Bộ Y tế: Quá nhiều ứng dụng nhưng thiếu liên thông, chưa rõ ứng dụng 'thẻ xanh'

15/09/2021 18:01 GMT+7

Hiện có vài chục ứng dụng khác nhau liên quan đến khai báo y tế , nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực sự, thậm chí không đọc được mã QR của nhau. Vẫn chưa rõ đâu là ứng dụng "thẻ xanh" tích hợp các dữ liệu.

Bộ Y tế vừa có báo cáo về các ứng dụng phòng chống Covid-19 hiện nay. Tuy nhiên, Bộ vẫn chưa thông tin đâu sẽ là ứng dụng duy nhất tích hợp tất cả tính năng từ khai báo y tế đến chứng nhận tiêm chủng (thẻ xanh) cho người dân.

TP.HCM sẽ thí điểm "thẻ xanh Covid" theo lộ trình

Về nền tảng quản lý tiêm chủng vắc xin, hiện có 4 phần hệ: Cổng đăng ký thông tin quốc gia, hệ thống quản lý tiêm chủng Covid-19, Sổ sức khoẻ điện tử và Hệ thống báo cáo điều hành MCC.
Khả năng đáp ứng của nền tảng là 5 triệu mũi tiêm/ngày, 42.000 bàn tiêm đồng thời. Nền tảng được chuẩn hoá cho 10.599 xã, 18.000 cơ sở, điểm tiêm chủng, với 1.200 người tham gia chiến dịch cho nền tảng.
Khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào các trụ sở, địa điểm công cộng, hiện có 3 ứng dụng chính (cũng theo dạng tài trợ, Bộ Y tế chưa phải trả phí hoặc đầu tư) dùng để khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần, gồm ứng dụng NCOVI, ứng dụng VHD (Vietnam Health Declaration), tokhaiyte.vn; ứng dụng Bluezone đã được Bộ TT-TT và Bộ Y tế công bố.
Trong đó, ứng dụng NCOVI do VNPT xây dựng được triển khai từ đầu dịch, cho phép người dân khai báo y tế toàn dân, cập nhật tình hình sức khoẻ hàng ngày (tự nguyện) và ghi nhận người đến/người đi tại các địa điểm công cộng.
Ứng dụng VHD và tokhaiyte.vn do Viettel xây dựng, đây là ứng dụng đã được triển khai trên toàn quốc ngay từ đầu dịch, cho phép khai báo y tế nhập cảnh (bắt buộc), khai báo di chuyển nội địa, khai báo y tế toàn dân, cập nhật tình trạng sức khoẻ hàng ngày với người dân trong khu vực cách ly (bắt buộc), ghi nhận người đến/đi tại các địa điểm công cộng.
Ứng dụng Bluezone do BKAV xây dựng ra đời sau 2 ứng dụng trên, cho phép ghi nhận các tiếp xúc gần giữa 2 điện thoại thông minh cùng cài đặt và sử dụng Bluezone. Ứng dụng này cũng cho phép người dân khai báo y tế toàn dân, ghi nhận người đến/đi tại các địa điểm công cộng, gửi bản tin thông báo đến người dân.
Cả 3 ứng dụng trên đều thống nhất sử dụng QR Code, cung cấp mã QR cho các điểm kiểm dịch, cơ quan, trụ sở, khu công nghiệp, chung cư, trường học…
Từ cuối tháng 7, Bộ Y tế và sở y tế các địa phương triển khai Sổ sức khoẻ điện tử, hỗ trợ đăng ký tiêm chủng, quản lý sức khoẻ toàn dân, trong đó có cả phần khai báo y tế.

Khai báo di biến động dân cư tại TP.HCM

Khả Hoà

Ngoài ra, nhiều địa phương như Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng… triển khai chính thức cách thức khai báo y tế tích hợp vào cổng thông tin của chính quyền hay Zalo. Chưa kể nhiều công sở, bệnh viện cũng có những mẫu tờ khai y tế riêng.

