Theo ngành y tế, TP.HCM hiện có 6.500 giường điều trị cho bệnh nhân (BN) Covid-19 (F0) có triệu chứng (1.200 giường hồi sức BN nặng, nguy kịch) và 30.000 giường dành cho BN không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ với tổng số gần 20 bệnh viện (BV) điều trị Covid-19, BV dã chiến. Tính đến sáng 13.7, TP.HCM đang điều trị 14.396 BN Covid-19 (F0), trong khi số BN ở TP vẫn tăng nhanh từng ngày, dẫn đến nguy cơ quá tải nơi cách ly, điều trị tập trung. Trước thực trạng đó, nhiều chuyên gia, người dân đề nghị nên chăng cho BN không triệu chứng cách ly, điều trị tại nhà, vừa giảm tải hệ thống BV, đồng thời tạo tâm lý thoải mái hơn cho người bệnh...
|
“Nếu được ở nhà tôi thấy thoải mái hơn”
Chiều 13.7, chia sẻ với PV Thanh Niên, chị T., nhà ở Q.1 (TP.HCM), cho biết cách đây 10 ngày, qua xét nghiệm cộng đồng phát hiện 1 đứa em trong nhà nhiễm Covid-19 (F0). Người em này hoàn toàn khỏe mạnh, thường xuyên tập thể dục, trước đó chỉ ho, đau họng và uống nước mật ong lên men thì khỏi, cứ nghĩ là cảm cúm thông thường. Sau đó, qua xét nghiệm, phát hiện thêm 3 người nữa trong gia đình cũng nhiễm Covid-19, người lớn nhất 58 tuổi, nhỏ nhất 4 tuổi. Nhưng từ khi phát hiện F0 đến lúc được cơ quan chức năng đưa đi cách ly tập trung thì mất từ 2 - 4 ngày.
Cần sàng lọc kỹ BNVới kinh nghiệm trong điều trị các BN Covid-19 ngay từ đầu dịch tại VN, TS-BS Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, chia sẻ các BN khi mới mắc Covid-19 có thể có các triệu chứng khởi phát hoặc không, nhưng đa số sau 7 ngày sẽ sang giai đoạn hồi phục. Ngược lại, có nhiều BN Covid-19 khi khởi phát có thể không có triệu chứng gì đáng kể, nhưng sau 7 - 8 ngày lại có biểu hiện rất nặng hoặc thậm chí tử vong. Do vậy tại thời điểm BN mới xuất hiện bệnh không thể biết trước BN nào sẽ là nặng hay nhẹ, mà chỉ sau ngày thứ 8 - 9 mới xác định được.
Từ thực tế nêu trên, theo TS-BS Cấp, thời điểm mấu chốt để sàng lọc phân loại BN là ngày thứ 7 - 8. Tuy nhiên, điều khó khăn là nhiều BN khởi phát không triệu chứng nên không biết ngày nào là ngày thứ 7 - 8 của bệnh. Do đó cần coi những BN mới phát hiện dương tính trong tuần đầu tiên là nhóm có nguy cơ diễn biến nặng, cần theo dõi sát và sàng lọc dấu hiệu nặng, đặc biệt chú trọng thời điểm ngày thứ 7 - 8. Còn những BN sau ngày thứ 8 mà không có dấu hiệu diễn biến gì xấu có thể coi là những người bệnh nhẹ, có thể không cần điều trị gì thêm và có thể đưa ra cách ly chờ hồi phục. Không nên cho rằng BN không có triệu chứng, hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ nghĩa là họ là BN nhẹ, do đó họ không được theo dõi sát và không phát hiện được các diễn biến nặng kịp thời.
Liên Châu
|
Từ trong khu cách ly F0 tại Q.12, anh C. (37 tuổi, ngụ Q.10) chia sẻ rằng anh bị sốt, đau họng nghĩ là cảm cúm nên mua thuốc uống. 1 tuần trước qua xét nghiệm cộng đồng phát hiện anh nhiễm Covid-19 nên được đưa đi cách ly. Tại khu cách ly dù có đủ điều kiện, ho sốt thì được cấp thuốc, nhưng ăn uống cũng có phần trễ. Hằng ngày anh ở trong phòng, đi lại vận động chứ cũng không biết làm gì. “Tôi thấy khỏe, bình thường, không có bệnh nền gì. Nếu cách ly F0 như tôi ở nhà sẽ thấy thoải mái về ăn uống, ngủ nghỉ hơn ở khu cách ly”, anh C. chia sẻ.
|
Người cách ly ở nhà cần làm gì?
PGS-TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi T.Ư, cho rằng để giảm gánh nặng cho cơ sở y tế khi các BN Covid-19 tăng cao liên tục, nên xem xét phương án cách ly các F1 và các F0 không hoặc chưa có triệu chứng bệnh tại nhà hoặc tại BV dã chiến, cùng với các quy định đảm bảo theo dõi về y tế và đề phòng lây nhiễm. “Với F0 cách ly ngoài BV, quan trọng nhất là được đánh giá diễn biến sức khỏe, đặc biệt trong thời điểm ngày thứ 7 - 10. Có thể hướng dẫn cho F0 và người chăm sóc, người của địa phương theo dõi F0 trong quá trình cách ly”, PGS-TS Nhung đánh giá.
