Sống đẹp lần 4: San sẻ yêu thương

Bún Riêu, tôi và tương lai - Truyện ngắn dự thi của Em Nguyên (TP.HCM)

Em Nguyên
(TP.HCM)
11/08/2024 09:00 GMT+7

Nhận được điện thoại của cô Nhàn, tôi vội vã sắp xếp mọi thứ rồi quay về. Xóm nhỏ vùng ven bây giờ đông đúc hơn, nhà cửa mọc như nấm, cái thòi ra cái thụt vào, quay ngang quay ngửa trông như một miệng cười xấu xí với những chiếc răng lòi sỉ.

Quán bún riêu ngày trước giờ thì sáng hơn với mấy cái dù xanh đỏ in logo nước ngọt đặt đằng trước. Đứng đằng sau quầy, bà dì không nhận ra tôi, nhưng tôi cũng không hỏi bởi dì chắc sẽ không cho tôi một thông tin nào về Bún Riêu, sau tất cả mọi chuyện. Lần này về gặp cô Nhàn, tôi linh cảm, hay vì niềm hy vọng tự sâu trong lòng mà tôi nghĩ sẽ là một câu chuyện về Bún Riêu.

Bún Riêu, tôi và tương lai - Truyện ngắn dự thi của Em Nguyên (TP.HCM)- Ảnh 1.

Minh Họa: Văn Nguyễn

Tôi quen Bún Riêu đơn giản xuất phát từ cái sở thích... bún riêu mỗi ngày. Mà cũng không sở thích gì mấy, đơn giản vì so với phở, hủ tiếu thì bún riêu hợp với túi tiền của một đứa cu li hồ hơn. Tôi hay ngồi trên cái ghế mủ thấp, chiếc nón vải màu cháo lòng chụp lên đầu gối, một tay lùa vào mớ tóc vuốt ngược lên làm bụi xi măng bay tá lả, ngó nghiêng đợi. Bún Riêu đứng đằng sau quầy, gò má đỏ ửng, tóc đuôi gà một nắm dày ngúc ngoắc, tay thoăn thoắt bốc bún, trụng rau. Mùi mắm tôm khăm khẳm. Cái quạt gió quay rè rè góp phần phát tán thêm cái nóng. "Ê, quê ở đâu vậy?". "Đồng Tháp". "Hì, là chỗ có cái tháp bằng đồng bự chảng đó hả?". Bún Riêu cười, từ đó ký hiệu luôn hai chữ Đồng Tháp để phân biệt tôi với đám phụ hồ. Đổi lại tôi gọi nhỏ là Bún Riêu.

Thế giới của Bún Riêu vốn chật hẹp. Đó là cái quán vừa thấp lại vừa tối. Ngày mưa ngày nắng, khi khách vắng khi khách đông, bưng bê rồi dọn dẹp, luôn luôn là một đống tô lù lù dính đầy phẩm đỏ, ngón tay trỏ bàn tay trái sầy sật với vô số vết cắt của bào rau muống cùng những lời nặng nhẹ của bà mợ. Còn nữa, một gia đình mà không biết có nên gọi là gia đình không nữa. Nghèo khó chật vật nhưng thay vì kiếm tiền thì cha Bún Riêu lại ham mê cờ bạc, nợ nần rồi kiếm chuyện gây gổ, đánh đập vợ con. Cho đến khi người vợ qua đời vì bạo bệnh, cha Bún Riêu ôm đầu khóc hu hu, cuối cùng lại cũng lấy rượu giải sầu. Con cái đành phải li tán đi ở cho người này người nọ để kiếm cơm ba bữa… Nhỏ kể chuyện mình mà như kể chuyện của ai khác. Trên đôi má hồng hồng nâu nâu, trên cái khuôn miệng luôn luôn nhanh nhảu đó, chỉ một nét buồn thoáng qua.

