Bỗng dưng phát hiện sống 51 năm chỉ với 1 quả thận

Bỗng dưng phát hiện sống 51 năm chỉ với 1 quả thận

22/03/2024 15:51 GMT+7

Ông B.X.B (51 tuổi, ngụ Bến Tre) bẩm sinh đã có 1 thận nhưng ông không hề hay biết. Mãi cho đến khi sức khỏe yếu đi, giảm cân nhanh, đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe thì ông mới biết 51 năm qua mình sống chỉ có 1 quả thận.

Bị suy thận, phải lọc máu định kỳ thì gần đây người đàn ông này lại nhận được tin là thận duy nhất lại có bướu phát triển dạng ung thư tế bào thận. Qua siêu âm chẩn đoán, các bác sĩ xác định người bệnh có bướu ở 1/3 giữa mặt trước thận, kích thước khoảng 20x20 mm. Hiện tại, nam bệnh nhân vẫn đi tiểu được khoảng hơn 1.000ml mỗi ngày.

Nam bệnh nhân kể lại: "Khi thấy trong người không được khỏe thì mới lên bệnh viện tuyến trên. Khi mà bác sĩ siêu âm thì phát hiện được ngay. Lúc đó mình mới biết thôi. Lúc đó tôi thấy mệt mỏi lắm, thấy là mình không còn ham muốn chuyện sống nữa khi phát hiện mình có 1 quả thận rồi mà còn bị suy thận".

Bỗng dưng phát hiện sống 51 năm chỉ với 1 quả thận- Ảnh 1.

Theo bác sĩ, tỷ lệ người có thận độc nhất khoảng 1/1.000

TRANG CHÂU

TS.BS Phạm Phú Phát, Trưởng Khoa Niệu A, Bệnh viện Bình Dân cho biết: "Đây là một trường hợp khá là đặc biệt. Bệnh nhân này bẩm sinh ra là đã có 1 thận. Nhưng trong quá trình sống thì vì một lý do gì đó mà thận còn lại cũng bị mất chức năng. Và gần đây là có một cái bướu mà nghi ngờ là ác tính trên thận còn lại gọi là thận độc nhất. Bệnh nhân này đã, đang chạy thận định kỳ rồi, nếu bây giờ chúng ta điều trị theo ung thư học mà theo kiểu cắt hết cái thận này ra đó thì bệnh nhân này sẽ không còn nước tiểu".

Sau khi được thăm khám cẩn thận, bệnh nhân được phẫu thuật với kỹ thuật không kẹp cuống thận (zero ischemia) trong lúc cắt bướu để giảm thời gian thiếu máu nóng nuôi thận, tránh ảnh hưởng chức năng thận. Ca phẫu thuật nội soi sau phúc mạc cắt bướu thận, bảo tồn thận cho bệnh nhân đã diễn ra trong khoảng 2 giờ 30 phút. Sau phẫu thuật, bệnh nhân hồi phục khá nhanh, ăn uống được vào ngày hậu phẫu thứ nhất và xuất viện vào ngày hậu phẫu thứ năm.

Thận độc nhất là tình trạng người sinh ra chỉ có một bên thận, hoặc đã cắt bỏ một thận hay là đã hiến thận. Tỷ lệ người có thận độc nhất khoảng 1/1.000 và thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Thận độc nhất vẫn hoạt động tăng cường và thực hiện 75% chức năng so với có hai thận. Người có thận độc nhất cần xây dựng lối sống và dinh dưỡng lành mạnh, sinh hoạt điều độ, theo dõi và kiểm tra sức khỏe, thực hiện xét nghiệm đánh giá chức năng thận định kỳ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.