Bốc thăm may rủi vào trường mầm non: Đầu tư xây nhà đừng 'bỏ quên' trường học

03/09/2022 09:30 GMT+7

Trong báo cáo gửi UBND TP. Hà Nội , UBND Q.Hoàng Mai đề nghị thành phố điều chỉnh quy hoạch đối với một số ô quy hoạch trường học trên bản đồ khác so với cơ sở hiện trạng thực tế.

“Đề nghị thành phố xem xét điều chỉnh quy hoạch đất xây dựng trường học. Khi thành phố phê duyệt cho phép xây dựng các khu đô thị, tòa nhà chung cư cần yêu cầu chủ đầu tư thực hiện xây dựng đồng bộ trường học; quy định tỷ lệ xây trường công lập để tránh khó khăn cho nhân dân trên địa bàn”, báo cáo nêu.

Lô TH1 được quy hoạch xây trường học ở gần Khu đô thị tây nam Linh Đàm, P.Hoàng Liệt rộng khoảng 1,19 ha bị chủ đầu tư bỏ hoang

Thành Trung

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, kiến nghị Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách thu hút mọi nguồn lực cho phát triển giáo dục, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đặc biệt là đối với các đô thị lớn như Hà Nội, nhằm giảm áp lực lên hệ thống các trường công lập; ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường công lập trong nội thành Hà Nội khi di dời trụ sở các bộ, ngành, các trường cao đẳng, đại học, cơ quan, xí nghiệp, nhà máy… Với Bộ GD-ĐT, Hà Nội kiến nghị Bộ cần tính tới yếu tố đặc thù để hướng dẫn cụ thể các trường trong nội đô không còn quỹ đất mở rộng trường học được phép xây cao tầng hơn. Cụ thể, cho phép tính diện tích sàn sử dụng/HS thay thế cho diện tích đất/HS; cho phép nâng cao tầng các khối xây dựng và được phép xây dựng và sử dụng các tầng hầm dựa trên nguyên tắc bảo đảm an toàn cho trẻ, bố trí HS học ở các tầng thấp, cán bộ giáo viên làm việc tại tầng cao.

Đại diện Sở QH-KT Hà Nội khẳng định nguyên tắc khi thực hiện quy hoạch đô thị đều dựa trên dự báo dân số gia tăng để tính toán đầy đủ diện tích đất xây dựng trường học. Các đơn vị khi thực hiện quy hoạch đô thị, thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch đều xem xét rất kỹ các chỉ tiêu cơ bản hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội, trong đó có đường giao thông, trường học… Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, tốc độ đô thị hóa ở vùng trung tâm Hà Nội quá nhanh, dân số nhập cư tăng mạnh tập trung ở một số khu vực nên dẫn đến quá tải về nhiều mặt, trong đó có thực trạng thiếu trường học. Ví dụ điển hình nhất chính là P.Hoàng Liệt, Q.Hoàng Mai có dân số gia tăng quá nhanh trong thời gian ngắn, dẫn đến thiếu trường học trầm trọng. Tại quy hoạch Khu đô thị Linh Đàm, việc quy hoạch xây dựng trường học trên đất nghĩa trang, ao làng, đình chùa… là dựa trên bối cảnh hơn 20 năm trước, khi giải phóng mặt bằng còn chưa khó khăn, phức tạp. Nhưng hiện nay, giải phóng mặt bằng đất nghĩa trang, đình chùa… ở trung tâm Hà Nội là rất khó khăn nên không dễ triển khai trường học theo đúng quy hoạch. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến thiếu trường học ở Khu đô thị Linh Đàm.

Ông Luyện Văn Phương, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết theo quy định, các chủ đầu tư khu đô thị mới phải hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Tuy nhiên, thực trạng vi phạm quy định này tại Q.Hà Đông, Q.Hoàng Mai, H.Thanh Oai… là khá phổ biến. Đa số các chủ đầu tư ưu tiên xây nhà bán trước để thu hồi vốn, các tiện ích hạ tầng sẽ bị ưu tiên triển khai sau hoặc chuyển giao cho đơn vị thứ cấp thực hiện. Nhưng nhìn chung tốc độ xây trường học là chậm hơn tốc độ xây dựng nhà ở, gia tăng dân số. Đây là vấn đề không mới nhưng để có cách giải quyết mới, hiệu quả thì cần sự phối hợp của nhiều bên, trước hết là từ các chủ đầu tư, chính quyền địa phương, các sở ngành, thành phố cùng vào cuộc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.