Vắng khách, nhỏ sà xuống bàn đặt một quyển sách cũ kỹ. Tôi ghé mắt nhìn rồi ngứa nghề: "Để tui làm cho!". Mấy bài toán lớp 10 không khó. "Nè, học giỏi vậy sao lại đi phụ hồ?". "Tại nghèo thôi!", tôi đáp, lòng khi không thấy buồn queo, nhớ nhà nhớ má. Lại thấy mình trong cái buổi chiều với chiếc túi vải nhét mấy bộ đồ trên lưng, lóc cóc theo mấy anh trong xóm lên Sài Gòn kiếm việc. Bún Riêu không nói gì, nhưng từ bữa đó tô bún riêu nào của "Toàn Đồng Tháp" cũng có thêm mấy cục đậu hũ. Tôi nhẩm tính: nghèo + nghèo = 2 nghèo => (suy ra) cảm thông. Bà dì thấy tôi cà kê lâu cũng không bực, thậm chí còn cười ha hả: "Con Xíu có thằng bồ bào rau muống lẹ thiệt!".

Từ chỗ trọ đến quán bún riêu phải đi qua một con hẻm, rồi rẽ lên một cây cầu vượt. Một tối, Bún Riêu hẹn tôi chỗ chân cầu, nói sẽ tới một chỗ rất vui, gặp một người cũng rất vui. Tôi đạp xe đến, ngước cổ đọc "Trung tâm giáo dục cộng đồng". Trường học của nó đây mà, hơi thất vọng một chút. Chỉ một dãy nhà cấp bốn, một khoảng sân hẹp với rất nhiều hoa kiểng chen chúc. Một người dáng cao gầy, tóc lốm đốm bạc, khuôn mặt phúc hậu bước ra. "Má Hai!", Bún Riêu gọi rồi thúc vào tay tôi. "Ơ… dạ… má Hai". "Con tới để xin học à?". "Dạ không!", tôi đáp nhưng Bún Riêu đã nhanh nhảu chen vào: "Dạ, là có đó cô, "tển" học giỏi lắm". Lại thúc vào tay tôi, lần này thật mạnh.

Bún Riêu gọi là "một người rất vui" nhưng sau này hiểu nhiều hơn về cô Nhàn, tôi lại thấy đó là một người rất lạ. Nghe nhỏ kể trước kia cô là hiệu trưởng của một trường cấp một, hai gì đó về hưu, thay vì nghỉ ngơi an hưởng tuổi già thì cô lại nhận về một trung tâm giáo dục cộng đồng với học trò là những thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn dở dang việc học, cả những học viên khiếm thị nữa. Bao nhiêu là việc phải làm, cô thỉnh thoảng còn ăn ngủ luôn tại trung tâm. Người ta quen thấy một bà cô tóc bạc bới cao, tới lui bằng chiếc xe Cub cũ mèm, suốt ngày lắc xắc lo cho "cơ ngơi" và đám học trò. Tối hôm đó, cô Nhàn đã nói với tôi và Bún Riêu rất nhiều về tương lai. Rằng tương lai luôn bắt đầu bằng chữ nghĩa, và rằng người nghèo cũng vẫn có thể có được chữ nghĩa nhờ cố gắng vươn lên học tập, vân vân và vân vân. Chà, một điều to tát nhưng cô hay thật, diễn đạt rất dễ hiểu, dễ thấm để một thằng dễ chán nản buông xuôi như tôi bị thuyết phục. Mấy thằng bạn cu li của tôi thì nhìn ở một góc độ khác, chúng cười đểu "học hành gì mày, theo gái là chính".

Làm học trò phổ cập để được sống lại dù là một chút cái không khí trường lớp. Học trò ở đây làm đủ thứ nghề, đủ mọi hoàn cảnh, lớp hôm vắng hôm đông. Những đứa to lộc ngộc dép lết quèn quẹt, một cú ngồi rung chuyển bàn ghế, rút ra mấy quyển tập nhét trong sườn xe đạp hay túi quần sau quăn hết góc. Nhiều tối, tôi và Bún Riêu cùng lóc cóc đạp xe đi với nhau. Bạn bè ghép đôi, hai đứa không phản ứng gì, chỉ biết thế này nhọc nhằn đỡ đi một chút, và côi cút cũng đỡ đi một chút. Thật thì tôi thấy trong lòng vui vui, đã rụt rè nghĩ đến một tương lai trong đó có cả tôi và Bún Riêu. Có lẽ một chút vui sống của Bún Riêu đã được truyền sang tôi.

