'Bùng nổ' đêm nhạc tôn vinh tiếng Việt qua những dấu thanh

21/08/2022 11:25 GMT+7

Không chỉ là buổi biểu diễn âm nhạc đơn thuần, không gian nghệ thuật độc đáo này còn là khát khao lan tỏa sự giàu đẹp của tiếng Việt với giai điệu từ “sắc-huyền-hỏi-ngã-nặng-ngang” của thế hệ Gen Z.

Chương trình ca nhạc tôn vinh tính nhạc điệu của tiếng Việt

Thượng Hải

Vẻ đẹp của sáu dấu thanh

Trước nhiều bài hát tiếng Việt hiện nay thể hiện không rõ chữ, rõ lời mặc dù đây là ngôn ngữ giàu tính hình ảnh, hình tượng và có tính nhạc điệu, một nhóm sinh viên Trường ĐH Hoa Sen (TP.HCM) đã dùng những nốt nhạc được viết từ sáu dấu thanh nhằm tôn vinh vẻ đẹp của tiếng Việt.

Bắt đầu ý tưởng từ tháng 7.2021, Nguyễn Hoàng Phương Linh (20 tuổi), trưởng nhóm chia sẻ: “Bản thân là người Việt Nam nên chúng tôi rất thích được sử dụng tiếng Việt và đề tài về tính nhạc của ngôn ngữ mẹ đẻ hiện nay vẫn chưa được nhiều người khai thác nên chúng tôi muốn lấy sáu dấu thanh của tiếng Việt để mở đầu cho chủ đề này”.

Hơn 400 người tham dự sự kiện

Thượng Hải

Nói về lý do lựa chọn các dấu thanh, Phương Linh cho biết sáu dấu thanh đó đều gắn với giai đoạn cuộc đời của mỗi người Việt Nam. Từ lúc họ được sinh ra (thanh ngang), biết suy nghĩ (hỏi) cho tới khi va vấp trước những khó khăn (ngã) hoặc rơi vào bế tắc (nặng), để rồi từ đó cứng cỏi hơn (sắc) và cuối cùng là trở nên an yên, muốn trở về vòng tay của gia đình, quê hương (huyền).

Với những suy nghĩ đó, những người trẻ này đã quyết định tạo ra một không gian biểu diễn nghệ thuật nhằm khơi gợi nhận thức và cảm quan về tính nhạc trong tiếng Việt cho mọi đối tượng tiếp cận. Với loạt hình thức biểu diễn tái tạo âm nhạc từ việc đọc/nói tiếng Việt kết hợp với các loại hình diễn hoạt sân khấu như múa, trình diễn thị giác, hát nói... đồng điệu giữa tính truyền thống dân tộc và phong cách của thế hệ Gen Z.

Ca sĩ Hali ru người nghe với những ca khúc về tuổi thơ

Thượng Hải

Ông Đào Minh Vũ (33 tuổi), giảng viên Trường ĐH Hoa Sen, chia sẻ: “Tôi đã từng sinh sống ở nước ngoài và rất tự hào khi biết người ngoại quốc luôn trầm trồ về tiếng Việt, họ nói nghe ngôn ngữ này có cảm giác như nghe hát vậy. Nên khi các bạn đề xuất sử dụng các dấu thanh tiếng Việt cho đề án này, tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi thế hệ trẻ đang cố gắng phát triển nét đẹp đó”.

Lưu giữ một nét đẹp của tiếng Việt

Sau nhiều tháng chuẩn bị, dù bị trì hoãn bởi dịch bệnh nhưng chương trình của các sinh viên dành tình yêu cho tiếng Việt đã diễn ra tại Nhà hát Bông Sen (số 15, Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP.HCM) vào đêm 20.8 với tên gọi “Ngỡ là nghe tiếng nhạc?”. Sự kiện đã thu hút hơn 400 người tham dự, đặc biệt là người trẻ.

Ban nhạc Humm trình diễn các sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Phạm Duy. Ảnh: Thượng Hải

thượng hải

Điểm thu hút của chương trình chính là mỗi tiết mục, lời nói, hành động và con người tại đây đều hướng về sự tôn vinh nét đẹp của tiếng Việt. Sáu phần trình diễn tương ứng với các dấu thanh tượng trưng cho sự trưởng thành của con người và tất cả bài hát lựa chọn cho chương trình đều được phối khí mới hoàn toàn để phù hợp về âm sắc lẫn nội dung, ứng với ý nghĩa từng phần. Đặc biệt là dàn nhạc dân tộc với sáu nhạc cụ ứng với sáu dấu thanh, gồm đàn tranh, bầu, sáo, nhị, T’rưng và kèn bầu.

Bộ đôi Bụng Mỡ đưa người nghe đến những khúc ca khắc khoải

Thượng Hải

“Những nghệ sĩ trẻ được mời cũng là những người thực sự sử dụng nhuần nhuyễn và đề cao tiếng Việt trong tác phẩm của họ như Datmaniac, Bụng Mỡ, Tổ Yến Crew, Hương Giang... Chúng tôi muốn người nghe cảm thấy tiếng Việt đẹp, hay về mặt giai điệu và những hàm ý sâu xa trong những bài hát có thể gửi gắm hoặc truyền tải câu chuyện tôn vinh tiếng mẹ đẻ vào đó”, Phương Linh cho hay.

Rapper Datmaniac “khuấy động” sân khấu

Thượng Hải

Cảm thấy ấn tượng trước những màn trình diễn đặc sắc, Uyên Thy, sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM, chia sẻ: “Những màn trình diễn nghệ thuật rất đa dạng, độc đáo, các nghệ sĩ rất tài năng và tâm huyết khi biểu diễn”.

Trong bối cảnh Việt Nam du nhập văn hóa nước ngoài rất nhiều, những người trẻ này mong muốn là dù ở thời đại nào thì mọi người vẫn tìm được vẻ đẹp từ chính ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Và đêm nhạc này chính là sự lưu giữ lại một cách đẹp nhất sự trong sáng của tiếng Việt.

Ngọc Mai (19 tuổi), thành viên ban truyền thông của sự kiện, bày tỏ: “Đây là chương trình được tổ chức bởi những người trẻ khai thác tiếng Việt theo hướng Gen Z thông qua việc nhìn nhận những âm thanh thuần Việt đã nuôi chúng ta lớn lên và hằng ngày như lời ru, tiếng rao… Nên không chỉ người lớn tuổi, trung niên mà những bạn trẻ cũng có thể cảm nhận được điều đó và khơi gợi được cảm quan về nhạc tính trong tiếng nói của họ”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.