Bóc trần 'tổ hợp' tái chế dầu nhớt thải liên tỉnh: Nhiều dấu hiệu bất thường

10/06/2023 05:30 GMT+7

Sau khi Báo Thanh Niên phản ánh, cơ quan chức năng liên quan vào cuộc chậm trễ, chưa thực sự quyết liệt và kết quả kiểm tra có nhiều dấu hiệu bất thường.

Sau khi loạt bài Bóc trần "tổ hợp" tái chế dầu nhớt thải liên tỉnh khởi đăng từ sáng 5.6, chiều cùng ngày, chính quyền địa phương lập đoàn kiểm tra một cơ sở tái chế dầu nhớt thải lậu (TCDNTL) trên đường Sông Mây 4 (xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) nhưng không phát hiện dầu nhớt thành phẩm sau khi tái chế tại cơ sở này (!?). Đồng thời, hàng trăm thùng phuy sắt (loại 200 lít/thùng), thùng nhựa (loại 1.000 lít/thùng) bỗng dưng "biến mất" một cách bất thường và các cơ sở bị đề cập trong bài đồng loạt ngưng hoạt động.

CÁC CƠ SỞ CHƯA XUẤT TRÌNH ĐƯỢC GIẤY TỜ PHÁP LÝ LIÊN QUAN

Sáng 5.6, PV Báo Thanh Niên đã có buổi làm việc và cung cấp thông tin cho ông Đào Mạnh Thắng, Phó chủ tịch UBND xã Bắc Sơn, về vi phạm của các cơ sở TCDNTL mà báo phản ánh và đề nghị lập đoàn kiểm tra cho PV đi cùng. Tuy nhiên, khi nhận thông tin, thay vì lãnh đạo UBND xã Bắc Sơn báo cáo lãnh đạo UBND huyện phối hợp kiểm tra ngay trong buổi sáng để ngăn chặn tẩu tán tang vật vi phạm thì đợi đến chiều cùng ngày, UBND H.Trảng Bom mới tiến hành kiểm tra. Đáng nói, chiều cùng ngày, Đoàn kiểm tra liên ngành của UBND H.Trảng Bom phối hợp UBND xã Bắc Sơn đi kiểm tra, nhưng rất tiếc không gọi PV đi cùng ghi nhận thông tin cho khách quan.

Bóc trần 'tổ hợp' tái chế dầu nhớt thải liên tỉnh: Nhiều dấu hiệu bất thường - Ảnh 1.

Đoàn kiểm tra liên ngành của UBND H.Trảng Bom kiểm đếm tang vật tại một cơ sở trên đường Sông Mây 4

Được biết, 14 giờ ngày 5.6, Đoàn kiểm tra liên ngành của UBND H.Trảng Bom đến kiểm tra một cơ sở TCDNTL trên đường Sông Mây 4, nhưng cơ sở này đóng cửa nên đoàn vào cơ sở TCDNTL khác nằm cuối đường Sông Mây 4, kiểm tra. Tại đây, ông Phạm Ngọc Hoa nhận mình là chủ cơ sở nhưng chưa xuất trình được bất kỳ giấy tờ pháp lý nào liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo biên bản làm việc, cơ sở nấu nhớt thải của ông Hoa rộng khoảng 2.000 m2, hoạt động từ tháng 1.2022. Thửa đất mà cơ sở này tọa lạc thuộc khu đất quy hoạch đất rừng sản xuất. Ông Hoa thuê của ông Lê Văn Minh (ngụ xã Bắc Sơn), nhưng không có hợp đồng thuê đất. Bên trong cơ sở xây dựng 3 khu nhà tiền chế kiên cố với tổng diện tích 202 m2. Đoàn kiểm tra ghi nhận có 7 bồn chứa rỗng (loại 15.000 lít/bồn); 503 thùng phuy đang chứa nhớt thải (loại 200 lít/thùng); 211 thùng phuy rỗng; 39 can nhựa xanh chứa dung dịch tẩy loại 20 lít/can; 6 thùng nhựa chứa nhớt thải (loại 1.000 lít/thùng); 16 thùng nhựa rỗng (loại 1.000 lít/thùng); 54 can nhựa chứa dung dịch tẩy loại 35 kg/can. Đặc biệt, có 2 bồn inox loại 10.000 lít/bồn, nhưng biên bản không thể hiện có chứa dầu hay không. Như vậy, đoàn kiểm tra không phát hiện dầu thành phẩm tại cơ sở này (!?).

Qua làm việc, ông Hoa thừa nhận cơ sở hoạt động nấu nhớt thải từ tháng 1.2022 đến nay. Nhớt thải mua về sau đó nấu (chưng cất) thu được dầu thành phẩm; công suất trung bình một ngày thu được 4.000 lít. Đáng chú ý, trong biên bản làm việc, tại thời điểm kiểm tra, cơ sở đã "ngưng hoạt động 10 ngày và đang tháo dỡ lò chưng cất dầu". Tuy nhiên, trước đó 2 ngày, chúng tôi ghi nhận lò này vẫn nhả khói đen nghi ngút, xe bồn vẫn vào lấy dầu.

Bóc trần 'tổ hợp' tái chế dầu nhớt thải liên tỉnh: Nhiều dấu hiệu bất thường - Ảnh 2.

Cặn bã từ dầu thải nổi lềnh bềnh trên mặt hồ nước thải bên trong cơ sở ở đường Sông Mây 4

Sau khi kiểm tra cơ sở của ông Hoa, Đoàn kiểm liên ngành của UBND H.Trảng Bom ra về mà không bố trí lực lượng bảo vệ hiện trường vi phạm của 3 cơ sở TCDNTL còn lại (2 cơ sở trên đường Sông Mây 4 và 1 cơ sở trong lô cao su gần đó) trên địa bàn xã Bắc Sơn để tránh trường hợp tẩu tán tang vật vi phạm (!?).

