Tối 16.11, tại khu vực bờ Nam Sông Đốc, TT. Sông Đốc, UBND tỉnh Cà Mau long trọng tổ chức khánh thành công trình Cụm tượng đài Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954.
Dịp này, UBND Cà Mau vinh dự đón bằng công nhận từ Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch về việc bổ sung địa điểm tập kết ra Bắc cuối năm 1954, đầu năm 1955 tại bờ Nam Sông Đốc vào di tích lịch sử quốc gia Các địa điểm thuộc Xứ ủy Nam Bộ - Trung ương Cục miền Nam (giai đoạn cuối năm 1949 - 1955).
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Thành Ngại, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thông tin, 70 năm về trước, Bờ Nam Sông Đốc là nơi tập kết tàu chuyên chở hàng chục nghìn cán bộ, bộ đội, học sinh… các tỉnh miền Tây Nam bộ tập kết ra bắc, trong sự kiện tập kết 200 ngày đêm tại Cà Mau.
Sự kiện tập kết năm 1954 được xem là cuộc chuyển dịch lực lượng có ý nghĩa to lớn, đưa cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam ra miền Bắc lao động, học tập, nhằm đào tạo cán bộ cho cách mạng miền Nam, đưa miền bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Tham gia những chuyến tàu tập kết có những đồng chí sau này trở thành lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.
Ghi nhớ lại sự kiện lịch sử năm xưa và để đáp ứng kỳ vọng, mong mỏi của các bậc lão thành cách mạng, góp phần giáo dục thế hệ trẻ mai sau về truyền thống cách mạng của cha, ông, đầu năm 2024, tỉnh Cà Mau quyết định đầu tư công trình Cụm tượng đài Chuyến tàu tập kết ra Bắc 1954, ngay tại địa điểm chuyển quân lên tàu khi xưa.
Công trình Cụm tượng đài chuyến tàu tập kết ra Bắc có quy mô xây dựng trên diện tích hơn 10 ha, tổng vốn đầu tư gần 200 tỉ đồng bằng nhiều nguồn vốn khác nhau và xã hội hoá. Đây cũng là một trong những công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ 17, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Cụm công trình bao gồm nhiều hạng mục, như tượng đài (hình tượng cách điệu chiếc tàu dài 25 m, cao 10,5 m, rộng 8,5 m cùng các bức phù điêu hai bên thân tàu); khu vực tổ chức sự kiện, cầu cạn, đường giao thông đấu nối vào tượng đài và hệ thống hạ tầng kỹ thuật liên quan; kết hợp các dự án kè bảo vệ bờ biển, cảng thủy nội địa để phục vụ vận chuyển hành khách và hàng hóa.
Ông Phạm Thành Ngại đề nghị chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan có kế hoạch quản lý, bảo vệ tốt cụm tượng đài và di tích lịch sử Quốc gia vừa được công nhận, xem đây là một trong những "địa chỉ đỏ" để giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ; đồng thời là nơi tham quan, học tập, sinh hoạt truyền thống cho mọi tầng lớp nhân dân…
Bình luận (0)