Hai đứa đứng trên cầu vượt nhìn xuống dòng xe cộ cuồn cuộn phía dưới. Gió vi vu lùa vào mớ tóc xanh dày thanh xuân của chúng tôi. Hai đứa không nói gì cứ để cho trí tưởng tượng tha hồ bay nhảy. Một căn nhà nhỏ, một khoảng sân nhỏ, những đứa trẻ có đôi gò má nâu nâu hồng hồng đùa chơi... Ủa, mà đó có phải tương lai không ta?

Vậy mà đùng một cái, có tin Bún Riêu bỏ trường bỏ lớp, bỏ quán bún riêu để sang nước ngoài lấy chồng giàu có. Rằng ai đó rõ ràng đã thấy nó đi gặp những bà mối ở quê... Tôi không tin Bún Riêu cho đó là tương lai. Bún Riêu đã không đủ kiên nhẫn để chờ đợi? Rồi tôi lại thấy hiện lên mái nhà đầy những lời cãi vã và cả cái quán đặc quẹo mùi mắm tôm, thấy nó đè lên người Bún Riêu nặng trĩu, nặng trĩu. Tôi chở cô Nhàn sấp ngửa chạy tìm, hỏi han bạn bè đứa này đứa nọ, tìm vào ngôi nhà cửa đóng im ỉm, tới quán để nghe bà dì nói "Nó phải đi kiếm tương lai của nó nữa chớ".

Cận kề ngày thi tốt nghiệp, đầu tôi là một mớ bòng bong. Buồn, giận, thất vọng, ấm ức, cảm thương, lo lắng... Tôi thức học bài như điên. Bởi bọn cộng đồng vẫn phải thi theo hệ thống trung học quốc gia. Nhìn tôi như con cò ma. Ngày vác bao xi măng nghe nặng gấp đôi. Đẩy xe cát thấy như thể bị ai trì kéo. Tụi bạn cu li lại khúc khích cười "tội thằng nhỏ, mới đó thất tình rồi, không có bún riêu đổi qua hủ tiếu, mày!".

Những người như tôi, có thật sự có tương lai không? Tương lai không có Bún Riêu thì còn ý nghĩa không?

***

Ngôi nhà ngói ba gian nằm giữa khoảng vườn có mấy cây cau xanh mướt, bốn phía nhà mới kiểu cọ, nên nó nhìn lạc lõng như một người nhà quê hoài cổ. Tôi đứng trên cái sân gạch tàu, ít chỗ bể nứt lún phún cỏ. Chỗ này, nhiều lớp học trò phổ cập đã đứng gọi tìm cô. Đứa bổ sung hồ sơ, đứa vì bí một bài tập, đôi khi là để tâm sự hay trò chuyện "người lớn" với cô. Những lúc đó giọng cô không còn rổn rảng, rành rọt như trên lớp mà thật trầm ấm, dịu dàng.

Cô Nhàn không có con cái gì, con gái bé nhỏ và duy nhất đã bỏ cô đi lúc vừa bập bẹ kêu được tiếng "má". Nỗi đau kéo giãn tháng ngày, tưởng như không chịu đựng được khi cô biết mình không còn khả năng làm mẹ nữa. Từ ấy cô dồn hết tâm huyết vào công việc dạy học, lấy đó làm niềm vui cho cuộc đời mình. Những đứa học trò biết chuyện rỉ tai nhau, để rồi như một sự bù đắp cho nỗi buồn lớn ấy của cô, tất cả hè nhau gọi "má". Má Hai!

Tôi ghi nhớ hoài điều má Hai nói trong cái hôm đầu đến lớp. Làm học trò má, tôi vừa sợ vừa thương quý. Má la rát lắm và cốc đầu rất đau. Chính nhờ vậy mà tôi cuối cùng cũng tốt nghiệp và có được một chỗ ngồi trong trường nghề. Tương lai tôi giờ ít nhất đã mang một hình thù, không còn là cái ảo ảnh long lanh được vẽ bằng tưởng tượng nữa.

- Thấy má Hai khỏe con cũng mừng.

- Ừ, vừa học vừa kiếm tiền, cực nhưng phải ráng nha con!

- Dạ. Có điều giờ con hư hay con học ngu, cũng không có ai ký đầu cho tỉnh hết.

- Cái thằng này! Như vậy người ta kêu bằng phản giáo dục đó nghe!

Cô trò cùng cười.