Covid-19 sáng 16.9: Cả nước 645.640 ca nhiễm, 412.650 ca khỏi | TP.HCM, Hà Nội nới dần giãn cách

Các ứng dụng không "đọc" được mã QR của nhau

Phần mềm “di biến động dân cư” để quản lý công dân vùng dịch do Bộ Công an xây dựng, đã triển khai thí điểm ở Hà Nội, Quảng Ninh và TP.HCM (suckhoe.dancuquocgia.gov.vn).
Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, các ứng dụng đều thực hiện chức năng khai báo y tế, nhưng chưa có ứng dụng nào thực sự đáp ứng được đầy đủ yêu cầu nghiệp vụ về khai báo y tế theo hướng dẫn tại Quyết định 2666/QĐ-BYT ngày 29.5.2021 của Bộ Y tế. Đặc biệt, chưa liên thông được dữ liệu khai báo, gây khó khăn rất lớn cho việc kiểm soát, khai thác, truy vết khi cần.
Mã quét QR Code ứng dụng quản lý di biến động dân cư của Bộ Công an và QR khai báo y tế của một số địa phương chưa thống nhất theo chuẩn chung, khiến các ứng dụng chưa đọc được QR của nhau. Hệ thống quản lý điểm kiểm soát QR Code và tờ khai y tế chưa liên thông dữ liệu.
Ngoài ra, Bộ Y tế đang phối hợp với Tập đoàn SOVICO xây dựng phần mềm thu thập các nguồn dữ liệu về phòng, chống dịch Covid-19, đang triển khai tại 19 tỉnh, thành phố. Nền tảng Healthy Vietnam (Việt Nam khoẻ mạnh) đã được xây dựng gần 3 tháng qua, đây là giải pháp quản lý tổng thể phục vụ công tác phòng, chống dịch: gồm khai báo y tế, đăng ký xuất nhập cảnh, thị thực, quản lý cách ly, truy vết, quản lý thu mẫu và trả kết quả xét nghiệm, quản lý tiêm chủng, khai báo tại các điểm đến… Hiện, Cục Công nghệ thông tin đã phối hợp SOVICO triển khai hệ thống Quản lý thu mẫu và trả kết quả xét nghiệm thí điểm tại Q.Ô Môn (TP.Cần Thơ), Bến Tre.
Về quản lý thu mẫu và trả kết quả xét nghiệm Covid-19: hiện một số địa phương đang triển khai một số phần mềm như Bluezone, Healthy Vietnam Vietsense, Bionet, Việt Ba… Bộ Y tế cho biết đang nghiên cứu, xây dựng quy định về kết nối liên thông dữ liệu và chứng nhận kết qua xét nghiệm điện tử (dùng cho nội địa và quốc tế).
Về hỗ trợ truy vết: Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ TT-TT xây dựng triển khai phần mềm Quản lý truy vết, đang triển khai tại một số địa phương.

Có nên xét nghiệm kháng thể Covid-19 không, xét nghiệm ở đâu? | BÁC SĨ ƠI số 16

Sẽ xây dựng chứng nhận tiêm, xét nghiệm chuẩn WHO

Đáng chú ý, dù rất nhiều phần mềm, song Bộ Y tế cho biết, nhiều cơ sở tiêm vắc xin chưa nhập dữ liệu kịp dẫn đến người dân đã tiêm nhưng chưa có chứng nhận điện tử trên hệ thống Sổ sức khoẻ điện tử và Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia.
Chưa kể, nền tảng hoạt động chưa ổn định, các thành phần của hệ thống chưa hoàn thiện, xảy ra lỗi, trục trặc, chưa liên thông dữ liệu dẫn đến báo cáo chưa chính xác, khiến các cơ sở tiêm chủng khó khăn khi lập kế hoạch hoặc không nắm được chính xác tiến độ tiêm.
Đặc biệt, dữ liệu kết quả tiêm của Nền tảng tiêm chủng chưa kết nối liên thông với hệ thống chứng nhận tiêm được ký số theo tiêu chuẩn của EU và WHO (do Medcomm tài trợ). Các địa phương chưa được cấp tài khoản để xem danh sách người dân đăng ký tiêm trên ứng dụng Sổ sức khoẻ điện tử và cổng thông tin quốc gia.
Bộ Y tế đề xuất tiếp tục phối hợp tập đoàn SOVICO xây dựng kho dữ liệu tập trung về phòng, chống dịch Covid-19 tại Bộ Y tế. Đồng thời, liên thông kết nối dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu phòng, chống dịch của Bộ với hệ thống thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ.
Ngoài ra, Bộ TT-TT, Bộ Công an và các doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện các ứng dụng chống dịch, chuyển giao cho Bộ Y tế để triển khai. Bộ Y tế sẽ phối hợp các đơn vị triển khai chứng nhận điện tử được ký số theo tiêu chuẩn quốc tế về tiêm chủng vắc xin và xét nghiệm Covid-19.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.