Tại hội thảo “Phát triển năng lực nghề nghiệp đội ngũ nhà giáo - thành quả và thách thức” do Bộ GD-ĐT tổ chức mới đây, ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GD-ĐT), cho biết Bộ GD-ĐT đang rà soát, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bồi dưỡng giáo viên.
Giáo viên tham gia lớp tập huấn, bồi dưỡng dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới |
tuệ nguyễn |
Theo đó, dự kiến trong năm 2022, Bộ sẽ sửa đổi Thông tư 19 về quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông theo định hướng loại bỏ các quy định về chứng chỉ.
Ông Phạm Tuấn Anh nêu thực tế: “Những năm qua, việc cấp chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên là vấn đề phức tạp, gây nhiều tranh cãi trong đội ngũ giáo viên. Thông thường, sau mỗi đợt bồi dưỡng, mỗi thầy cô sẽ được cấp một tờ chứng chỉ. Nhiều giáo viên cho biết, trong cuộc đời 30 năm công tác họ có đến 30 tờ chứng chỉ. Điều này có cần thiết không?".
Do vậy, ông Tuấn Anh nêu dự kiến: "Bộ GD-ĐT sẽ điều chỉnh những quy định này khi sửa Thông tư 19 và sẽ giao quyền cho địa phương trong việc công nhận kết quả bồi dưỡng thường xuyên. Việc công nhận theo hình thức nào là toàn quyền của địa phương”.
Về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, theo ông Tuấn Anh, các quy định của dự thảo đang được công bố lấy ý kiến công khai trên mạng, mỗi cấp học chỉ có một chứng chỉ nghề nghiệp và mỗi giáo viên chỉ cần một chứng chỉ bồi dưỡng tương đương với cấp học mình đang giảng dạy.
“Trước đây, mỗi cấp học giáo viên phải có 3 chứng chỉ bồi dưỡng thì dự kiến tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ tích hợp lại, mỗi cấp học chỉ còn một chương trình bồi dưỡng và một chứng chỉ. Cả đời thầy cô tham gia dạy học ở mỗi cấp học chỉ cần một chứng chỉ đó”, ông Tuấn Anh khẳng định.
Để tránh sự chồng chéo các nội dung bồi dưỡng, ông Tuấn Anh khẳng định, các chương trình bồi dưỡng thường xuyên sẽ được đồng bộ với chương trình bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Đồng thời, Bộ GD-ĐT sẽ rà soát lại các mô đun có nội dung cũ, lạc hậu và bổ sung những vấn đề mới.
Trước đó, cuối năm 2021, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã ban hành công văn số 5392 gửi các sở GD-ĐT về việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Theo đó, khi thực hiện bổ nhiệm, xếp lương đối với giáo viên mầm non, phổ thông chỉ yêu cầu mồi giáo viên có một chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Công văn nêu: Bộ GD-ĐT đang tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định về chứng chỉ bồi dương theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tại các thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, phổ thông công lập.
Đồng thời, xây dựng, ban hành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông để thay thế cho các chương trình bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hiện hành.
Vì vậy, trong thời gian này, Bộ GD-ĐT đề nghị các sở GD-ĐT cân nhắc việc tổ chức mới các lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp để bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 4 điều 1 và khoản 3 điều 2 Nghị định số 89/2021/NĐ-CP.
Các sở GD-ĐT cũng có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh, thành phố điều chỉnh phương án triển khai bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập cho phù hợp, bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ viên chức ngành giáo dục.
Bình luận (0)