Cô ngồi trên bộ ván ngựa, thỉnh thoảng với tay đẩy cái võng treo bên trong. Một đứa bé đang ngủ.

- Cháu ngoại má. Má kêu mày ghé bữa nay cũng để kể mày nghe chuyện mẹ con nó.

- ?!?

Tôi ngồi thu người trên chiếc ghế nhỏ. Tiếng võng cọt kẹt. Ngoài thềm, nắng đổ một dải dài vàng khệch. Giọng cô Nhàn trầm thấp như khi nói chuyện "người lớn" với đám học trò.

"Người ta đồn nó đi lấy chồng ngoại giàu có để đổi đời. Trước đó trong lớp học buổi tối, đã thấy nó đi bữa đực bữa cái, mặt mũi lầm lì. Nhưng chỉ hơn tuần sau, một tối mưa tí tách, bỗng thấy nó lủi vô nhà má, đầu tóc, áo quần ướt nhem. Mắt nó đỏ kè, không biết đâu là nước mưa đâu là nước mắt. Nó thay đồ, làm thinh ngồi ăn cơm nguội. Cho tới lúc lên giường, mới bắt đầu mở miệng. Trời đất ơi! Thì ra nó bị người ta hại. Trời ơi! Kẻ đồi bại đó chính là cái người đàn ông đang sống già nhân ngãi non vợ chồng với dì họ nó ở trong quán. Tới khi phát hiện nó mang thai, người ta sợ lớn chuyện nên buộc nó về quê để tìm cách xử lý. Tội nó, xấu hổ, đau khổ, hoang mang, sợ hãi... Nó dằn vặt việc phải giết chết một em bé, cho đó là một tội kinh thiên động địa. Và nó như hóa điên, không cho ai động vô người, không chịu theo ai. Rồi sống chết trốn trở về đây. Bà dì biết chuyện ban đầu đòi kiện việc má chứa nó nhưng cuối cùng cũng xuống nước gửi gắm cho má. Má thu xếp một chỗ ở, tới lui trông chừng, lo chuyện sinh nở cho nó. Không nói với ai. Người đàn ông của bà dì sau đó cũng bỏ đi mất tăm... Giờ má coi nó như con gái má. Ngày nó đi làm, tối về với con. Ngó thương hai mẹ con đứt ruột. Thiên hạ ngoài kia lại quở: "Cơm không lành canh không ngọt với thằng chồng rồi! Chồng giàu bộ dễ ăn...".

Tôi chạy đi tìm Bún Riêu, mà không, là Xíu, người con gái nhỏ bé đáng thương của tôi.

Cửa hàng tiện ích đóng cửa lúc 9 giờ tối.

Chúng tôi lại đứng trên cầu vượt, giữa trời đêm, gió lùa ù ù. Xíu tì tay trên lan can, ngó xuống dòng xe cộ đang cuộn chảy bên dưới, còn tôi kín đáo nhìn em. Không có cái đuôi gà ngúc ngoắc nghịch ngợm mà mớ tóc dày và dài được cuốn thành một búi sau đầu. Những tóc tơ lòa xòa dưới gáy. Một cái gì mạnh mẽ và cũng thật mong manh.

Vài câu thăm hỏi vu vơ. Và tôi nôn nóng muốn phá bỏ ngay cái bức vách vô hình ngăn cách giữa hai chúng tôi. Nhưng tôi không mở miệng được. Không lẽ huỵch toẹt ra, rằng "Tui biết hết chuyện rồi, tui thương Xíu đứt ruột", rằng "Mấy năm nay tôi không lúc nào không nghĩ đến Xíu, thậm chí có lúc hận Xíu vì chuyện Xíu chê tôi nghèo"... Giống như ở trong phim.

Gió vẫn lùa vù vù. Sượt qua tóc chúng tôi. Xíu liệu có thể biến mất trước mắt tôi như lần trước không? Tôi đâm sợ. Cổ tôi nóng bừng. Bàn tay quả quyết đặt lên bàn tay Xíu, bóp chặt.

- Từ giờ, cho tui lo cho mẹ con Xíu được không?

Những ngón tay ngọ nguậy, một chút rồi để yên trong tay tôi.

Bún Riêu, tôi và tương lai - Truyện ngắn dự thi của Em Nguyên (TP.HCM)- Ảnh 2.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.