Bối rối với dịch vụ thương mại xuyên biên giới

Thanh Xuân
Thanh Xuân
07/05/2019 06:54 GMT+7

Đó là thừa nhận của ngành thuế tại hội thảo lấy ý kiến của các cơ quan ban ngành sửa đổi, bổ sung dự thảo luật Quản lý thuế vừa được tiếp thu, chỉnh lý do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức ngày 6.5.

Dự kiến luật này sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7.

Không phối hợp, khó kiểm soát thuế

VN là nước sử dụng Facebook đứng thứ 8 thế giới, lượng tiền mà người dân bỏ ra để sử dụng dịch vụ này không phải nhỏ. Việc quản lý những dịch vụ này không chỉ liên quan đến an ninh mạng mà còn liên quan đến thu thuế
 Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Nam Bình, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, thông tin cơ quan thuế rất quan tâm đến thương mại điện tử, đặc biệt là những giao dịch xuyên quốc gia. Có những dịch vụ trước đây 4 - 5 năm không có nhưng nay khá phổ biến như Uber, Grab, các trang đặt phòng trực tuyến (Agoda, Booking…) hoặc những trang kinh tế chia sẻ.
Ông Bình thừa nhận, cơ quan thuế vẫn đang bối rối đối với dịch vụ thương mại xuyên biên giới. Cụ thể, người tiêu dùng đặt phòng qua hệ thống Agoda và thanh toán trực tiếp qua thẻ ngân hàng cho đơn vị này. Sau đó, Agoda trả lại một phần tiền cho khách sạn lưu trú trong nước. Các đơn vị lưu trú cho rằng họ nhận được tiền từ Agoda chứ không phải chi tiền nên không thể khấu trừ tiền thuế cho Agoda nên cơ quan thuế cũng rất khó kiểm soát thuế.
Thực tế thời gian qua, cục thuế đã triển khai phương pháp thu thập dữ liệu thông tin cá nhân có giao dịch với các công ty nước ngoài. Năm 2018, cơ quan thuế đã gửi văn bản đến ngân hàng thương mại (NHTM) đề nghị cung cấp thông tin liên quan đến Google, Facebook thanh toán cho cá nhân. Sau đó, cơ quan thuế lọc lại thông tin, phát hiện có nhiều cá nhân nhận thu nhập lớn từ 2 tổ chức này và đã mời người nộp thuế lên làm việc.
"Vấn đề ở đây là cơ quan thuế có thông tin của người nộp thuế mới có thể thực hiện thu thuế. Nhưng trong thực tế, không phải NH nào cũng cung cấp thông tin khách hàng cho chúng tôi. Một số NHTM nhà nước từ chối với lý do bảo mật thông tin. Nếu chúng ta không có chế tài bắt buộc thì không có thông tin. Có NH yêu cầu cơ quan thuế cung cấp tên, chứng minh nhân dân khách hàng có giao dịch liên quan đến các đơn vị nước ngoài như Google, Facebook… thì mới cung cấp thông tin. Trong khi cơ quan thuế cần danh sách cá nhân có giao dịch NH để quản lý thuế. Trong dự thảo luật Quản lý thuế có đề cập đến cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhưng chúng ta đang thực hiện chính phủ điện tử nên các cơ quan ban ngành cần có sự liên thông, nếu không sẽ rất khó khăn trong quản lý”, ông Bình cho hay.
Đại diện UBND Q.5 kiến nghị cần đưa vào quy định hành vi nghiêm cấm đối với những cá nhân kinh doanh thương mại điện tử nhưng không đăng ký kinh doanh. Thực tế, khi cục thuế chuyển các thông tin cá nhân kinh doanh trên Facebook có doanh thu cho chi cục thuế địa phương và mời cá nhân đó lên làm việc nhưng họ từ chối.

Ngân hàng phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế

Liên quan đến số liệu chi tiêu quảng cáo của thị trường VN cho Facebook là 235 triệu USD, Google là 152,1 triệu USD (trong tổng chi tiêu quảng cáo trực tuyến 550 triệu USD), trao đổi với Thanh Niên, ông Bình nói: “Không biết công ty nghiên cứu thị trường dựa vào cơ sở nào đưa ra các con số trên, cơ quan thuế thu quản lý được một phần từ các doanh nghiệp, còn cá nhân thì khá khó”.
Trong khi cơ quan thuế tỏ ra bối rối thì theo bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, VN là nước sử dụng Facebook đứng thứ 8 thế giới, lượng tiền mà người dân bỏ ra để sử dụng dịch vụ này không phải nhỏ. Việc quản lý những dịch vụ này không chỉ liên quan đến an ninh mạng mà còn liên quan đến thu thuế, nếu quản lý tốt thì thu thuế không ít.
Liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của NHTM trong việc quản lý thuế, sau khi nghe ý kiến, Ban soạn thảo sửa đổi thành “cung cấp thông tin về số hiệu tài khoản theo mã số thuế của người nộp thuế khi mở tài khoản” thay “định kỳ cung cấp thông tin tài khoản của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế” ở dự thảo trước. Tuy nhiên dự thảo giữ nguyên quy định NHTM có trách nhiệm cung cấp nội dung giao dịch tài khoản, số dư tài khoản của người nộp thuế trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan thuế.
Ngoài ra, bổ sung thêm quyền của người nộp thuế là nhận các trích lục khi Kiểm toán Nhà nước có ý kiến với cơ quan thuế về việc truy thu, phạt thuế liên quan đến người nộp thuế. Có ý kiến đề nghị tăng mức phạt chậm nộp (hiện đang áp dụng 0,03%/ngày) lên để đảm bảo mức phạt này cao hơn lãi suất ngân hàng, từ đó người nộp thuế không chiếm giữ tiền thuế thay vì đi vay NH như hiện nay. Ngược lại, đại diện cơ quan Kiểm toán Nhà nước cho rằng tiền chậm nộp đang là gánh nặng cho người nộp thuế, do đó cần duy trì ở mức thấp để hỗ trợ; còn nếu “răn đe” thì phạt vi phạm hành chính nặng.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.