Ngày 6.6, Đoàn kiểm tra liên ngành của UBND H.Trảng Bom kiểm tra 3 cơ sở nói trên (có thông tin cho PV cùng đi ghi nhận), đều không thu giữ được dầu nhớt thành phẩm sau khi tái chế nhưng những cơ sở này đều chưa xuất trình được giấy tờ pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, Đoàn kiểm tra liên ngành (gồm Phòng TN-MT của UBND H.Trảng Bom; Đội Quản lý thị trường số 3; Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Đồng Nai; Đội Cảnh sát kinh tế - môi trường - ma túy, Công an H.Trảng Bom và UBND xã Bắc Sơn) kiểm tra cơ sở TCDNTL của ông Phạm Tấn Hưng trên đường Sông Mây 4. Lúc kiểm tra, ông này chưa cung cấp được bất kỳ giấy tờ pháp lý nào liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo Công an H.Trảng Bom, tháng 1.2023, công an huyện có đi kiểm tra thì cơ sở của ông Hưng đang ngưng hoạt động. Nhưng theo trình bày của ông Hưng, cơ sở ngưng hoạt động từ tháng 3.2023. Còn PV ghi nhận cơ sở này vẫn hoạt động cho đến ngày 5.6.2023...

Qua kiểm tra các cơ sở TCDNTL đều đã "ngưng hoạt động, đang tháo dỡ" nên đoàn kiểm tra thống nhất yêu cầu chủ các cơ sở khẩn trương tháo dỡ nhà xưởng, lò nấu chưng cất dầu và di dời cơ sở đi nơi khác. Còn hệ thống máy bơm công suất lớn, hiện trạng các ao lắng, môi trường,… bị ô nhiễm nghiêm trọng thì chưa được ghi nhận trong biên bản, chưa nêu yêu cầu khắc phục, xử lý (?).

Bóc trần 'tổ hợp' tái chế dầu nhớt thải liên tỉnh: Nhiều dấu hiệu bất thường - Ảnh 3.

Lúc đoàn đến kiểm tra, các cơ sở ở xã Bắc Sơn đều đã ngưng hoạt động

Lê Bình - Trần Duy Khánh

BỊ ĐÌNH CHỈ DO VI PHẠM PCCC NHƯNG VẪN HOẠT ĐỘNG

Khoảng 14 giờ ngày 7.6, PV đến liên hệ gặp lãnh đạo UBND xã Bình Chánh (H.Bình Chánh, TP.HCM) để làm rõ vụ việc Công ty TNHH MTV nhiên liệu sinh học Việt Nam (xã Bình Chánh, H.Bình Chánh) có nhiều dấu hiệu vi phạm. Tuy nhiên, ông Phan Minh Thuận, Phó chủ tịch UBND xã Bình Chánh (H.Bình Chánh) do bận việc nên không gặp trực tiếp và qua điện thoại, ông Thuận cho biết xã đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành vào kiểm tra công ty nói trên ngày 6.6. Nhưng thời điểm kiểm tra, công ty này đã ngưng hoạt động nên đoàn không thể làm việc và ra về, không có biên bản xử lý (?).

Theo tài liệu mà chúng tôi thu thập được, công ty nói trên đã bị đình chỉ hoạt động do vi phạm PCCC từ đầu năm 2023. Nhưng quá trình điều tra, PV ghi nhận công ty này vẫn thường xuyên lấy dầu tại các cơ sở TCDNTL ở đường Sông Mây 4 (xã Bắc Sơn), rồi đưa đi tiêu thụ ở Long An, Tiền Giang.

Về các cơ sở TCDNTL ở xã Bắc Sơn (H.Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) gây ô nhiễm môi trường, trao đổi với Thanh Niên, bà Vũ Thị Minh Châu, Chủ tịch UBND H.Trảng Bom, cho biết: "Sau khi Báo Thanh Niên đăng bài phản ánh thì UBND huyện đã chỉ đạo xử lý quyết liệt, tháo dỡ được 4 cơ sở". Về thông tin người dân sinh sống ở đường Sông Mây 4 (xã Bắc Sơn) bức xúc vì các cơ sở TCDNTL gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhiều năm qua; mặc dù họ phản ánh với chính quyền, nhưng vì sao đến nay các cơ sở vẫn còn hoạt động? Bà Châu cho rằng: "Việc người dân phản ánh, đến giờ này, tôi chưa được nghe ai phản ánh. Nếu có phản ánh thì xử lý ngay. Còn chuyện người dân phản ánh đến ai, thì sau khi giải quyết xong chuyện này (cưỡng chế các cơ sở nấu dầu lậu - PV), thì yêu cầu các đơn vị báo cáo lại, xem có sự việc người dân phản ánh không. Nếu có thì phải làm rõ trách nhiệm quản lý của địa phương như thế nào khi để vụ việc xảy ra, có buông lỏng hay không... phải làm rõ để xử lý".

Bà Châu phân trần: "Do địa hình, địa thế hiểm trở nên việc quản lý cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng phải rút kinh nghiệm chung". Bà Châu cam kết nếu có tiêu cực thì xử lý nghiêm, chứ không bao che. "Phải rà soát lại trách nhiệm của địa phương, xem anh em quản lý như thế nào. Trường hợp sai thì phải xử lý", bà Châu khẳng định. (còn tiếp)

Theo các chuyên gia, việc sử dụng dầu không đạt tiêu chuẩn có thể dẫn tới nguy cơ cháy nổ, hỏa hoạn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, ảnh hưởng quá trình vận hành, giảm tuổi thọ cũng như tăng tỷ lệ cháy, nổ động cơ của thiết bị máy móc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.