Đi Thái Lan hoặc thật xa
6 giờ 30 sáng 8.2, đoàn 59 khách du lịch Thái Lan của Công ty TST Tourist đã đồng loạt xuất phát từ hai đầu khởi hành TP.HCM và Hà Nội. Ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông - Marketing của TST Tourist, cho biết do ảnh hưởng của dịch viêm phổi do vi rút Corona chủng mới (nCoV), nhiều khách có tâm lý sợ đi du lịch. Tuy nhiên vẫn có người chủ động tìm hiểu cách phòng chống dịch bệnh và thực hiện các chuyến xuất ngoại đầu năm theo lịch trình đã lên sẵn. Theo ông Mẫn, đối với các điểm đến như Trung Quốc, Hồng Kông, Macau, Đài Loan, TST đã chủ động hủy tour nhưng vẫn thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh. Các tour đến Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Mỹ, Úc... vẫn triển khai do có cập nhật tình hình từ đối tác, lãnh sự, tổng cục du lịch các nước. Trong đó, Thái Lan vẫn là một trong những thị trường được ưa thích trong danh sách các điểm đến khai xuân đầu năm của khách Việt.
Cơ cấu điểm đến ở Vietravel cũng cho thấy, Thái Lan vẫn đứng đầu danh sách các điểm đến mùa đầu năm của du khách Việt, sau đó tới Nhật Bản, châu Âu, Mỹ. Theo đại diện Vietravel, dịp Tết Nguyên đán là một trong 2 mùa du lịch cao điểm nhất trong năm. Những năm qua, tận dụng những ngày nghỉ, các gia đình cùng nhau đăng ký đi du xuân rất nhiều. Năm nay, khách Việt đi du lịch Trung Quốc “đóng băng” hoàn toàn. Các thị trường khác, kể cả trong nước số lượng khách liên hệ hủy tour cũng khá nhiều, đỉnh điểm là giai đoạn từ 30 tết đến mùng 8 tết. Tuy nhiên đến nay, thông tin về dịch nCoV được cập nhật liên tục trên các phương tiện truyền thông, người dân cũng đã có cách nhìn, hiểu đúng hơn về loại vi rút này nên đã phần nào an tâm và biết cách tự phòng bệnh cho bản thân và gia đình. Hiện tại, tình hình hủy tour tại Vietravel đã “hạ nhiệt” hơn so với thời điểm trong tết. Đa số du khách gọi điện đến hỏi về trường hợp dời tour nhiều hơn.
“Đối với thị trường tour nước ngoài, Vietravel liên tục cập nhật thông tin từ tổng cục du lịch các nước và an tâm hơn vì hầu hết các quốc gia đều đưa ra khuyến cáo không cho du khách đến từ Trung Quốc hoặc quá cảnh tại Trung Quốc nhập cảnh vào nước họ để đảm bảo an toàn. Đồng thời, tại mỗi quốc gia đều có biện pháp kiểm soát và phòng bệnh đến mức tối đa cho người dân và du khách. Hiện tại, các điểm đến có khí hậu ấm áp và trong lành như Bhutan, Phuket (Thái Lan), Sri Lanka, Maldives, Dubai, Ấn Độ, Kenya, Morocco, Perth (Úc), New Zealand, Canada, châu Âu là sự lựa chọn an toàn và tuyệt vời. Đây chính là thời điểm thích hợp cho người thích du lịch nhưng e ngại chốn đông người. Đi vào dịp này, du khách có thể tự do, thoải mái chiêm ngưỡng những điểm đến, phong cảnh đẹp mà trước đây luôn đông đúc. Đặc biệt, giá tour cũng sẽ tốt hơn rất nhiều vì các đơn vị lữ hành, nhà hàng, khách sạn, hàng không chuẩn bị cùng bắt tay nhau để kích cầu thị trường du lịch trở lại”, đại diện Vietravel thông tin.
Kích cầu du lịch để vực dậy
Dù các công ty lữ hành đã nỗ lực nhưng số lượng hành khách “dám” đi du lịch trong thời gian này rất hạn chế. Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc tiếp thị và truyền thông của Lữ hành Fiditour, cho hay công ty đã hủy hết tuyến Trung Quốc, còn lại một số tuyến châu Á cũng bị ảnh hưởng, đặc biệt là Đài Loan. Việc chuyển tour, hủy tour cộng với lượng khách giảm do dịch bệnh khiến doanh nghiệp (DN) này ước tính thiệt hại vài chục tỉ đồng. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều DN du lịch sau khi dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát tại Trung Quốc và lan sang nhiều quốc gia khác. Nhiều công ty đã khuyến khích nhân viên nghỉ việc không lương hoặc đang rục rịch thay đổi chính sách lương.
Ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc Lữ hành Fiditour, chia sẻ tùy tình hình diễn biến thực tế, Fiditour sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng và các đối tác liên quan để có thiết kế sản phẩm có điểm đến, thời gian phù hợp và đảm bảo an toàn cho du khách, tập trung vào các thị trường thế mạnh là châu Âu, Mỹ, Úc, MICE nội địa... DN này kỳ vọng có thể xoay chuyển sản phẩm và thị trường nhanh chóng, linh hoạt, tăng cường các giá trị tiện ích, trong đó ưu tiên hàng đầu là sự an toàn của du khách. Bên cạnh đó, đây cũng là khoảng thời gian để DN tập trung đào tạo nhân sự, bồi dưỡng chuyên môn, nâng cấp quy trình quản lý chất lượng và tiếp tục ứng dụng công nghệ 4.0 vào các hoạt động của công ty. “Lữ hành Fiditour đề xuất kiến nghị nhà nước hỗ trợ giảm thuế VAT trong giai đoạn này, ít nhất là hết quý 1/2020. Kiến nghị các cơ quan quản lý du lịch có kế hoạch kích cầu du lịch nội địa và thu hút khách quốc tế ở các thị trường khách an toàn vào Việt Nam và tăng cường các chính sách về kinh tế, quảng bá, liên kết ngành... để hỗ trợ các DN du lịch vượt qua giai đoạn khó khăn này”, ông Dũng đề xuất.
Theo PGS-TS Võ Thị Ngọc Thúy, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, Sở vẫn tổ chức một số hoạt động, công tác quảng bá, truyền thông, xúc tiến theo hình thức online và đẩy những thông tin tốt liên quan đến ngành y tế để truyền thông, du khách quốc tế thấy được TP.HCM cũng như Việt Nam là nơi chống dịch rất tốt. Đây cũng là cơ hội để các DN có thời gian làm mới, đánh giá lại quy trình sản phẩm, cùng phối hợp toàn ngành để có những chiến dịch truyền thông mạnh mẽ trở lại, sau khi đẩy lùi được dịch bệnh.
|
Bình luận (0)