Và đó chính là chủ đề được nhà văn người Na Uy Linni Ingemundsen tái hiện một cách đặc biệt trong cuốn tiểu thuyết Chỉ một giữa một trăm ngàn người do Trương Hoàng Uyên Phương dịch, NXB Trẻ vừa cho ra mắt.
Cuốn sách đứng từ góc nhìn của Sander 15 tuổi để kể về trải nghiệm độc nhất nhưng cũng độc đáo của bản thân mình. Ở tác phẩm này, Ingemundsen đã đưa ra cho mình một lựa chọn tương đối khó khăn, khi tuổi thanh thiếu niên vừa dễ lại cũng vừa khó tái hiện thành công.
Dễ vì họ đứng giữa hai giai đoạn không còn là trẻ con nhưng cũng chưa hẳn đã thành người lớn. Tác giả cho thấy mình đã thành công khi mang đến rất nhiều tiếng cười trong tác phẩm này bởi sự bốc đồng, hiếu thắng của các nhân vật ở một độ tuổi đặc biệt.
Chẳng hạn ở buổi tiệc hóa trang Halloween, hành động uống say bí tỉ rồi nằm ngật ngưỡng, từ đó có biệt danh "công chúa ngủ trong rừng" của Sander khiến cho người đọc thấy rất hài hước. Hoặc đó cũng là những diễn biến tâm trạng của cậu, khi thấy mối tình "gà bông" đã bị cướp mất bởi người bạn thân...
Nhưng đồng thời để nắm bắt được những cảm xúc này cũng là một việc tương đối khó khăn, bởi độ tuổi này có sự thay đổi về mặt tâm lý liên tục, khi thì tự tin, khi thì xấu hổ, chỉ mới phút trước đã rất hãnh diện với bản thân mình, nhưng ngay sau đó đã không còn đủ tinh thần làm được điều gì... Và đối với một nhân vật đặc biệt như Sander, thì những điều này càng rõ ràng hơn.
Ta thấy ở đó là sự dằn vặt, khi cậu gần như nhỏ thó giữa một biển người đều cao và lớn hơn cậu. Cậu sợ rất nhiều nỗi sợ mang tính hiện sinh dù chỉ mới tuổi 15, như sợ sẽ sống trong nỗi cô độc, vì mình thấp bé và sẽ không có bạn gái.
Ở giai đoạn vị thành niên, cậu cũng thấy mình ghen tị với những hình tượng mà các bạn gái trong trường yêu thích. Trong tác phẩm này, Ingemundsen đã thành công xây dựng cậu bạn Niklas đẹp trai và "ngầu" như một đối trọng, từ đó khai thác được nhiều khía cạnh của nhân vật này.
Nhưng cũng từ sự nhạy cảm ấy, Sander tìm thấy ý nghĩa của những việc làm hay niềm đam mê của bản thân mình. Qua cuốn sách, tác giả cũng đã thành công gửi gắm thông điệp về sự phù hợp mang đến hạnh phúc, niềm vui. Rằng có là ai trong cuộc đời này thì chính chúng ta cũng đều quý giá, và luôn có những vị trí phù hợp với mình nếu ta kiên trì không ngừng tìm kiếm.
Với Sander, đó là thú vui nhiếp ảnh và quan sát con người. Thông qua những lần học hỏi với ông Vermund vốn được cư dân gần đó gọi là lão điên chỉ vì tách biệt, thế giới quan của cậu đã được mở rộng, từ đó mà mọi vật chất bỗng khoác lên mình một ý nghĩa riêng.
Như cậu so sánh, dù máy chụp ảnh hiện đại tiện lợi và rất hợp thời, nhưng máy ảnh analog cũng có những ý nghĩa riêng. Khi dùng nó ta phải cân nhắc ánh sáng, góc độ và bố cục trước khi nhấn nút, bởi vì nếu không sẽ rất phí phạm phim chụp.
Ngoài ra dùng loại máy này ta cũng không thể biết được liệu bức ảnh cho ra có đẹp hay không, và phải tận khi rửa ảnh thì mới biết được. Chính sự chờ đợi trong quá trình ấy cũng có một ý nghĩa riêng, mang đến bài học về sự kiên nhẫn.
Ẩn dụ chiếc máy ảnh của Ingemundsen cũng chính là góc nhìn của con người. Nó cần thời gian để hoàn chỉnh những khía cạnh khác nhau, từ đó hoàn thiện thêm con người mình, dù ta có là cá thể đặc biệt trong trăm ngàn người.
Ngoài ra, về nghệ thuật viết, tác giả cũng rất biết cách duy trì mạch truyện bằng câu chuyện kịch tính sau cuối, khiến cho người đọc – giống như nhận xét của The Book Brothers – "thật lòng yêu thích" và "không thể ngừng lật trang trong sự hồi hợp".
Bình luận (0)