Điều này gây ra sự bức xúc trong dư luận.
Phải xem lại quy trình
Bạn đọc (BĐ) thể hiện sự bức xúc sau khi đọc thông tin này đăng trên Báo Thanh Niên ngày 9.7. Nhiều người cho rằng cứu người là việc hàng đầu phải làm, sao lại có thể từ chối. "Cấp cứu là yêu cầu không thể từ chối, mạng sống tính bằng giây, thế mà phải chờ xin ý kiến lãnh đạo thì phải xem lại quy trình cấp cứu, vai trò lãnh đạo, quản lý của các bệnh viện vệ tinh như thế nào?", BĐ Hồng Hoa (Hà Nội) bức xúc.
tin liên quan
Trạm cấp cứu vệ tinh từ chối đi cứu người!Đồng quan điểm, BĐ Phú Thắng (TP.HCM) cho rằng: "Không thể đưa ra bất kỳ lý do gì để từ chối cấp cứu. Trong khi nhiều sự vụ chỉ cách bệnh viện mấy trăm mét. Bác sĩ được đào tạo ra để cứu người, chứ không phải để từ chối. Chắc các bạn đã quên lời thề Hippocrate và tiêu chuẩn đạo đức trong ngành y khi được đào tạo trước đây".
"Nếu thực trạng thiếu phương tiện, bác sĩ như các bệnh viện giải thích thì tại sao không có phương án khắc phục. Các bệnh viện cứ đưa ra xã hội hóa xem có bao nhiêu công ty tư nhân sẽ tham gia. Cứ để xảy ra việc như thế này rồi đưa ra đủ các lý do để bao biện là không được. Tôi nghĩ nếu như lãnh đạo các bệnh viện có tâm và tầm thì những chuyện này không bao giờ diễn ra", BĐ Mai Văn Quý (Bình Dương) gay gắt.
Một số BĐ thì đề xuất gắn hẳn chip theo dõi hoặc thiết bị định vị trên các xe cấp cứu của những trạm vệ tinh thì sẽ biết được xe cấp cứu có bận không hay là do đội ngũ ê kíp lười biếng thoái thác. "Các xe cấp cứu này sao không gắn chip theo dõi như xe vận tải nhỉ, vừa tiện kiểm soát hoạt động lại phòng chống lãng phí tiêu cực", BĐ tên Khoa (Hà Nội) đề xuất.
Nên liên kết với tư nhân
Nhiều BĐ cho rằng việc cấp cứu thì không thể trì hoãn và ngành y tế nếu còn nhiều khó khăn thì nên thu phí cao để duy trì hoạt động này chứ không thể đưa ra lý do để từ chối cấp cứu. BĐ Nguyễn Nam (TP.HCM) dẫn ra trường hợp cụ thể của mình để minh họa: "Nhà tôi ở gần cầu Văn Thánh (P.25, Q.Bình Thạnh). Tối 27.5, ba tôi bệnh nặng khó thở, tôi gọi cấp cứu, 30 phút sau có xe của Bệnh viện Hoàn Mỹ đến gồm 1 bác sĩ, 1 y tá và 1 lái xe. Sau khi khám họ chuyển bệnh theo yêu cầu của gia đình là đến Bệnh viện Bình Thạnh. Sau khi bàn giao người bệnh hoàn tất cho Bệnh viện Bình Thạnh, nhân viên cấp cứu thu tiền khoảng 370.000 đồng (có biên lai). Tôi thấy số tiền này cao, đủ chi phí cho cấp cứu hoạt động, vì từ nhà tôi đến Bệnh viện Bình Thạnh chỉ tốn 60.000 đồng tiền taxi (hơn gấp 6 lần vì có bác sĩ theo khám). Vậy nếu chi phí vận chuyển cấp cứu như vậy, các bệnh viện phải phục vụ tốt người dân, ngoại trừ các trường hợp tai nạn ngoài đường mà vô gia cư hoặc họ quá nghèo thì nhà nước chịu, còn tất cả các trường hợp khác đều có thể thu lại sau khi điều trị".
BĐ Hồng Nguyễn (TP.HCM) cho rằng: "Việc vận chuyển cấp cứu của các bệnh viện quận huyện tại TP.HCM chưa tốt trước hết là do quản lý của các cơ quan chức năng chưa tốt. Theo tôi chúng ta chỉ cần liên kết với các công ty vận chuyển cấp cứu của tư nhân, công bố trên mạng mức giá cụ thể cho người dân biết và bệnh viện nơi tiếp nhận sẽ tính chi phí vận chuyển cấp cứu vào viện phí thì sẽ giải quyết tốt việc này".
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng lãnh đạo TP.HCM cần xem xét ưu tiên trang bị thêm xe cấp cứu cho các bệnh viện trong TP để tình trạng "từ chối cấp cứu" không còn xảy ra.
- Ở Mỹ khi gọi cấp cứu, nhân viên Sở cứu hỏa (đã tốt nghiệp các khóa cấp cứu) sẽ được gửi tới nơi yêu cầu trợ giúp, phía xe cấp cứu chuyên chở bệnh nhân, do tư nhân làm chủ, cũng được gọi đến nơi. Chi phí này được tính vào bảo hiểm sức khỏe của nạn nhân. Do cách điều hành như vậy, nạn nhân sẽ được đưa đi cấp cứu mà không gặp chuyện thiếu xe, xe hư cũ hay chờ lãnh đạo duyệt mới được xuất bến.
(Nguyễn Thanh Hiệp, TP.HCM)
- Nên đưa vào luật, trong tất cả các trường hợp, việc cứu người là trên hết, sau đó thì mọi chi phí cứ tính hết vào hóa đơn. Tiền này sẽ được dùng làm chi phí cho các hoạt động cấp cứu tiếp theo.
(Nguyễn Huy, TP.HCM)
|
Bình luận (0)