Bóc trần 'tổ hợp' tái chế dầu nhớt thải liên tỉnh: Theo chân rết thu gom nhớt thải

08/06/2023 04:14 GMT+7

Quá trình điều tra, PV Thanh Niên được các cơ sở tái chế dầu nhớt thải lậu tiết lộ thu mua dầu nhớt thải từ nhiều nguồn tự phát với giá trên dưới 6.000 đồng/lít. Qua chưng cất, pha trộn với các loại hóa chất không rõ nguồn gốc, nhớt thải được "hô biến" thành dầu lậu bán với giá cao.

Dầu nhớt thải từ các điểm sửa chữa ô tô, xe máy là chất thải nguy hại cần được thu gom, phân loại, xử lý theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên - Môi trường về "Quản lý chất thải nguy hại". Tuy nhiên, công tác quản lý đối với nguồn chất thải này vẫn chưa thực sự được các cơ quan có thẩm quyền giám sát chặt chẽ, xử lý đến nơi. Bên cạnh đó, việc thu gom nhớt thải đưa vào các lò nấu thô sơ, chưng cất thành dầu kém chất lượng và đưa đi tiêu thụ "lậu" trên thị trường, có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật. PV ghi nhận thực trạng bát nháo mua bán nhớt thải tại TP.HCM và Đồng Nai.

Theo chân rết thu gom nhớt thải - Ảnh 1.

Một điểm thu mua nhớt thải lớn trên đường Hà Huy Giáp, P.Thạnh Lộc, Q.12, TP.HCM

Lê Bình - Duy Khánh

NGUỒN CUNG DỒI DÀO CHO LÒ NẤU DẦU LẬU

Nhiều ngày theo dõi các cơ sở tái chế dầu nhớt thải lậu (TCDNTL) trên đường Sông Mây 4 (xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom, Đồng Nai), chúng tôi ghi nhận, hằng ngày, có trên dưới 20 lượt xe tải có trọng tải lớn ra vào các cơ sở nấu dầu nhớt. Mỗi chuyến, xe tải này chở được trên 50 thùng phuy sắt, chứa 200 lít nhớt thải/thùng phuy. Trung bình, các cơ sở này thu mua hàng trăm ngàn lít nhớt thải/ngày.

Hơn 17 giờ ngày 19.5, xe tải mang biển kiểm soát TP.HCM chở 67 thùng phuy nhớt thải (200 lít/thùng phuy) đi trên tỉnh lộ 767 thì xi nhan rẽ vào đường Sông Mây 4, giao cho cơ sở nấu dầu của ông Quang nằm ở cuối đường này.

Theo chân rết thu gom nhớt thải - Ảnh 2.

Một xe tải chở 67 thùng phuy nhớt thải bán cho cơ sở của ông Quang trên đường Sông Mây 4

Thâm nhập ‘tổ hợp’ tái chế dầu nhớt lậu kỳ cuối: Lần theo những 'chân rết'

Trước đó, 9 giờ sáng 11.5, xe tải BS 60H-046.xx chở theo nhiều thùng phuy nhớt thải, cũng chạy vào đường Song Mây 4. Xe tải sau đó vượt qua cánh cổng có ghi dòng chữ "Khu quân sự cấm vào" mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Đến cơ sở nấu dầu, tài xế bấm còi tín hiệu cho người bên trong mở cửa. Khi xe tải vào bên trong, cánh cổng lập tức được đóng lại, nhóm nhân viên của cơ sở nấu dầu, bốc xếp các thùng phuy nhớt thải (200 lít/thùng phuy) xuống lưu kho. Đáng chú ý, nhiều ngày, PV còn ghi nhận nhiều xe tải (mang BS 60C-337.xx, 51C-766.xx, 51C-811.xx, 60C-345.xx, 76C-113.xx, 60C-167.xx, 61C-020.xx...) thường xuyên cung cấp nhớt thải cho các cơ sở nấu dầu ở đường Sông Mây 4.

Quay lại việc cung cấp dầu nhớt thải nói trên, khoảng 11 giờ ngày 11.5, xe tải BS 60H-046.xx chở thùng phuy rỗng về. Chúng tôi bám theo, phát hiện xe tải này chạy về một điểm thu mua dầu thải (ở tổ 10, KP.Tân Cang, P.Phước Tân, TP.Biên Hòa). Bên trong điểm tập kết, 2 người đàn ông mở thùng xe, chuyển các thùng phuy sắt rỗng xuống. Cùng lúc này, có 2 xe máy chở 10 can nhựa (30 lít/can) dầu nhớt thải đặc quánh, chạy đến bán cho điểm thu mua.

Theo chân rết thu gom nhớt thải - Ảnh 3.

Một người đàn ông hơn 40 tuổi chở 10 can dầu nhớt thải bán cho điểm thu mua nhớt thải ở P.Phước Tân (TP.Biên Hòa)

Nhiều ngày theo dõi, PV ghi nhận hằng ngày có khoảng trăm lượt xe máy từ xưởng túa ra các tiệm sửa xe, khu công nghiệp ở Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM để gom nhớt thải. Nhớt thải gom về được cho vào các thùng phuy sắt. Sau khi gom đủ hàng, những người này dùng xe nâng chuyển các thùng phuy lên xe tải, rồi tiếp tục đi giao cho lò nấu dầu.

Bên trong khu xưởng này vô cùng nhếch nhác, dầu nhớt thải vương vãi nhuộm đen cả nền sân, mùi hôi hám sặc sụa. Xung quanh chất hàng trăm thùng phuy (loại 200 lít/phuy) không được che đậy. Việc này tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ.

