F0 cộng đồng tăng vọt
Trong tuần qua, nhiều tỉnh thành phía nam và cả phía bắc có động thái siết chặt các hoạt động, sau khi ghi nhận ca cộng đồng không rõ nguồn lây tăng cao liên tục. Trước tình hình ca nhiễm Covid-19 có xu hướng tăng trong những ngày gần đây, UBND TP.HCM ngày 23.11 ra văn bản khẩn, yêu cầu các sở ngành và quận huyện tăng cường các biện pháp phòng dịch, kiểm soát chặt “di biến động dân cư”, nắm chắc người ra vào địa bàn, người có nguy cơ ở địa phương, doanh nghiệp như tài xế, phụ xe liên tỉnh, người về lưu trú...
Mạnh tay hơn TP.HCM, nhiều tỉnh phía nam siết chặt nhiều hoạt động cộng đồng do F0 tăng cao. Từ ngày 21.11, Bạc Liêu đưa ra hàng loạt biện pháp siết chặt lại hoạt động, như yêu cầu người dân không ra khỏi nhà từ 20 giờ hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau. Những đối tượng được ra khỏi nhà là người đã khỏi Covid-19 trong 6 tháng, tiêm đủ 2 liều vắc xin, người đi tiêm vắc xin. Hàng quán cũng dừng bán tại chỗ, chỉ bán mang về, hàng loạt các hoạt động vũ trường, spa, cắt tóc... đều đóng cửa. Đáng chú ý, từ đầu tháng 11, Bạc Liêu thiết lập trở lại hàng loạt chốt vùng đỏ để kiểm soát người và phương tiện ra vào địa bàn.
Bến xe tại Hà Nội vắng tanh, lượng khách di chuyển liên tỉnh chỉ vài khách mỗi chuyến |
Nam Khánh |
Tại Hậu Giang, sau nhiều ngày ghi nhận ca nhiễm tăng liên tục, từ 30.10, tỉnh cũng đã có công văn khẩn yêu cầu lập các chốt kiểm soát nội tỉnh để kiểm soát người và phương tiện trên địa bàn. Tại phía bắc, sau hàng loạt ca cộng đồng không rõ nguồn lây, tỉnh Bắc Ninh ngày 22.11 cũng đã yêu cầu tạm dừng hàng loạt hoạt động dịch vụ; yêu cầu người dân không ra ngoài từ 21 giờ hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau, trừ những trường hợp thiết yếu phải có thẻ nhân viên, giấy xác nhận của cơ quan...
Ngày 26.11: Cả nước 13.109 ca Covid-19, 12.368 ca khỏi | TP.HCM 1.809 ca |
Xe khách liên tỉnh èo uột
Khấp khởi chờ ngày được hoạt động lại, song sau khi mở cửa lại xe khách liên tỉnh cách đây hơn 1 tháng, nhiều nhà xe chỉ chạy được vài ngày lại phải dừng hoạt động, do không có khách hoặc địa phương ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 tăng cao.
Theo ông Đoàn Thế Xuyên, Giám đốc Công ty TNHH Phúc Xuyên, trước dịch, doanh nghiệp này có nhiều tuyến hoạt động như Hà Nội - Lào Cai (Sa Pa), Hà Nội - Quảng Ninh hay Thanh Hóa - Vinh, song hiện tại chỉ còn duy trì tuyến Hà Nội - Lào Cai. Dù vậy, ngay cả tuyến duy nhất này, tần suất hoạt động cũng chỉ mới khôi phục được khoảng 15% trước dịch.
“Khách rất ít nên nhiều tuyến mới mở ra vài ngày đã phải đóng. Hoạt động vận tải liên tỉnh còn phụ thuộc vào cấp độ dịch của các địa phương, nếu địa phương đang nằm trong vùng đỏ hoặc cam thì lại đóng tuyến. Như tuyến đi Quảng Ninh, TP.Uông Bí chuyển từ màu xanh sang vàng nên phải dừng hoạt động vận tải liên tỉnh. Xe khách chạy hầu như chỉ vài người mỗi chuyến nên càng chạy càng lỗ”, ông Xuyên cho biết.
Tương tự, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP vận tải và thương mại dịch vụ Đất Cảng, thông tin sau khi được chạy trở lại, hãng xe này đã lên phương án chạy 12 xe tuyến Hà Nội - Hải Phòng, nhưng cũng chỉ được vài ngày lại phải dừng hoạt động vì không có khách. Chi phí xe từ Hà Nội đi Hải Phòng và ngược lại mất 700.000 đồng phí cao tốc, xăng dầu 1,5 triệu đồng, nếu chỉ có 10 khách thì không thể đủ chi phí này, chưa kể lương lái xe, lãi vay ngân hàng, khấu hao tài sản...
Hiện một số địa phương như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bình Phước, Kiên Giang, Quảng Nam vẫn đang tạm dừng vận tải khách liên tỉnh, do dịch bùng phát mạnh, cấp độ dịch chuyển sang màu cam hoặc đỏ tại một số khu vực trong địa bàn. Ngoài ra, một số sở GTVT các tỉnh đã yêu cầu tạm dừng một số tuyến đến các địa bàn vùng dịch, như Thái Bình dừng xe khách từ tỉnh này đến Hưng Yên, Hà Giang và một số địa bàn tỉnh Phú Thọ do các địa phương này chuyển cấp độ dịch.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, thừa nhận sau hơn 1 tháng hoạt động lại, vận tải khách liên tỉnh vẫn rất èo uột, nhu cầu đi lại rất thấp, người dân dè dặt khi di chuyển liên tỉnh do lo ngại dịch bệnh.
