Bùng nổ thiết bị dịch thuật bỏ túi tại Nhật Bản

Thu Thảo
Thu Thảo
15/08/2019 19:47 GMT+7

Nhân viên bán hàng tại một nhà thuốc ở Nhật Bản sử dụng Pocketalk để giao tiếp với khách hàng đến từ Việt Nam, Thụy Điển và nhiều nước khác.

Bloomberg dẫn câu chuyện của Takehiko Fujita, nhân viên bán hàng tại một nhà thuốc ở Nhật Bản. Ông Fujita khó lòng nào tư vấn, bán thuốc nhỏ mắt và thuốc giảm đau cho khách mà không có người phiên dịch bỏ túi.
Thay vì dùng ứng dụng, từ điển hoặc gọi đến dịch vụ dịch thuật, Fujita dùng Pocketalk, thiết bị trông giống như một quả bóng bầu dục nhỏ, có giá 25.000 yen Nhật, tương đương 230 USD, và do Sourcenext sản xuất. Thiết bị dịch các cụm từ giữa 74 ngôn ngữ với nhau, giúp ông giao tiếp với khách hàng đến từ Thụy Điển, Việt Nam và nhiều nước khác.

Máy chuyển ngữ bỏ túi Pocketalk

Ảnh: Bloomberg

"Tôi không lo gì cả. Tôi có thể nói chuyện với người đến từ nước khác, người có thể không hiểu tôi nói gì bằng tiếng Nhật", ông Fujita chia sẻ. Trước đây, ông từng dùng Google Dịch để trao đổi với khách hàng, song giờ đây ông chỉ cần cầm Pocketalk trên tay để giao tiếp.
Du khách đang đổ xô đến Nhật Bản. 31 triệu người đến với xứ sở mặt trời mọc vào năm ngoái, gấp ba lần số lượng khách du lịch trước đó, theo Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản. Nhiều doanh nghiệp chật vật để đáp ứng nhu cầu mua sắm, ăn uống và di chuyển của du khách, vốn được dự báo là sẽ còn cao hơn nữa khi Thế vận hội mùa hè diễn ra ở Tokyo vào năm sau.
Dù các ứng dụng điện thoại thông minh vẫn phổ biến, Pocketalk vẫn tìm được chỗ đứng riêng. Thiết bị được tạo ra chỉ cho một mục đích là chuyển ngữ. Nó có microphone nhạy, phần mềm nhận dạng giọng nói và dịch máy từ Google, Baidu và nhiều hãng khác. Nhờ đó, nó cải thiện được độ chính xác. Từ khi ra mắt vào năm 2017, có hơn 500.000 thiết bị Pocketalk được tiêu thụ. 

Số du khách đến Nhật Bản ngày càng tăng

Ảnh: Bloomberg

Pocketalk là sản phẩm của sự hợp tác giữa hãng phần mềm thiết kế thiệp mừng Sourcenext và startup Hà Lan Travis, hãng đã phát triển nguyên mẫu máy dịch thuật. Sourcenext cũng dùng chuyên môn có được từ Rosetta Stone, công ty mà hãng thâu tóm vào tháng 4.2017.
Sourcenext còn đặt mục tiêu khách hàng là du khách Nhật Bản du lịch nước ngoài. Nhật Bản là đất nước tương đối đơn ngữ, đứng thứ 49 trong số 88 quốc gia và vùng lãnh thổ khi xét về độ thông thạo tiếng Anh. Mẫu Pocketalk mới có thẻ SIM toàn cầu với khả năng hoạt động trong hai năm tại hơn 100 nước. Thiết bị nhờ vậy có thể truy cập dữ liệu để dịch.
"Với công cụ này, khách du lịch làm được những điều trước đây họ không thể", nhà thiết kế phần mềm cao cấp Hajime Kawatake tại Sourcenext cho biết. Hiện nhiều doanh nghiệp tiếp xúc với người nước ngoài hứng thú với thiết bị dịch thuật cầm tay và Sourcenext nhận được câu hỏi từ 4.000 công ty khác nhau.

World Speak với khả năng xử lý 72 ngôn ngữ

Ảnh: King Jim

Ngoài Sourcenext, hãng điện tử Fujitsu cũng đang tiếp thị thiết bị chuyển ngữ riêng của mình có tên Arrows Hello. Sản phẩm có giá 30.000 yen Nhật, tương đương 283 USD, ra mắt hồi tháng 5, có hình dáng tương tự Pocketalk song tích hợp thêm một camera để chuyển ngữ văn bản. Nhu cầu thiết bị dịch bỏ túi đặc biệt cao đến từ các hãng bán lẻ và vận tải, chẳng hạn như taxi.
Ngoài thiết bị bỏ túi, hãng văn phòng phẩm King Jim còn phát hành dịch giả máy tính để bàn cho các cửa hàng hồi tháng trước. Sản phẩm có tên World Speak, giá 148.000 yen Nhật, tương đương gần 1.400 USD. Thiết bị có hai màn hình, một cho khách hàng và một cho nhân viên cửa hàng. Người mua hàng có thể chọn bất cứ lá cờ nào trên màn hình để bắt đầu dịch từ ngôn ngữ mẹ đẻ của họ.
World Speak có khả năng xử lý 72 ngôn ngữ, nhận được sự quan tâm từ nhiều khách sạn, trung tâm mua sắm, bệnh viện và nhà thuốc. Eiji Mori, nhà phân tích thuộc hãng BCN, cho hay: "Giờ đây khi Nhật Bản đã là điểm đến của du khách, không có lý do gì để các doanh nghiệp nói rằng ''tôi không hiểu người nước ngoài nói gì''. Họ cần tăng trưởng doanh thu, vì thế các máy dịch vẫn sẽ tiếp tục phát triển". 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.