Cũng bám theo một xe tải khác là nguồn cung nhớt thải đều đặn cho các cơ sở TCDNTL trên đường Sông Mây 4. PV phát hiện điểm tập kết nhớt thải, diện tích khoảng 500 m2, nằm dưới chân cầu Phú Long (đường Hà Huy Giáp, P.Thạnh Lộc, Q.12, TP.HCM). Mỗi ngày, có trên dưới 10 xe tải lớn, nhỏ và hàng chục xe máy đến bán nhớt thải.

9 giờ ngày 24.5, chỉ khoảng 1 giờ đồng hồ, PV ghi nhận có 2 xe tải và 4 xe máy (300 lít/xe) vào bán nhớt thải. Với xe máy, quá trình tiếp nhận nhớt thải mất khoảng 10 phút và xe tải thì trên dưới 30 phút.

TIỀM ẨN NHIỀU MỐI NGUY

Nhiều ngày theo dõi, PV ghi nhận toàn bộ quá trình thu gom nhớt thải của các "chân rết" và tại các điểm thu mua nhớt thải nói trên đều thực hiện tự phát, thủ công, không có đồ bảo hộ. Với quy trình thu gom dầu nhớt thải này có dấu hiệu vi phạm quy định về môi trường, yêu cầu về lưu trữ, mua bán, quản lý chất thải nguy hại theo quy định của luật Bảo vệ môi trường. Ngoài ra, các cơ sở này không bảo đảm công tác PCCC.

Không khó để phát hiện, xử lý các chân rết thu gom dầu nhớt thải trái phép, bởi hoạt động này diễn ra một cách công khai, trong thời gian dài. Bên cạnh đó, tiệm sửa xe máy, khu công nghiệp… cũng chủ động rao bán nhớt thải dù chất này nằm trong danh mục chất thải nguy hại và việc thiếu kiểm soát nguồn chất thải này là nguồn cơn cho sản xuất dầu lậu.

Xem nhanh 20h ngày 8.6: Táo tợn nổ súng cướp tiệm vàng | Những ‘chân rết’ tiếp tay lò nấu dầu lậu

Trao đổi với PV, ông Thịnh (chủ một chuỗi tiệm sửa xe máy lâu năm ở TP.Biên Hòa) cho biết trước đây, dầu nhớt thải sau khi thay cho khách thì mang đổ vào can nhựa, sau đó chuyển cho công ty môi trường xử lý theo quy định. "Mỗi lần đổ nhớt thải như vậy, tôi phải tốn thêm tiền cho đơn vị chở nhớt đi xử lý. Trung bình mỗi cửa hàng thay từ 15 - 20 bình nhớt/ngày, dầu nhớt thải ra tương đương khoảng 20 lít/ngày. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, tôi không cần tốn tiền cho việc đổ dầu nhớt thải, ngược lại còn có thêm thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng. Dầu nhớt thải thay ra buổi sáng tới chiều có người tới thu mua với giá 4.000 đồng/lít, rất tiện", ông Thịnh nói.

Tương tự, ông Dũng (52 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức, chủ một vài cửa hàng sửa xe máy tại TP.HCM) cho hay mỗi ngày có hàng chục người đi xe máy, xe tải tới tiệm hỏi mua dầu nhớt thải.

Trong vai người tìm nguồn nhớt thải để tái chế, trưa một ngày cuối tháng 5.2023, PV tiếp cận nam tài xế vừa cung cấp một xe tải dầu nhớt thải cho cơ sở nấu dầu của ông Đức trên đường Sông Mây 4.

Nam tài xế cho hay mỗi ngày 2 buổi (sáng và chiều), các chân rết sẽ túa đi khắp các tiệm sửa xe ở Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Long An, thu mua dầu nhớt thải với giá 4.000 đồng/lít, bán lại cho điểm thu mua với giá hơn 6.000 đồng/lít. Sau khi gom đủ, dầu nhớt thải được cho vào thùng phuy bán lại cho cơ sở nấu dầu lậu.

Tiếp xúc với một chân rết là ông Hùng (52 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa), ông này cho hay hằng ngày, dùng xe máy đi gom nhớt thải từ các tiệm sửa xe máy ở TP.Biên Hòa và một số tỉnh giáp ranh. Trung bình mỗi ngày, ông Hùng gom từ 100 - 200 lít dầu nhớt thải với giá 4.000 đồng/lít. Dầu nhớt thải được lưu trữ tại nhà ông này, gom được khoảng 1.000 lít thì dùng xe ba gác chở đến bán trực tiếp cho cơ sở TCDNTL của bà Đ.T.K.Th (sau lưng nghĩa trang, P.Long Bình, TP.Biên Hòa) với giá 6.500 đồng/lít, lời 2.500 đồng/lít.

Quá trình điều tra trước đó, PV được chủ một cơ sở TCDNTL (trên đường Sông Mây 4) tiết lộ cơ sở này cần nguồn cung cấp dầu nhớt thải lớn, đều đặn để nấu tái chế dầu thành phẩm. "Bao nhiêu dầu nhớt thải mang đến đây, tôi mua hết, giá 6.000 đồng/lít. Tùy thời điểm giá có thể tăng giảm", người này cho hay… (còn tiếp)

Theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP, quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì hành vi chuyển giao, cho, mua, bán chất thải nguy hại cho tổ chức, cá nhân không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại có thể bị phạt tiền từ 10 - 250 triệu đồng. Phạt tiền từ 200 - 250 triệu đồng đối với hành vi tái chế, xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải nguy hại khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc không đúng nội dung trong sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.