Cách đối phó với tội phạm cướp giật cuối năm

30/12/2019 08:08 GMT+7

'Khi ra đường bằng xe máy nên hạn chế đeo trang sức đắt tiền và nếu cần thiết phải đeo thì mặc áo khoác che kín trang sức để tránh bị kẻ xấu chú ý, đồng thời gây khó khăn cho hành vi cướp giật ...'

Những ngày gần đây, bạn trẻ chia sẻ đoạn clip ghi lại cảnh bọn cướp dùng bình xịt hơi cay tấn công người đi đường lúc 3 giờ sáng 14.12 ở đường Nguyễn Sỹ Sách, P.15, Q.Tân Bình, TP.HCM, khiến người trẻ vừa phẫn nộ vừa lo lắng trước nạn cướp giật, nhất là vào khoảng thời gian cuối năm.
Ngay sau đó, công an Q.12 và Q.Tân Bình, TP.HCM đã tập trung lực lượng truy xét, bắt nhanh nhóm cướp. Và để đề phòng, đối phó tình huống nguy hiểm khi bị cướp tấn công, nhiều bạn trẻ cũng như các chuyên gia đã đưa ra một số cách thức.

Các tình huống

Từng nhận Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm do T.Ư Đoàn trao tặng về nhiều thành tích trong việc truy bắt cướp, Thiều Quang Thanh Sang, Phó bí thư Chi đoàn KP.2 (P.Tam Bình, Q.Thủ Đức), nhận định dịp cuối năm tình trạng cướp giật tăng và manh động, nguy hiểm hơn do bọn cướp thường đi đông và mang theo hung khí.
Với kinh nghiệm của mình, Sang phân tích thường sẽ có 3 tình huống. Thứ nhất là đối tượng theo dõi từ trước và đến vị trí thuận tiện sẽ đột ngột tấn công từ phía sau, ép xe, xịt hơi cay hoặc đạp xe cho nạn nhân té. Tình huống thứ hai là dàn cảnh hoặc giả dạng cảnh sát hay hỏi đường để tiếp cận. Và tình huống thứ ba là bọn cướp chờ sẵn ở một đoạn đường vắng, khi thấy có xe đến là lập tức chạy ra chặn lại. Thường ở những tình huống này bọn cướp hành động rất nhanh, gây hoang mang tâm lý khiến nạn nhân mất bình tĩnh.
Cùng nhận định, thạc sĩ tâm lý giảng dạy kỹ năng sống Đặng Hoàng An (nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng những ngày cuối năm, tình trạng cướp giật luôn có dấu hiệu gia tăng nên mọi người phải hết sức cảnh giác.
Anh An khuyên: “Khi ra đường bằng xe máy nên hạn chế đeo trang sức đắt tiền và nếu cần thiết phải đeo thì mặc áo khoác che kín trang sức để tránh bị kẻ xấu chú ý, đồng thời gây khó khăn cho hành vi cướp giật. Với người đi bộ, nếu mang ba lô, túi xách thì nên đeo phía trước hoặc bên tay phải… Mỗi người, đặc biệt giới trẻ, cũng nên tự trang bị cho mình những kỹ năng phòng vệ bản thân hay đơn giản là kỹ năng học nhanh biển số xe…”.
Còn Thanh Sang thì khuyên: “Đi ngoài đường, nhất là những đoạn đường vắng, mọi người nên chú ý nhìn vào gương chiếu hậu để biết được có đối tượng nào khả nghi đang đi theo mình. Khi phát hiện thì nên tăng tốc đến được nơi đông người. Và đặc biệt, khi bị cướp giật ngay lập tức phải tri hô thật lớn để đánh vào tâm lý của tội phạm. Nhưng đa phần những lúc đó mọi người, nhất là chị em phụ nữ, thường quá hoảng sợ mà không la lên được tiếng nào, như vậy càng tạo điều kiện để tên cướp lấn tới”.

