Mảnh đất dốc Sơn La nơi tôi sinh sống, ngoài bức tranh về một vùng đất là mảnh ghép quan trọng tô điểm thêm cho sự hoàn hảo của dải đất hình chữ S cong cong nhỏ bé là hình ảnh của những người dân sống chan hòa cùng thiên nhiên. Nơi ấy tuy có khó khăn về điều kiện vật chất nhưng lại chứa chan tình người. Nơi ấy đã ươm mầm thành công cho một cậu học trò vốn sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nhưng em luôn có thái độ sống lạc quan, yêu đời, tích cực, không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, cùng mong muốn: “Em sẽ cố gắng học thật giỏi cho bố mẹ ông bà em vui lòng. Đồng thời em mong muốn mình đạt được thành tích tốt thông qua học tập. Trước hết là tạo động lực để bố mẹ em sớm vượt qua bạo bệnh, bên cạnh đó em muốn truyền cảm hứng tới thật nhiều các bạn học sinh trên quê hương mình để các bạn tự tin chinh phục con đường tri thức đầy khó khăn với lòng kiên trì, quyết tâm”.
Bùi Anh Đức xuất sắc giành vòng nguyệt quế cuộc thi quý III lần thứ 22 |
tgcc |
Lời chia sẻ ấy là của Bùi Anh Đức – Học sinh lớp 12 chuyên Anh trường THPT Chuyên Sơn La tỉnh Sơn La. Cậu học trò vượt qua nghịch cảnh là tấm gương sống đẹp về tinh thần học tập trên quê hương tôi. Cậu học trò với khuôn mặt ngây thơ cùng một tinh thần lạc quan, yêu đời luôn hướng về phía trước. Ở em có một nguồn năng lượng tích cực để lại cho người đối diện sự yêu quý, cảm phục bởi ý chí, nghị lực với sự vươn lên trong cuộc sống.
Hành trình học tập và dấu ấn những người thầy “truyền lửa”
Bùi Anh Đức sinh năm 2005 trong một gia đình bình dị như bao gia đình khác tại xã Chiềng Sung huyện Mai Sơn tỉnh Sơn La. Bố Đức làm công nhân cho công ty ngô giống gần nhà. Mẹ em là cô giáo. Để thuận lợi cho công tác của cả hai bố mẹ nên gia đình em sống cùng nhà bà nội ngay tại xã. Với ước mơ học tập và cũng nhận thấy ngay từ nhỏ Đức đã là một cậu bé thích khám phá khi em chỉ thích xem chương trình thời sự trong nước và quốc tế. Sau này lớn hơn Đức luôn đặt ra những câu hỏi “tại sao” với người lớn. Nhận thấy sự thích thú và niềm đam mê đặc biệt với con chữ bố mẹ em đã quyết định gửi Đức ra ngoài nhà ông bà ngoại ở trung tâm huyện cách nhà em sinh sống hơn 20km đường đi lại vất vả khó khăn. Vậy là, ngay từ những năm tiểu học đầu đời Đức đã sống xa bố mẹ, xa cậu em trai mới hơn 1 tuổi để chinh phục con đường học tập đầy gian nan thử thách.
Cuốn sách thầy hiệu trưởng cấp I tặng Đức - nguồn động lực để em cố gắng |
tgcc |
Hai năm đầu tiểu học, Đức đã tỏ ra là một cậu bé đặc biệt với sự chăm chỉ và không ngừng học hỏi. Ngoài việc học ngày 2 buổi ở trường thì khi về nhà cậu bé Đức còn biết giúp đỡ ông bà khi đó đã gần 70 tuổi những việc nhỏ phù hợp với sức khỏe và vóc dáng nhỏ thó của em. Vậy mà, năm 2013 khi đó Đức học lớp 2 một biến cố đã xảy ra với gia đình em khi bố Đức có triệu chứng đau bụng, đi tiểu ra máu liên tục. Sau nhiều lần thăm khám chiếu chụp, bố Đức là anh Bùi Thế Hanh được các bác sĩ chẩn đoán bị bệnh thận đa nang, khiến thận của anh bị suy. Cũng từ đó cứ 3 tháng định kỳ anh Hanh phải xuống viện kiểm tra và điều trị với chi phí hết sức tốn kém.
