Bùi Công Duy 'tái ngộ' nhạc trưởng Honna Tetsuji trong cuộc gặp âm nhạc và điện ảnh

16/12/2022 14:28 GMT+7

Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam và Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) sẽ trình diễn trong chương trình hòa nhạc đặc biệt diễn ra tối 18.12 tại phòng hòa nhạc lớn (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam).

Buổi hòa nhạc có sự tham gia của NSƯT Bùi Công Duy và nhạc trưởng người Nhật Bản Honna Tetsuji.

Đây là chương trình hoà nhạc được tổ chức thường niên vào cuối năm, do hai đơn vị hoạt động âm nhạc cổ điển lớn của cả nước kết hợp thực hiện, giới thiệu những tác phẩm đồ sộ, kinh điển.

Nhạc trưởng Honna Tetsuji và nghệ sĩ violin Bùi Công Duy

BTC

Năm nay, hai dàn nhạc sẽ trình diễn tác phẩm Giao hưởng số 5 của G. Mahler và Nostalghia: tưởng nhớ Tarkovsky của T. Takemitsu.

Điều đặc biệt, tuy cả hai tác phẩm âm nhạc này không được sáng tác làm nhạc phim nhưng đều có sự liên hệ với điện ảnh.

Tác phẩm Giao hưởng số 5 của Mahler với chương Adagietto nổi tiếng được biểu diễn nhiều tại các buổi hoà nhạc như một tác phẩm độc lập. Giai điệu của chương Adagietto này được biết đến nhiều nhất qua bộ phim Death in Venice (Chết tại Venice).

Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam và Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội kết hợp thực hiện chương trình hòa nhạc đặc biệt thường niên vào cuối năm

BTC

Đạo diễn Visconti đã khéo léo sử dụng Adagietto để kết thúc bộ phim, tạo ra tâm trạng u sầu khi con tàu của Aschenbach tiến vào Venice ở phần mở đầu, và quay trở lại khi nhà soạn nhạc chết trong mưa, trong khi ngắm nhìn chàng thơ Tadzio của mình biến mất dần giữa biển.

Giao hưởng số 5 gồm 5 chương này còn nhiều điều hơn để khán giả khám phá bên cạnh chương Adagietto.

“Không một ai hiểu được. Ước gì tôi có thể chỉ huy buổi biểu diễn đầu tiên 50 năm sau khi tôi mất”, đó là những lời Mahler từng thốt lên sau khi Giao hưởng số 5 của ông ra mắt khán thính giả tại Cologne vào ngày 18.10.1904.

Trong một lần được nghe bản giao hưởng này của Mahler, nhạc trưởng Herbert von Karajan, người được ví như một một tượng đài khổng lồ trong âm nhạc, đã nói: “Chúng ta quên rằng thời gian đã qua đi. Một buổi biểu diễn của Giao hưởng số 5 là một trải nghiệm hoàn toàn khác. Chương kết đầy xuất sắc thâu tóm lấy bạn, bủa vây và kiểm soát tới từng nhịp thở…”.

Với Nostalghia của Takemitsu, sự liên kết với điện ảnh thể hiện rõ ràng khi nhà soạn nhạc lấy tên tác phẩm từ tên bộ phim của Tarkovsky.

Bản thân Tarkovsky rất yêu thích văn hoá Nhật. Ông đã nghiên cứu các bộ phim của các đạo diễn Nhật nổi tiếng khi còn là sinh viên.

Ông cũng đã gặp đạo diễn nổi tiếng Kurosawa tại buổi chiếu phim Solaris của mình. Kurosawa sau đó nhớ lại hình ảnh của Tarkovsky gầy gò, ốm yếu nhưng thông minh và nhạy cảm đã khiến ông liên tưởng đến Takemitsu.

Khi đó, Takemitsu cũng đã là nhà soạn nhạc cho bộ phim truyền hình Dodes’ka-den của Kurosawa. Sau này, vào năm 1985, ông soạn nhạc cho bộ phim kinh điển được đề cử Oscar Ran của Kurosawa. Dường như giữa Takemitsu và Tarkovsky đã có một sợi dây liên kết vô hình để tạo ra một tác phẩm như Nostalghia.

Cả hai cùng chia sẻ sự suy ngẫm về thời gian, về cách tạo ra cảm nhận về thời gian và không gian bằng âm thanh. Người nghe sẽ cảm nhận được sự bí ẩn, khắc khoải qua tiếng violin độc tấu giữa nền nhạc mờ ảo, mơ hồ như màn sương của dàn dây.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.