Các nước châu Á sẽ già trước khi kịp giàu

21/04/2017 11:23 GMT+7

Nhiều chuyên gia kinh tế cho hay dân số châu Á sẽ già đi với tốc độ nhanh nhất thế giới trong nhiều thập niên tới.

Theo CNBC, điều này làm dấy lên lo ngại rằng tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi như Thái Lan, Trung Quốc sẽ chững lại trước khi kịp bước sang mức thu nhập cao. Các chuyên gia cho hay xu hướng này nếu tiếp tục sẽ thực sự làm căng thẳng tình hình tài chính công, hạn chế khả năng đưa ra các hệ thống cần thiết, chẳng hạn như lương hưu, của chính phủ để phục vụ số người cao niên ngày càng tăng.
Các nhà kinh tế của ngân hàng Standard Chartered cho biết tốc độ già hóa dân số sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc và Thái Lan đến năm 2020, Singapore đến năm 2025. Việc này sẽ xảy ra trước khi Trung Quốc dự kiến chuyển đổi thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2026 và Thái Lan vào năm 2040.
Báo cáo của Standard Chartered viết: “Già trước khi giàu là một trong những thách thức cấu trúc về trung hạn lớn nhất của các nước đang phát triển ở châu Á và Mỹ La tinh. Lý do chính khiến các quốc gia có thu nhập trung bình lo ngại điều này là vì nó có thể hạn chế khả năng họ bước vào nhóm các nước phát triển hưởng thu nhập cao. Nhân khẩu học không thuận lợi có thể hạ tốc độ tăng trưởng GDP tiềm năng, cản trở sự phát triển. Lão hóa ảnh hưởng đến khả năng sản xuất, tiêu dùng và đầu tư của người dân”.
Đối tác kiêm giám đốc đầu tư Andy Seaman của hãng Stratton Street Capital thì nhận định sức tăng trưởng chóng mặt của chi tiêu xã hội cùng nguồn thu từ thuế sụt giảm ngày càng cấp bách đối với các nước muốn tăng cường vị thế tài chính. “Nợ là rủi ro lớn với các nước có dân số đang già đi. Khi số dân trong độ tuổi lao động bắt đầu giảm, gánh nặng nợ cần được trả đặt lên vai ít người hơn”.
Nhiều nước đã và đang cố gắng mở rộng lực lượng lao động thông qua các biện pháp như tăng số phụ nữ đi làm hoặc tăng độ tuổi nghỉ hưu. Nhiều quốc gia như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đầu tư nâng cao kỹ năng cho người cao tuổi, triển khai công nghệ để kéo cao năng suất.
Dù vậy, những biện pháp trên chủ yếu phổ biến ở các nền kinh tế tiên tiến châu Á. Việc các chính phủ cần tăng nguồn thu đồng nghĩa với việc họ phải áp thuế cao hơn lên số dân trong độ tuổi lao động đang sụt giảm, hoặc mở rộng cơ sở thuế. Chris Woo, chuyên gia về thuế tại PwC Singapore nhận định: “Không có nước nào được tán dương vì đáp ứng được nhu cầu của dân số già trong khi thu thuế thấp. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hiện tại, xu hướng cải cách thuế ở các nền kinh tế chủ chốt hiện tập trung vào việc hạ thuế thu nhập. Dù vậy, nhu cầu xã hội, chăm sóc y tế vẫn cần được đáp ứng”.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) trong báo cáo năm 2015 từng gợi ý các nước chú ý vào nền kinh tế kỹ thuật số. Tháng 10.2016, New Zealand áp thuế hàng hóa và dịch vụ lên dịch vụ kỹ thuật số, trong khi Đài Loan và Úc cũng theo chân nước này từ năm nay. Dù vậy, việc thực hiện khoản thuế như trên có thể rất phức tạp, đặc biệt là trong môi trường các nền kinh tế đang phát triển, nơi khả năng thực thi quy định thuế còn hạn chế và tỷ lệ tuân thủ nghĩa vụ thuế của người dân còn thấp.
Các nước châu Á cũng dần cạn thời gian khi mức tăng dân số cao niên của họ đi lên. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính Trung Quốc và Singapore mất 25 năm để chuyển mình từ xã hội “đang già” sang xã hội “già”, vốn được định nghĩa là có từ 14-20% dân số trên 65 tuổi. Ở Thái Lan và Hàn Quốc, sự chuyển đổi trên chỉ mất 20 năm. Trong khi đó, Anh mất 45 năm để có dân số già, còn Mỹ và Pháp thì mất lần lượt 69 năm và 115 năm.
Hệ thống hưu trí toàn quốc của Đại lục có thể thâm hụt từ năm 2030, ở Thái Lan từ năm 2041. Đến lúc đó, hệ thống hưu trí ở Việt Nam và Hàn Quốc cũng thâm hụt nhưng với mức thấp hơn.

tin liên quan

Người già Nhật Bản 'ham' vào tù
Nhật Bản đang đối mặt tình trạng nhiều người cao tuổi cố tình phạm tội để được vào tù, nhằm “trốn” đời sống khó khăn và cô đơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.