thị trường về sơn chưa chắc được cơ quan chức năng nghiệm thu vì chưa chắc đạt đủ tiêu chí trong quy định PCCC. Nhưng mua sơn chống cháy đạt đủ quy định, để được nghiệm thu đưa nhà xưởng vào hoạt động ở đâu thì rất khó.

Anh Nguyễn Trung Thành (35 tuổi), đơn vị tư vấn về PCCC cho doanh nghiệp của ông Nguyễn Quang Anh, chia sẻ quy trình thẩm định sơn chống cháy khá ngặt nghèo vì doanh nghiệp phải mang cả sơn, cấu kiện là khung sắt, thép đến cơ quan chức năng để kiểm tra đốt mẫu. Sau đó, mang kết quả sang cơ quan thẩm định PCCC để cấp giấy đủ điều kiện, hoàn tất chứng nhận kiểm định.

Bộ Xây dựng liên tiếp ban hành 3 quy chuẩn PCCC: doanh nghiệp 'than' khó thực hiện - Ảnh 3.

Lực lượng cứu hỏa dập lửa tại một khu nhà xưởng sản xuất bị cháy ở H.Thường Tín, Hà Nội vào tháng 5.2022

HÙNG DŨNG

Theo anh Thành, Việt Nam là đất nước đang phát triển nhưng nhiều nội dung về quy định PCCC đã áp theo chuẩn của nước phát triển. Điều này chưa phù hợp với điều kiện kinh tế của doanh nghiệp trong nước, tăng chi phí đầu tư, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất… Đơn cử, về nội dung áp dụng tiêu chuẩn PCCC tự động trong nhà xưởng, không thể dùng thiết bị của Trung Quốc hay châu Á sản xuất mà phải nhập từ châu Âu. Trong khi, nhập thiết bị từ châu Âu có giá khá cao, nhưng nếu không lắp đặt đúng chủng loại, yêu cầu thiết bị mà hoạt động không có nghiệm thu PCCC thì nguy cơ bị đình chỉ rất lớn.

Một số doanh nghiệp ở khu công nghiệp Quế Võ 1, Bắc Ninh chia sẻ, không thể đưa công trình vào hoạt động vì chưa được nghiệm thu PCCC do thiết kế xây dựng theo QCVN 06:2021/BXD nhưng khi xây dựng hoàn thành là thời điểm QCVN 06:2022/BXD có hiệu lực. Do có sự thay đổi về quy chuẩn PCCC nên đến nay, chưa được nghiệm thu PCCC để đủ điều kiện vào hoạt động.

Một số chủ doanh nghiệp ở Hà Nội cho rằng, nếu quy định về PCCC chậm được giải quyết thông thoáng sẽ trở thành chướng ngại trong quá trình thu hút vốn đầu tư của cả công ty trong và ngoài nước. Môi trường đầu tư rất cần được khơi thông ở mọi khâu, trong đó có vấn đề về PCCC mới kích thích được sản xuất, tạo đà phát triển cho nền kinh tế.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định

Ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng), cho biết QCVN 06:2022/BXD và các phiên bản trước đây đưa ra các yêu cầu kỹ thuật được dựa trên tham khảo các quy chuẩn, tài liệu của các nước như Nga, Mỹ, Anh, Singapore, Malaysia, Philippines... và căn cứ vào tình hình thực tiễn của Việt Nam để biên soạn, sửa đổi, bổ sung. Đồng thời, quá trình thực hiện quy định về PCCC, Bộ Xây dựng và Bộ Công an liên tục tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân để sửa đổi, bổ sung các quy định của quy chuẩn góp phần bảo đảm an toàn PCCC.

Bộ Xây dựng liên tiếp ban hành 3 quy chuẩn PCCC: doanh nghiệp 'than' khó thực hiện - Ảnh 4.

Ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ thuộc Bộ Xây dựng

LÊ QUÂN

Bộ Xây dựng đang nghiên cứu để thống nhất với Bộ Công an các giải pháp xử lý phù hợp, trên nguyên tắc tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật liên quan đến PCCC, giảm nguy cơ cháy nổ đối với các công trình đang vi phạm, tạo điều kiện cho các chủ cơ sở hoàn thiện, khắc phục các tồn tại, đưa công trình vào phục vụ sản xuất.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn rà soát các bất cập của các quy chuẩn, tiêu chuẩn khi áp dụng trong thực tiễn để tiếp tục sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.

Cũng theo ông Vũ Ngọc Anh, qua tập hợp ý kiến Bộ Công an và các địa phương, khi thực hiện QCVN 06:2022/BXD gặp một số vướng mắc, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu để có phương án phù hợp: với nhà riêng lẻ có diện tích sàn lớn hơn 30% dùng để sản xuất, kinh doanh phải thực hiện đảm bảo yêu cầu PCCC theo quy chuẩn 06:2022; trường hợp sửa chữa, cải tạo làm thay đổi công năng của gian phòng phải thực hiện đảm bảo yêu cầu PCCC theo QCVN 06:2022/BXD; yêu cầu về cấp nước chữa cháy ngoài nhà theo QCVN 06:2022/BXD;…

Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường cũng cho biết, hiện số cơ sở đủ điều kiện thẩm định về vật liệu PCCC ít nên thời gian tới, Bộ Xây dựng cùng với Bộ Công an sẽ có chính sách để khuyến khích phát triển các phòng thử nghiệm. Trong đó, có thử nghiệm về vật liệu chịu lửa, công khai các loại vật liệu chịu lửa đáp ứng các yêu cầu về PCCC.

Đồng thời, Bộ Xây dựng sẽ tăng cường phổ biến, hướng dẫn thực hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn và phối hợp với Bộ Công an tăng cường đào tạo, quản lý đối với các cơ sở không đủ năng lực tư vấn PCCC.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.