Những tưởng, trong nhà có một người bệnh đã là một gánh nặng với đồng lương công nhân của bố Đức và đồng lương giáo viên chỉ đủ chi phí sinh hoạt hàng ngày cho gia đình thì một năm sau vào năm 2014 mẹ Đức là chị Trần Thị Hà Giang cũng mắc bệnh nặng. Chị bị bệnh u tế bào không thể chữa trị dứt điểm. Liền một lúc trong hai năm cả bố và mẹ đều mắc trọng bệnh khiến cho cậu học trò nhỏ vì thương bố mẹ đã òa khóc nức nở với ông ngoại: “Con thương bố mẹ con lắm ông ơi”. Những lúc cậu bé Đức yếu đuối như vậy ông ngoại em thường động viên, an ủi: “Bố mẹ ốm đau vậy thay vì yếu đuối con hãy ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập, có như vậy bố mẹ con thấy vui mới mau hết bệnh”.
Căn bệnh u tế bào ngày một hành hạ, mẹ Đức đã hai lần trải qua những cuộc đại phẫu lớn. Bố Đức cũng trong từng ấy năm lấy bệnh viện làm nơi thường xuyên lui tới. Kinh tế gia đình đã khó khăn lại thêm khó khăn. Nhận thấy hoàn cảnh gia đình mình như vậy Đức đã không ngừng nỗ lực và cố gắng tự trau dồi kiến thức. 5 năm liền của cấp tiểu học em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi cùng thành tích cao tại các cuộc thi toán, tiếng Anh qua mạng. Thấy được sự cầu tiến cùng sự nỗ lực không ngừng của cậu học trò có hoàn cảnh đáng thương, cuối năm Đức học lớp 2 thầy giáo hiệu trưởng của trường tiểu học thị trấn Hát Lót (Mai Sơn, Sơn La) nơi em đang theo học đã tặng Đức cuốn sách: “10 đại tướng soái thế giới” với lời nhắn gửi: “Cố gắng học thật giỏi để đi thi Đường lên đỉnh Olympia, chinh phục ngọn núi cao tri thức ấy. Thầy tin em sẽ hoàn thành được ước mơ của mình”.
Trong con đường học vấn của Đức, thật thiếu sót nếu không nhắc tới những lời động viên, những lời khuyên bổ ích của người cô giáo chủ nhiệm dạy bộ môn tiếng Anh của Đức những năm học cấp III – cô Hoàng Thị Hằng Nga. Cô Nga cũng là một người cô có sự ảnh hưởng lớn, hun đúc thêm cho cậu học trò nhỏ ý chí, quyết tâm không bỏ cuộc.
Những năm học cấp 2 tại trường huyện Đức vẫn giữ phong độ, luôn đạt được những thành tích học tập cao khiến bố mẹ em có nguồn động lực vượt qua bạo bệnh. Năm Đức đỗ trường chuyên Sơn La cũng là năm học mà bố mẹ em dành dụm được chút tiền mua được căn nhà ngoài thị trấn huyện gần ông bà ngoại để tiện chăm sóc ông bà và hai anh em Đức. Và cũng từ đây Đức sẽ bắt đầu hành trình học tập mới khi ngôi trường em học cách nhà gần 30km (em thức dậy từ 4 giờ 45 em chuẩn bị và ra đường chờ xe buýt lên thành phố học).
Muốn giới thiệu sự giàu đẹp, nồng ấm của đất và người Sơn La
Nhưng cũng từ đầu năm 2021 này sức khỏe của bố em mỗi ngày một giảm sút, số ngày bố Đức phải đi viện nhiều hơn. Căn bệnh suy thận ngày một nặng… Có lần mẹ em - chị Trần Thị Hà Giang chia sẻ: “Thấy bố đau không ăn uống được, con trốn vào phòng ngồi khóc, có lúc con ngồi học mà thấy thằng bé cứ nhìn ảnh gia đình mình biết con đang suy nghĩ và thương bố mẹ nhiều lắm. Đức là cậu bé tuy ít nói nhưng lại rất tình cảm. Những lúc ấy mình động viên con cố gắng học tập hoàn thành ước mơ là món quà quý nhất mà con dành tặng bố mẹ lúc này”.
