Chuyện “trời ơi” nhất về điều này là về những đơn thuốc “trời ơi” đặc trị Covid-19 lan truyền trên mạng. Bỗng dưng một loại kháng sinh thông thường như Erythomyxin chẳng có tác dụng gì với vi rút lại trở thành loại thuốc nhiều người đổ xô mua dự trữ phòng Covid-19 khiến giới chuyên môn phải “té ngửa”. Hay chuyện nhiều người đổ xô mua thuốc sốt rét (quen được gọi là thuốc ký ninh) để uống phòng dịch Covid-19. Đến mức, có người dính ngộ độc nặng vì uống 15 viên ký ninh để phòng Covid-19, phải nhập viện cấp cứu rửa ruột. Thật đau lòng khi nghe lời giải thích của nạn nhân: nghe theo mách bảo trên mạng.
Đó là mới nói đến hậu quả trực tiếp với cá nhân người ngây thơ tin vào thông tin không rõ nguồn gốc, không xác thực trên mạng. Còn phải tính đến tác động tiêu cực đến xã hội nữa. Thuốc sốt rét bỗng dưng “cháy hàng”, ghim hàng đội giá. Mà có phải chỉ thuốc không đâu. Sự cả tin vào thông tin trôi nổi trên mạng khiến nhiều người rối loạn quyết định về sinh tồn. Họ gần như ngay lập tức lao vào chen lấn, giành giựt một thứ hàng hóa gì đó, kiểu như giấy vệ sinh, mà họ cho là sẽ quyết định đến sinh tồn của mình, bất chấp sự cân nhắc về giá trị thực tế của điều đó.
Sự rối loạn quyết định về sinh tồn ở những người cả tin như thế đã gây áp lực lên năng lực cung ứng của xã hội và tạo ra khủng hoảng thị trường khiến chính phủ và những người dân khác phải trả giá đắt. Sau một đêm, hàng hóa trên kệ siêu thị bỗng dưng bị vơ vét sạch sẽ, gây cảm giác như thể ngày tận thế hay nạn đói đã ở kề bên chỉ vì một vài thông tin bị đồn thổi quá mức về kiểm soát dịch bệnh.
Chúng ta có bao giờ đặt câu hỏi, do đâu mà kẻ xấu lại có nhiều cơ hội đến thế để dùng tin giả thao túng nỗi sợ hãi của người dân và “thiết kế” được những rối loạn xã hội có chủ đích nhằm trục lợi?
Là do mỗi chúng ta, bình thường không chịu dành lấy một chút mảy may để tâm nào đến những chỉ dẫn tưởng là vô bổ nhưng thật ra cực kỳ hữu ích để giúp mình không mắc sai lầm ngớ ngẩn khi ra quyết định quan trọng đến công việc, sức khỏe, tài sản và mạng sống của mình. Chí ít là quan tâm đến hai chỉ dẫn cơ bản.
Chỉ dẫn 1, là nhìn vào địa chỉ website mình đang truy cập, để tự cảnh giác là trang web đó có đáng tin cậy hay không?
Chỉ dẫn 2, luôn đặt câu hỏi về mức độ đáng tin cậy của nguồn phát ra thông tin. Chí ít là dựa vào hai câu hỏi: Ai nói điều này? Họ có là người để ta tin cậy trong chủ đề này không?
Đừng tin huấn luyện viên bóng đá nổi tiếng về thuốc đặc trị Covid-19 bạn nhé! “Việc người nổi tiếng nói ra ý kiến (về Covid-19) chẳng quan trọng gì cả”, đúng như huấn luyện viên nổi tiếng hiện nay của Liverpool trả lời khi được hỏi về Covid-19.
Bình luận (0)