Năm 2001. Những đứa trẻ ăn tô bánh canh năm trăm đồng; khách qua đường mỗi tô giá cao nhất là hai ngàn đồng. Bún (bò và bún giò - ngoéo, lết) thì ba ngàn. Người thuộc hạng bình dân ăn sang nhất mà tôi biết ở đấy là tay xích lô. Gã thu nhập cũng khá, nhờ có mối tại cổng nhà máy dệt, mỗi ngày hai ba chuyến chở hàng lên phố, kiếm khoảng 40 - 60 ngàn đồng/ngày; thử so với sự ăn sáng khoảng hai ngàn đồng, sẽ hiểu số tiền đó giá trị thế nào. Gã vốn là bạn của ông chồng (bán cà phê) mụ vợ bán bún, ghé vào là tới dò xem khúc giò nào ngon nhất, chỉ tay rồi mới yên tâm ngồi lại bàn ăn, trả giá tô bún bốn ngàn. Ăn lâu gấp ba người khác.
Còn ông người Đài Loan, sang VN làm tư vấn cho nhà máy dệt. Ông ở với 5 người nữa cách nơi làm việc hai cây số, sáng nào cũng đi bộ. Tôi từ dạo uống cà phê ở đây chưa hề thấy ông ghé vào ăn sáng. Nhưng sáng ấy… Đứa con gái chủ quán tới hỏi, ông nói rành rẽ tiếng Việt: “Con vào gọi mẹ ra bán”. Siêu! Cũng là bún cháo ấy nhưng mụ chủ sẽ biết cách làm ngon hơn. Bánh canh thì cá lóc. Nhưng ông ta lại ăn bánh canh với giò heo. Ngược đời. Không cần ai nhắc, mụ chủ chọn cái giò ngon nhất cho vào tô bánh canh. Ông lấy thêm hai ổ mì chấm nước súp, gật đầu. Và, thêm một tô y hệt vậy được bưng tới. Sau nốt ông còn gọi ly sữa lớn. Tính tiền vị chi 18 ngàn đồng; gấp gần 5 lần bữa ăn sang trọng của gã xích lô. Thời điểm ấy, tại quán ăn sáng nông quê với tô bánh canh năm trăm đồng ấy, chuyện về “ông người tây” ăn sáng, nghe sao… buồn. Buồn cho ai?
Tôi nhớ kiểu ăn sáng của mình hồi đó. Những buổi em dậy sớm, ra vườn hái rau tập tàng gồm lá bùng ngọt, bát bát, lá lốt, rau chên, rau khoai vào nấu với mì tôm. Em nhen lửa, xắt hành hương tao dầu thơm lựng mới đổ nước. Tôi để ý nhiều lần, hễ nước sôi em cho mì vào, nước sôi trở lại mới thả rau đảo qua rồi nhấc xuống nêm màu mè, múc ra bát rau tươi và ngọt; cộng thêm chút nước ớt đỏ tươi…
Ở thành phố, trừ những đại gia, có người phục vụ bếp núc hạng sang mới nấu ăn buổi sáng, còn lại đều giắt tiền ra quán, từ ông già đến trẻ nhỏ. Người dân nông quê, nghèo nên họ chú trọng lượng chứ chưa đòi hỏi chất. Sáng nào, nhà nào cũng nấu nồi cơm to, ăn cho chắc bụng. Lùi xa hơn chút nữa là khoai. Nhà tôi hồi năm anh em đều còn ở nhà, mỗi sáng mẹ luộc nồi khoai đổ ra đầy một sàng, bóc vỏ chấm muối vừng, nào đâu có cơm mà ăn. Còn thời bao cấp, là cán bộ nhà nước, gia đình tôi đều đặn được phát bột mì. Còn nhớ như in, mẹ tôi xúc một chén bột hòa cùng nước lã trong cái tô. Mỡ là món xa xỉ. Mỗi lần tráng bánh, mẹ chỉ dám gắp cái tóp mỡ còn hơi tươi chuầy lên chảo cho khỏi dính bột. Cơm trộn khoai ba lớp, nào dễ gì thừa cơm nguội để có món cơm chiên mỡ vốn như một khái niệm triết học xa mờ.
Bình luận (0)