Thương bố mẹ, Bùi Anh Đức vẫn nỗ lực không ngừng. Suốt 2 năm học cấp III lớp 10, 11 chuyên Anh, ngoài thành tích học sinh giỏi em vẫn luôn giữ vững, Đức còn giành được rất nhiều huy chương qua các kỳ thi chọn học sinh giỏi. Em từng giành 2HCĐ, 1 HCB, 1 HCV cấp quốc gia các cuộc thi qua mạng các môn toán, tiếng Anh. Năm học 2021 – 2022 em đạt giải nhất tỉnh, và giải ba học sinh giỏi môn tiếng Anh. Biết bố mẹ phải lo chạy vạy, có khi phải bán nhà để chữa bệnh cho bố Đức còn thể hiện sự hiếu thảo của mình bằng cách khi em nhận được tiền giải thưởng từ các cuộc thi em đều đưa mẹ để phụ mẹ có tiền chữa bệnh cho bố.
Ngoài tình yêu đặc biệt với tiếng Anh và toán, Đức rất đam mê môn sử. Em luôn đạt thành tích điểm 10 tuyệt đối ở môn học này bởi sự ham học hỏi, thích tìm tòi, muốn khám phá. Trên con đường chinh phục đỉnh cao tri thức, có một thành tích đáng ghi nhận, ngưỡng mộ và chưa có tiền lệ về tỉnh miền núi còn đầy rẫy sự khó khăn như Sơn La đó chính là Bùi Anh Đức là học sinh đầu tiên của quê hương Sơn La mang cầu truyền hình trận chung kết cuộc thi đường lên đỉnh Olympia lần thứ 22 về tỉnh nhà. Bởi em đã giành chiến thắng xuất sắc trong câu hỏi phụ giành vòng nguyệt quế tại cuộc thi quý III. Ngày Đức bước vào vòng thi quý cũng là ngày bố em sau một thời gian chạy thận nhân tạo được đưa vào phòng phẫu thuật mở cầu tay ở bệnh viện 103. Tháng 8 vừa rồi bố Đức lại vào phòng phẫu thuật cắt bỏ 1 bên thận. Đợi sức khỏe bố em ổn định là sẽ cắt bên thận còn lại. Hành trình bố nằm viện cũng là hành trình Bùi Anh Đức nỗ lực ngày đêm ôn luyện để ngày bước vào vòng thi chung kết đường lên đỉnh Olympia (10.2022) với mong muốn giành suất học bổng để thực hiện được ước mơ, hoài bão của mình.
“Quê hương em còn nghèo, em mong sau này nếu có thể mình sẽ làm hướng dẫn viên du lịch. Em muốn giới thiệu về sự giàu đẹp của thiên nhiên. Sự nồng ấm về tình người của bà con trên quê hương em đến thật nhiều du khách trong và ngoài nước”, Đức thổ lộ. Mong cho hoài bão, ước mơ bé nhỏ của “hạt giống lành nơi đất khó” thành hiện thực. Em chính là tấm gương của nghị lực với ý chí quyết tâm không ngừng học hỏi trau dồi kiến thức. Là gương sáng sống đẹp truyền lửa học tập cho lớp lớp các thế hệ học sinh vùng cao trên quê hương tôi. Hình ảnh cùng gương mặt luôn thể hiện sự lạc quan nơi em khiến tôi càng thêm thấu hiểu ý nghĩa câu nói: “Nghệ thuật sống không phải thể hiện ở việc bạn tìm cách chối bỏ khó khăn mà ở việc bạn học cách trưởng thành từ những khó khăn đó”.
Bình luận (0)