Phòng và bảo vệ tính mạng là trên hết

Chia sẻ cặn kẽ hơn về kỹ năng ứng phó khi gặp cướp, tiến sĩ Đoàn Văn Báu, chuyên gia tâm lý tội phạm tại TP.HCM, cho rằng điều quan trọng đầu tiên là mỗi người phải tự cảnh giác và phòng trước. Như khi lưu thông ngoài đường thì bỏ những vật dụng quan trọng vào cốp xe hoặc có người đi cùng. Dù là phụ nữ hay thanh niên cũng hạn chế đi một mình vào ban đêm ở những đoạn đường vắng. Đấy là những cách phòng ngừa để tránh thu hút đối tượng, để không trở thành mục tiêu của bọn cướp.

Trong trường hợp đối tượng dùng dao, hung khí để khống chế thì tốt nhất là nương theo đối tượng để tránh nguy hiểm cho bản thân. Sau đó bình tĩnh ghi nhận lại các đặc điểm nhận dạng đối tượng, biển số xe và nhanh chóng báo với cơ quan công an nơi gần nhất

Tiến sĩ Đoàn Văn Báu, chuyên gia tâm lý tội phạm tại TP.HCM

Theo ông Báu, thường những tên cướp giật sẽ hành động ở nơi vắng người, với những đối tượng yếu thế hơn và thường chỉ nhắm đến tài sản, do đó chúng ta có thể gây khó khăn để đối tượng không lấy được tài sản.
“Nếu chúng chặn lại giật đồ thì nhanh chóng rút chìa khóa xe và vứt đi thật xa, để hạn chế mất tài sản. Còn trong trường hợp đối tượng dùng dao, hung khí để khống chế thì tốt nhất là nương theo đối tượng để tránh nguy hiểm cho bản thân. Rồi sau đó phải bình tĩnh ghi nhận lại các đặc điểm nhận dạng đối tượng, biển số xe và nhanh chóng báo với cơ quan công an nơi gần nhất để ghi nhận và xử lý vụ việc”, ông Báu phân tích và cho rằng đặc biệt không nên giằng co, vì dễ gây nguy hiểm. Kể cả mạnh hơn cũng không nên giằng co vì bọn cướp hành động thường mang theo hung khí và rất liều lĩnh.
Đồng quan điểm với ông Báu, Thiều Quang Thanh Sang cho rằng bọn cướp thường sẽ chỉ giật tài sản, nếu ta chống cự thì chúng mới rút hung khí ra. “Thường thì đối tượng lấy hung khí ra chỉ để hù dọa, nhưng nếu thấy mình không sợ mà cứ chống cự thì nó mới làm tới và mạnh tay hơn”.
Đối với trường hợp bọn cướp dùng bình xịt hơi cay thì ông Báu khuyên đầu tiên phải ngồi xuống, quay mặt đi và úp mặt vào gối để không bị xịt tiếp và hạn chế sự ảnh hưởng của hơi cay, tránh thương tổn cho mắt. Sau đó tìm đến sự trợ giúp của người khác hoặc tìm đến nơi nào gần nhất có nước sạch để rửa mắt.
Ông Báu cũng cho rằng tùy từng tình huống để ta ứng phó và nên xử lý linh động bằng tư duy để bảo vệ an toàn tính mạng. Bên cạnh đó, ông Báu đặc biệt nhấn mạnh: “Mọi người khuyên nên học võ để ứng phó nhưng trong những trường hợp này, học võ cũng không giải quyết được gì. Học võ không đến nơi đến chốn mà cứ nghĩ mình có võ và chống cự lại thì càng nguy hiểm hơn. Những thế võ để chống lại, để bắt giữ… đang dạy tràn lan trên mạng thì không nên học theo. Vì làm theo những cái đó không những mất tài sản mà còn nguy hiểm đến tính mạng. Khi mình ở thế bị động như vậy thì tốt nhất là giữ an toàn cho bản thân”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.