‘Bùng nổ’ thí sinh ‘trúng tủ’ đề thi: Đáng mừng hay rất lo?

11/07/2022 11:19 GMT+7

Nhiều giáo viên, sinh viên bày tỏ sự vui mừng lẫn lo lắng trước thông tin đông đảo thí sinh khoe 'trúng tủ' đề thi ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua.

Mừng cho thí sinh "trúng tủ" nhưng vẫn lo: Vì sao?

Đó là nhận định của Nguyễn Trọng Nghĩa, sinh viên ngành Văn học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Từng đạt giải nhì học sinh giỏi văn cấp thành phố, Nghĩa khẳng định nhiều thí sinh tuy “trúng tủ” tác phẩm nghị luận văn học nhưng vẫn có thể bị “lệch ngăn” nếu không ôn đúng đoạn trích đã ra trong đề hoặc không hiểu cách liên hệ với tác phẩm khác.

Nhiều thí sinh vui mừng khoe “trúng tủ” sau buổi thi môn văn sáng 7.7

Ngọc Long

“Đây là điều bình thường vì một tác phẩm văn học thường được chia thành nhiều phân đoạn khác nhau để phân tích, từ đó kéo theo những câu hỏi phân tích khác nhau. Riêng câu hỏi liên hệ cũng yêu cầu tư duy hiểu sâu sắc vấn đề, dàn trải nhiều tác phẩm và cả vốn kiến thức từ đời sống để viết hay”, nam sinh nói.

Vì lẽ đó, Nghĩa tin rằng không phải cứ “trúng tủ” là điểm sẽ cao, mà nên xem đây là cơ hội để khích lệ thí sinh, giúp các em tự tin làm tốt bài những môn thi sau.

Còn với Nguyễn Thị Hằng (sinh viên ngành Báo chí, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), thủ khoa tỉnh Bình Phước và cũng là thủ khoa đầu vào của trường năm 2018, chuyện “trúng tủ” đề văn có thể đoán trước được vì đề thi sẽ ra ở kiến thức của học kỳ 2, thời điểm thí sinh được trở lại trường học trực tiếp. “Nội dung chủ yếu ở phần kiến thức học kỳ này là văn xuôi nên tỷ lệ dự đoán đúng tác phẩm rất cao”, nữ sinh nói.

Thi tốt nghiệp THPT 2022: Phổ điểm các môn sẽ cao hay thấp?

Theo Nghĩa và Hằng, chuyện nhiều thí sinh “trúng tủ” không hẳn sẽ có nhiều thí sinh đạt điểm cao. “Việc ‘tủ’ chỉ diễn ra ở câu hỏi nghị luận văn học. Bên cạnh đó, đề thi vẫn có những câu phân hóa và những ý mà chỉ thí sinh có học lực giỏi mới làm được”, Hằng giải thích thêm và cho hay thí sinh mừng vì “trúng tủ” nên thoải mái tâm lý thi hơn.

Hằng cũng nhấn mạnh: “Càng lướt mạng tôi thấy có càng nhiều thông tin đoán đề năm nay, dưới những bài đăng ấy cũng có đông đảo thí sinh khóa sau trông chờ. Việc săn đề thi rồi học ‘tủ’ này nếu rầm rộ hơn nữa thì không tốt. Vì các thí sinh năm sau sẽ bị ảnh hưởng và lướt mạng nhiều hơn để nghe phỏng đoán đề, ảnh hưởng đến tâm lý khi ôn thi”.

Theo thạc sĩ Diệu Thu, thí sinh cần học trọn vẹn kiến thức trong chương trình thi tốt nghiệp THPT

Ngọc Long

Để không còn nỗi lo

Có chung mối lo về "học tủ" môn văn, thạc sĩ Lê Trần Diệu Thu (giáo viên văn Trường CĐ Xây dựng công trình đô thị, Hà Nội) cho rằng chuyện “trúng tủ” sẽ ảnh hưởng không chỉ với thí sinh năm nay mà còn cả năm sau. “Với thí sinh năm nay, lối tư duy học tủ có thể ăn vào tiềm thức, trở thành cách học đối phó những năm ngồi trên giảng đường ĐH, khiến học trò khó tiếp thu kiến thức trọn vẹn”, nữ giáo viên nói.

Còn với lứa thí sinh năm sau, theo thạc sĩ Thu, tư duy “học tủ” sẽ khiến học trò chỉ ôn tác phẩm hoặc kiến thức mà các em nghĩ rằng có khả năng ra cao, bỏ qua những tác phẩm, kiến thức các em nghĩ đề sẽ không ra. “Từ đó, thí sinh thờ ơ với không nhỏ lượng kiến thức, và nếu bị ‘tủ đè’, có nguy cơ trượt tốt nghiệp THPT. 12 năm ăn học là rất dài, chỉ vì học ‘tủ’ mà bị thế là không đáng và không nên”, nữ giáo viên nhận định.

Đồng thời, thạc sĩ Thu bày tỏ sự lo lắng trước việc truyền thông “ưu ái” đăng tin về sự “trúng tủ” đề văn những ngày qua, vô hình trung tạo thành “cú hích” khiến thí sinh cảm thấy hào hứng khi học “tủ”. Đó sẽ là tiền đề cổ vũ khóa sau tiếp tục học và ôn “tủ”. “Điều này rất đáng lo ngại”, cô giáo trẻ nói.

Để không còn nỗi lo, cô Thu lưu ý thí sinh cần học đầy đủ kiến thức mà giáo viên giảng dạy trên lớp, không nên chỉ đặt trọng tâm chú ý vào một tác phẩm hay phân đoạn duy nhất. “Các em cần học trọn vẹn kiến thức nằm trong chương trình thi tốt nghiệp THPT”, nữ giáo viên kết luận.

Chuyện đoán “tủ” đề văn có khả năng không còn tồn tại trong tương lai. Tại cuộc họp báo chiều 8.7 về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, nhấn mạnh, trong chương trình mới (bắt đầu triển khai từ năm học 2022 - 2023, lứa tốt nghiệp đầu tiên thi vào năm 2025), có nhiều sách giáo khoa, ngữ liệu sẽ được dùng để việc kiểm tra đánh giá trở nên phong phú hơn, không gói gọn trong một cuốn sách giáo khoa cụ thể nào.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.