Ca Lê Thắng đưa 'Mùa nước nổi' ra Hà Nội

11/12/2021 20:04 GMT+7

Họa sĩ Ca Lê Thắng, một người con của đất Nam bộ phóng khoáng, đã đưa Mùa nước nổi gồm loạt tranh mà ông sáng tác liên tục trong 10 năm trở lại đây đến với công chúng Hà Nội.

Triển lãm cá nhân Mùa nước nổi của họa sĩ Ca Lê Thắng diễn ra từ nay đến ngày 18.12 tại Art Space, Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội).

Theo họa sĩ Lý Trực Sơn, một triển lãm riêng của Ca Lê Thắng đã được chờ đợi từ rất lâu. Nhưng ông cứ nấn ná mãi có lẽ vì chưa hài lòng về những gì mình đã làm được.

Tác phẩm Mùa nước nổi 52 của Ca Lê Thắng

NVCC

Dưới con mắt của họa sĩ Lý Trực Sơn, trong đời sống Ca Lê Thắng là người khoáng đạt nhưng với học thuật và nghệ thuật thì ông khắt khe, duy lý và cầu toàn. Dùng dằng giữa hai thái cực lý trí và cảm hứng, giữa cái đã biết và cái cần khám phá, giữa tất định và mơ hồ là trạng thái lưỡng nan khó vượt thoát.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông nhìn nhận, thiên nhiên mùa lũ ở đồng bằng sông Cửu Long vừa là ngọn nguồn cảm hứng nghệ thuật vừa tạo ra các chủ đề thỏa mãn phương pháp kỹ thuật và quan niệm tạo hình của Ca Lê Thắng.

Tác phẩm Mùa nước nổi 54

NVCC

Trong 10 năm, series Mùa nước nổi có xấp xỉ 50 tác phẩm, nhiều bức khổ lớn vài mét vuông được vẽ liên tục, cho thấy Ca Lê Thắng đã tìm được ngôn ngữ hội họa tâm đắc để ông có thể duy trì mạch sáng tác không ngại bị lặp của mình.

Theo ông Thông, mặc dù hầu hết tác phẩm trong series Mùa nước nổi có phong cách biểu hiện bán trừu tượng nhưng phần lớn đều cung cấp ấn tượng đối diện trước thiên nhiên mênh mông, không gian rộng lớn, nhiều tính chuyển động tự nhiên và cảm xúc như lãng mạn thân thuộc, như cổ xưa xa vợi.

Tác phẩm Mùa nước nổi số 53

NVCC

“Ai xem mảng tranh này của ông cũng hào hứng và thán phục. Tôi không có ý phủ nhận những mảng tranh khác của ông mà chỉ muốn nhấn mạnh rằng mảng tranh chủ đề mùa nước nổi là thành công vượt bậc. Tôi cũng muốn nói rằng cùng với Nguyễn Sáng, Nguyễn Hải và Nguyễn Trung, Ca Lê Thắng là một nghệ sĩ tạo hình xuất sắc. Họ rất Nam bộ và rất Việt Nam”, họa sĩ Lý Trực Sơn bày tỏ.

Trong triển lãm lần này, bên cạnh khoảng 50 bức tranh đánh số cùng tên Mùa nước nổi là hàng chục tác phẩm đặt tên theo cảnh trí nông thôn như Cơn giông, Khói đốt đồng, Bên dòng kênh, Giữa đồng, Cánh diều… đều được thể hiện bằng phong cách bán trừu tượng.

Tác phẩm Mùa nước nổi 51

NVCC

Họa sĩ Ca Lê Thắng (72 tuổi) sinh ra tại Bến Tre. Ông theo gia đình tập kết ra Bắc năm 1955.

Ông theo học Trường cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam từ 1963 đến 1970. Ngay sau khi tốt nghiệp, ông được bổ nhiệm là giảng viên hệ trung cấp Trường cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam từ 1971 đến 1972. Sau đó, cũng tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, ông theo học hệ đại học từ 1972 đến 1976.

Sau ngày thống nhất, Ca Lê Thắng làm việc tại TP.HCM với vai trò giảng viên Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM từ 1976 đến 1988. Giai đoạn 1988 đến 2000, ông là Phó tổng thư ký thường trực Hội Mỹ thuật TP.HCM.

Năm 1974, tại Hà Nội, Ca Lê Thắng đã lần đầu tiên tham gia triển lãm mỹ thuật do Hội Văn nghệ Hà Nội tổ chức. Sau khi trở lại miền Nam, ông liên tục tham gia các triển lãm mỹ thuật nhiều quy mô ở trong và ngoài nước, đáng chú ý có: Triển lãm nhóm tranh trừu tượng (1992); Triển lãm Nhóm 10 người tại TP.HCM (Nguyễn Trung, Đào Minh Tri, Ca Lê Thắng, Nguyễn Tấn Cương, Đỗ Hoàng Tường, Trần Văn Thảo, Hứa Thanh Bình, Nguyễn Trung Tín, Vũ Hà Nam, Nguyễn Thanh Bình) liên tục các năm 1991, 1992, 1993, 1994, 1995; và một số triển lãm nhóm tại Singapore, Hàn Quốc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.