“Theo thống kê, các tuyến liên tỉnh chỉ mới hoạt động trở lại khoảng 5 - 10% tần suất so với trước dịch, nhưng số lượng trên mỗi chuyến xe cũng chỉ 5 - 7 người, thu không đủ chi. Các nhà xe sau một thời gian ngắn thấy khách không tăng lên cũng đã giảm số lượng xe và tạm ngưng để chờ hoạt động vận tải xem có khá lên không, nhất là giai đoạn tết sắp tới và khi học sinh, sinh viên đi học trở lại. Nhưng nhìn chung, vận tải khách phục hồi rất chậm, không được như kỳ vọng”, ông Quyền cho biết.
Hà Nội yêu cầu kiểm soát chặt biến động dân cư, người ra vào thành phố |
Vận tải hàng hóa phập phồng lo
Vận tải hàng hóa hiện vẫn hoạt động cơ bản ổn định, song các doanh nghiệp cũng rất lo lắng tái diễn tình trạng “ngăn sông cấm chợ” của một số địa phương trước đây.
Theo đại tá Phạm Văn Tải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP vận tải bộ Tân Cảng (TP.HCM), hoạt động vận tải hàng hóa đã cơ bản ổn định so với đợt cao điểm dịch bệnh phía nam. “Giai đoạn cao điểm dịch trước, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn khi thời gian di chuyển kéo dài, chi phí gia tăng, chưa kể các thủ tục như giấy đi đường đến tỉnh này thì đồng ý tỉnh kia không cho vào, bắt test lại khiến lái xe rất vất vả”, ông Tải nói.
Hiện doanh nghiệp này vận chuyển container hàng đi các tỉnh miền Đông Nam bộ, miền Trung ra đến Nha Trang, Khánh Hòa. Để đảm bảo phòng chống dịch, người lao động đều được tiêm đủ 2 mũi vắc xin, tuân thủ 5K. “Phải quan tâm đến phục hồi kinh tế, không nên phong tỏa diện rộng để các hoạt động khác vẫn diễn ra bình thường. Trong trường hợp phát sinh liên tiếp các ca nhiễm mới thì khoanh vùng hẹp, điều trị ngay. Chúng tôi cũng mong muốn sau vài tháng nữa sẽ được tiêm thêm mũi tăng cường cho người lao động, không chỉ an tâm cho tài xế mà các địa phương cũng không lo ngại. Như doanh nghiệp cũng có trường hợp tiêm đủ 2 mũi vắc xin nhiễm Covid-19 nhưng triệu chứng rất nhẹ, hồi phục nhanh”, ông Tải cho biết.
Cũng theo lãnh đạo Công ty CP vận tải bộ Tân Cảng, doanh nghiệp đang phấn đấu tăng tốc vào cuối năm và quý 1/2022 để bù đắp sản lượng doanh thu bị sụt giảm do dịch. Giai đoạn dịch bị giảm 50% doanh thu, hiện đã tăng, lấy lại được 30%, nhưng nếu lưu thông liên tỉnh bị trục trặc lại thì quá khó khăn cho doanh nghiệp.
Về phía doanh nghiệp sản xuất, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu của Tổng công ty dệt may Bắc Giang (LGG), cho biết doanh nghiệp này chuyên cung ứng hàng may mặc cho nhiều khách hàng lớn như GAP, Walmart, Vals. Cao điểm dịch đợt thứ 4, khi nhiều địa phương đóng cửa giãn cách, thiệt hại nhiều, quá nhiều chi phí tăng thêm, trong khi bị trượt giao hàng nhiều, có những đơn bị phạt quá hạn phải trả tiền. Thời điểm tháng 8, 9, nhiều đơn hàng xuất khẩu cũng như nhập khẩu về thường xuyên chậm tới 10 ngày, nửa tháng; ngay cả khi hàng đã về tới cảng vận chuyển về doanh nghiệp sản xuất cũng mất rất nhiều thời gian do các quy định kiểm soát dịch phức tạp tại các địa phương.
“Hiện hàng xuất khẩu đã ổn định, nhưng nguyên phụ liệu nhập khẩu vẫn tắc. Một số lô hàng nhập từ Trung Quốc bị kéo dài 7 - 10 ngày. Chúng tôi chỉ mong được ổn định sản xuất trong điều kiện bình thường mới. Dịch đang phức tạp, các tỉnh phía bắc đều có ca bệnh mới, nhưng hy vọng các tỉnh sẽ làm đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, thích ứng linh hoạt, F0 tới đâu thì khoanh vùng chặt tới đó, không đóng cửa như trước đây nữa. Nếu không, doanh nghiệp sẽ phải chịu thiệt hại rất lớn”, bà Hương chia sẻ.
Dù vận tải liên tỉnh đã khôi phục, song theo phản ánh của các doanh nghiệp vận tải, lượng khách đi lại rất ít, chủ yếu người dân còn mắc kẹt do ở các vùng dịch trở về sau thời gian thực hiện giãn cách. Chúng tôi đã báo cáo Bộ GTVT kiến nghị Bộ Y tế chỉ đạo các sở y tế địa phương đánh giá kịp thời cấp độ dịch đến cấp phường, xã, thôn và đăng công khai để các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe tiện tra cứu. Ngoài ra, để duy trì hoạt động vận tải không đứt gãy, đảm bảo an toàn phòng chống dịch, Tổng cục Đường bộ cũng đề nghị các địa phương có kế hoạch tiếp tục phân bổ vắc xin và khẩn trương tiêm cho lái xe, nhân viên phục vụ..., tránh đứt gãy vận chuyển liên tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền(Tổng cục phó Tổng cục Đường bộ)
Bình luận (0)