Sáng 28.11, tại Hà Nội, Hội Luật quốc tế Việt Nam (VSIL) đã tổ chức Đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 2020-2025.
Mặc dù là một hội rất non trẻ, mới ra đời được 4 năm, nhưng đại hội của hội có sự tham dự của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, 2 Thứ trưởng Bộ Tư pháp là ông Nguyễn Khánh Ngọc và bà Đặng Hoàng Oanh, cùng nhiều vị lãnh đạo các bộ, ngành khác...
Theo Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2016 - 2020, TS Nguyễn Bá Sơn, đây không chỉ là sự quan tâm đến Hội, mà là quan tâm đến khoa học pháp lý quốc tế nước nhà.
Hội Luật quốc tế Việt Nam (VSIL) được thành lập năm 2016, năm Tòa trọng tài PCA phán quyết vụ kiện của Philippines với Trung Quốc, và cũng là năm Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử có một người trúng cử vào Uỷ ban Luật pháp Quốc tế là Đại sứ, PGS.TS Nguyễn Hồng Thao. Những người trong ngành coi năm 2016 là năm Luật quốc tế Việt Nam.
Tháng 8 năm 2019, khi tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của VN (suốt từ đầu tháng 7.2019 cho đến 25.10.2019), VSIL đã có thư ngỏ gửi Hội luật Quốc tế Trung Quốc (CSIL), chỉ rõ những điểm ngụy biện về pháp lý của Trung Quốc ở Biển Đông và kêu gọi các đồng nghiệp nước này kiến nghị chính quyền chấm dứt hành vi xâm phạm vùng biển Việt Nam.
Tại đại hội, TS. Nguyễn Bá Sơn nhiều lần nhắc lại sự quan tâm của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, như ngày VSIL "khai sinh", dù được Chủ tịch nước triệu tập họp Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp T.Ư, Phó thủ tướng vẫn xin phép đến dự lễ công bố thành lập hội rồi sẽ trở về.
Và lần này, dù mời rất gấp, nhưng Phó thủ tướng vẫn tranh thủ có mặt, phát biểu động viên, rồi mới đi sự kiện khác. “Sự quan tâm đó lay động trái tim chúng tôi”, TS. Nguyễn Bá Sơn nói, đồng thời gửi lời cảm ơn sự đồng hành của Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, những người sẵn sàng hỗ trợ tối đa để Hội phát triển.
Ngày càng cần các chuyên gia am hiểu về luật pháp quốc tế
Phát biểu tại hội nghị, phần nào “lý giải” cho sự quan tâm của mình đến Hội, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý, sau 30 năm đổi mới, VN là một đất nước có độ mở rất lớn, tham gia vào nhiều định chế quốc tế, nên sự ra đời của VSIL tuy muộn, nhưng đã bắt kịp xu thế, góp phần nâng cao vị thế, tiếng nói khoa học pháp lý của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế.
Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều thay đổi khó lường, căng thẳng địa chính trị, tranh chấp thương mại, đầu tư... ngày càng tăng lên, những hội như VSIL càng có ý nghĩa quan trọng.
“Hội đã quy tụ, tập hợp được đông đảo các học giả, các nhà quản lý và thực hành pháp luật quốc tế, phát huy thế mạnh chuyên môn của các hội viên, bước đầu xây dựng quan điểm của các học giả Việt Nam về vấn đề Biển Đông, an ninh phi truyền thống, tranh chấp kinh tế, đầu tư, thương mại quốc tế... qua đó, đã thu hút được sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước ủng hộ lập trường chính nghĩa của chúng ta”, Phó thủ tướng đánh giá.
Theo Phó thủ tướng, Hội cũng đã góp phần quan trọng vào việc phát triển khoa học pháp lý quốc tế tại Việt Nam thông qua việc xuất bản ấn phẩm đầu tiên của Hội về “Luật quốc tế và những vấn đề thực tại Việt Nam”; đưa được nhiều hoạt động nghiên cứu, thực hành pháp luật quốc tế về Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài, trong đó đáng lưu ý là thành viên Hội đã được lựa chọn để tham gia vào các cơ quan nghiên cứu pháp luật quốc tế và tài phán quốc tế của Liên Hiệp Quốc.
Thế giới mà chúng ta đang sống đang phải đối diện với những thách thức khó lường, Phó thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng “luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương toàn cầu ngày càng đóng vai trò quan trọng, trở thành yếu tố then chốt trong hợp tác quốc tế, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của quốc gia, cũng như duy trì trật tự trong quan hệ quốc tế”.
Do đó, Phó thủ tướng mong muốn VSIL sẽ đóng góp hiệu quả vào việc bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. "Nếu chúng ta có nhiều chuyên gia giỏi tham gia vào các tổ chức quốc tế thì sẽ có lợi ích rất lớn, vừa nâng cao vị thế, vừa bảo vệ được quyền, lợi ích của Việt Nam; tư vấn cho Chính phủ trong việc hội nhập quốc tế và giải quyết tranh chấp ngày càng nhiều...", Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nói.
Cũng tại đại hội, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc và các chuyên gia hàng đầu về luật quốc tế tại Việt Nam đã phát biểu, bày tỏ khao khát Việt Nam có được ngày càng nhiều hơn những chuyên gia thực sự về luật pháp quốc tế, về việc thu hút giới trẻ vào bảo vệ chủ quyền, bảo vệ lợi ích của đất nước trong một thế giới phẳng mà quốc gia nào có bản lĩnh sẽ chiến thắng.
Đại hội đã bầu ra 19 thành viên Ban chấp hành, đều là những gương mặt được kỳ vọng; và 3 thành viên Ban Kiểm tra.
Bình luận (0)