Theo CNN, câu trả lời nằm ở Permian Basin, hãng sản xuất dầu WTI và có khả năng kiếm lời ngay cả khi giá dầu thấp.
Khi giá dầu vừa tăng gấp đôi từ mức thấp hồi tháng 2, câu hỏi then chốt là liệu Permian Basin có tích cực bơm dầu một lần nữa hay không. Đó là những gì xảy ra hồi đầu năm 2015, khi giá cả vừa phục hồi một chút. Lượng dầu được bơm thêm khiến nguồn cung sưng phồng và cuối cùng đẩy giá giảm xuống mức đáy 13 năm, tức 26 USD/thùng.
CEO hãng EOG Resources, ông William Thomas, tin rằng ngành công nghiệp dầu khí Mỹ hoạt động “có kỷ luật” hơn nhiều trong năm nay sau khi học được từ kinh nghiệm năm ngoái. Song ông Thomas cũng lo lắng về việc kịch bản lặp lại.
“Ngành công nghiệp của chúng tôi có một thói xấu là phá hoại vốn. Chúng ta cần mức tăng trưởng vừa phải của dầu thô ở Mỹ. Chúng ta không cần tăng trưởng đến mức 1 triệu thùng/ngày”, ông Thomas nhận định tại hội nghị Sanford Bernstein hồi tuần trước.
Có các dấu hiệu cho thấy nhiều doanh nghiệp dầu Mỹ đang sẵn sàng để trở lại. Tuần trước, hãng Baker Hughes cho biết số lượng giàn khoan Mỹ đã tăng thêm 9, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 12.2015. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ước tính sản lượng dầu nước này tăng 10.000 thùng/ngày cũng trong tuần qua.
Các số liệu trên hợp lý, vì giá dầu hiện ở quanh mốc mà một số nhà điều hành năng lượng từng cho hay là dấu hiệu cần thiết để họ bơm dầu trở lại. Tháng trước, CEO RSP Permian, ông Steven Gray, cho biết thùng dầu giá 45 USD là mốc để các nhà sản xuất suy nghĩ về việc khởi động một giàn khoan.
Tương tự, Pioneer Natural Resources dự kiến bổ sung từ 5-10 giàn khoan khi giá dầu phục hồi đến khoảng 50 USD/thùng - cột mốc quan trọng mà dầu vừa đi qua cuối tháng 5. Công ty Occidental Petroleum thì nâng mục tiêu sản lượng của họ hôm 5.5.
“Chúng tôi tin rằng thế giới sẽ tiếp tục cần dầu. Khi thị trường cần tăng trưởng sản xuất, họ nhìn vào hãng Permian và chúng tôi sẽ sẵn sàng”, CEO Occidental Petroleum Vicki Hollub nói.
Những nhà sản xuất khác, chẳng hạn như EOG Resources, thì phát tín hiệu họ sẽ chờ đợi đến mức giá “bền vững” là 60 - 65 USD/thùng rồi mới vào cuộc. Chuyên gia Brian Youngberg tại hãng Edward Jones cho biết: “Hầu hết các doanh nghiệp sẽ tỏ ra khá dè dặt. Tôi không nghĩ là họ muốn bắt đầu bơm mạnh, để rồi thấy giá dầu giảm và phải bơm ít lại. Chúng ta đã có khởi đầu sai lầm hồi năm ngoái”.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần có thời gian để đưa thêm vào giàn khoan mới, vì các hoạt động như xin giấy phép, đưa giàn khoan vào vị trí, khoan, hoàn thành giếng dầu... Quá trình này có thể mất 3 hoặc 6 tháng.
Song ngoài việc lắp thêm giàn khoan, các hãng dầu có thể thúc đẩy sản xuất bằng cách khai thác các giếng khoan bị bỏ dở. Vì hầu hết hoạt động khởi động đã hoàn thành, các giếng dầu này có thể “thức giấc” nhanh chóng trong vài tháng. Theo Bloomberg Intelligence, có từ 3.800 đến 4.000 giếng khoan loại này đang chờ được “đánh thức”.
Nhà sản xuất Whiting Petroleum gần đây cho hay họ sẽ bắt đầu khai thác 100 giếng dầu dang dở nếu giá cả có thể ở 50 USD/thùng. Chuyên gia John LaForge tại ngân hàng Wells Fargo cảnh báo rằng nếu dầu chạm mốc 60 USD/thùng, nó sẽ kích hoạt toàn bộ hoạt động bơm dầu và giá cả sẽ về lại dưới 45 USD/thùng vào cuối năm 2016.
Bình luận (0)