Tuyến cáp treo liên tỉnh cần tuân theo luật Di sản, luật Đầu tư, luật Xây dựng…
Sau khi Bộ KH-ĐT đề nghị cho ý kiến, Bộ Xây dựng mới đây đã có văn bản bày tỏ quan điểm về dự án tuyến cáp treo Hương Bình, nối điểm đầu là tại xã Phú Lão (H.Lạc Thủy, Hòa Bình) sang điểm cuối là chùa Hương (xã Hương Sơn, H.Mỹ Đức, Hà Nội).
Bộ Xây dựng nêu ý kiến, dự án nằm một phần trong Khu di tích và danh lam thắng cảnh quần thể Hương Sơn, còn gọi là chùa Hương, được Thủ tướng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Do đó, khi nghiên cứu dự án nằm trong Khu di tích và danh lam thắng cảnh quần thể Hương Sơn phải căn cứ vào quy định của luật Di sản văn hóa năm 2001 và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Di sản văn hóa 2009. Đồng thời, cần xem xét phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung xây dựng xã nông thôn mới.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng còn cho rằng, theo luật Đầu tư năm 2020, tuyến cáp treo Hương Bình thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng.
Còn theo luật Xây dựng 2020, dự án tuyến cáp treo có điểm đầu là Hòa Bình, điểm cuối là Hà Nội thuộc diện cần phải lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng.
|
Trong khi đó, theo tài liệu của Bộ Xây dựng, quy hoạch chi tiết xây dựng tại các điểm đầu, điểm cuối của tuyến cáp treo đã được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt vào ngày 25.1.2018 và UBND TP.Hà Nội phê duyệt vào ngày 31.12.2020. Bộ Xây dựng đã đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình và UBND TP.Hà Nội tổ chức thực hiện lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng tuyến cáp treo liên tỉnh Hương Bình bảo đảm tuân thủ quy định hiện hành.
Cụ thể, Bộ Xây dựng cho rằng, việc xác định sơ bộ tổng mức đầu tư, tổng mức đầu tư xây dựng của dự án cần được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 9.2.2021 của Chính phủ về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng và các văn bản hướng dẫn thực hiện của Bộ Xây dựng.
Về chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư được lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 59/2015/NĐ-CP.
Việc lựa chọn nhà đầu tư cho dự án phải tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, đấu thầu và các quy định hiện hành khác của pháp luật.
Tuyến cáp treo liên tỉnh Hòa Bình - Hà Nội
Trước đó, theo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, khu vực nghiên cứu lập quy hoạch dự án tuyến cáp treo liên tỉnh Hương Bình tại địa phận Hà Nội có diện tích hơn 178 ha tại xã Hương Sơn (H.Mỹ Đức). Tại đây, quy hoạch có không gian chức năng tuyến cáp treo đầu Hà Nội gồm quảng trường, nhà cao chính cao 3 tầng, các công trình nhà chờ đón trả khách cao 1 tầng.
Mục tiêu của dự án là kết nối giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển qua lại giữa 2 danh thắng chùa Hương (Hà Nội) và chùa Tiên (Hòa Bình); dự án cũng sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
|
Cũng theo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, tuyến cáp treo liên tỉnh Hương Bình được UBND TP.Hà Nội và UBND tỉnh Hòa Bình cho phép nghiên cứu dự án từ 2014, dự kiến khởi công và hoàn thành năm 2015 nhưng đến nay chưa thực hiện được.
Theo thống kê, hàng năm, lượng du khách đến tham quan chùa Tiên khoảng gần 600.000 lượt người, còn khách đi lễ chùa Hương kết hợp tham qua du lịch khoảng 1,5 triệu lượt người.
Đây là căn cứ về nhu cầu khá lớn kết hợp đi qua lại giữa 2 danh thắng để đề xuất thực hiện tuyến cáp treo liên tỉnh, giúp rút ngắn thời gian đi đường bộ hoặc leo núi.
Tuyến cáp treo liên tỉnh dự kiến dài gần 3 km, vận tốc 6 m/giây, có từ 25 - 45 cabin, vận chuyển khoảng 1.500 - 2.000 lượt người/giờ, tương đương khoảng 12.000 - 16.000 lượt/ngày; tổng mức đầu tư khoảng 350 tỉ đồng.
Trước đó, năm 2006, hệ thống cáp treo đầu tiên tại chùa Hương được hoàn thiện, đưa vào hoạt động với 45 cabin đi qua 3 nhà ga: Thiên Trù, Giải Oan và Hương Tích. Tuyến cáp treo này dài hơn 1 km, mỗi cabin chở được 6 người; mỗi giờ hệ thống này vận chuyển được khoảng 1.000 khách.
Bình luận (0)