TP.HCM hướng dẫn cách ly F0, F1 tại nhàTối 13.7, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh có văn bản khẩn gửi TP.Thủ Đức, các quận, huyện, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) và các đơn vị liên quan về việc triển khai các biện pháp thực hiện cách ly tại nhà đối với trường hợp F0, F1 trong giai đoạn hiện nay.
Theo đó, về cách ly, điều trị F0 không triệu chứng đang điều trị tại BV, nếu xét nghiệm RT-PCR ngày thứ 10 có kết quả âm tính hoặc còn dương tính nhưng tải lượng vi rút thấp, không còn khả năng lây nhiễm (hoặc rất thấp) thì chuyển về cách ly tại nhà nếu đảm bảo điều kiện an toàn, phòng chống lây nhiễm. Tiếp tục xét nghiệm RT-PCR tại nhà vào ngày thứ 14 và 21.
Triển khai thí điểm cách ly F0 tại nhà đối với trường hợp không triệu chứng: cho thí điểm áp dụng với nhân viên y tế bị lây nhiễm được cách ly tại nhà khi có đủ điều kiện tương tự F1, tự theo dõi về tình trạng sức khỏe, báo cáo với cơ quan theo dõi y tế hằng ngày và xét nghiệm theo quy định. Các F0 này phải được giám sát của cơ quan y tế địa phương và nơi làm việc. Tuân thủ các biện pháp an toàn trong phòng, chống lây nhiễm.
Y tế địa phương phải tổ chức đội theo dõi hằng ngày đối với F0 tại nhà, tổ chức đường dây nóng tiếp nhận thông tin khi F0 tại nhà xuất hiện triệu chứng và khẩn trương đưa vào BV điều trị.
Cùng ngày, Sở Y tế TP.HCM có văn bản khẩn gửi các đơn vị trực thuộc về đảm bảo an toàn người bệnh Covid-19 tại các BV dã chiến điều trị Covid-19. Theo đó, Sở giao Trung tâm y tế tham mưu UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện thành lập khu cách ly tạm thời F0 với quy mô từ 100 - 200 giường. Trong khoảng thời gian F0 cách ly tạm thời, các đơn vị cần khẩn trương điều tra dịch tễ, truy vết trước khi chuyển đển các BV thu dung điều trị Covid-19 (BV điều trị Covid-19).
Đối với các BV dã chiến điều trị Covid-19, Sở Y tế chỉ đạo khẩn trương bố trí đủ số giường theo kế hoạch được giao, cập nhật số giường còn trống. Dự trù cơ số thuốc, trang thiết bị y tế hồi sức cấp cứu cơ bản. Hướng dẫn, hỗ trợ người bệnh tuân thủ các nguyên tắc theo dõi và điều trị chung như nghỉ ngơi tại giường, vệ sinh mũi họng, giữ ấm, uống đủ nước, đảm bảo dinh dưỡng, nâng cao thể trạng và bổ sung vitamin.
Duy Tính
|
Theo PGS-TS Nguyễn Viết Nhung, việc đánh giá diễn biến F0 không quá phức tạp, trong đó cơ bản là tình trạng sốt cao thông qua đo nhiệt độ hoặc tình trạng khó thở bằng cách đo nhịp thở, và có thể thêm máy đo ô xy, máy này không đắt, khoảng 500.000 đồng/cái. Bên cạnh đó, có thể huy động các lực lượng y tế tư nhân hỗ trợ F0 theo dõi sức khỏe, giúp F0 được chuyển cơ sở điều trị kịp thời trong tình huống có triệu chứng nặng, cũng là người giám sát F0 trong tuân thủ các quy định về cách ly. Tại các nơi F0 cách ly tại nhà, có biển thông báo, cũng là cách để cộng đồng giám sát, đồng thời tránh tiếp xúc gần.
F0 cần được hướng dẫn bảo vệ sức khỏe bằng chế độ dinh dưỡng, bổ sung vitamin C, uống nhiều nước, bù Oresol khi sốt; chế độ vận động, thể dục; được hướng dẫn các quy định cần tuân thủ, những vấn đề cần theo dõi về sức khỏe, vệ sinh cá nhân, thể dục… Đặc biệt, F0 cần được chuẩn bị về tâm lý, tư tưởng. Về cơ sở vật chất nếu đảm bảo khép kín, riêng biệt là được. Với người chăm sóc F0 tại nhà phải được hướng dẫn theo dõi sức khỏe cho F0; hướng dẫn F0 về xét nghiệm Covid-19 vào các thời điểm ngày 5, ngày 14 và 21 trong thời gian cách ly. Trong khi đó, người giám sát F0 phải theo dõi được tình trạng y tế của BN, chẳng hạn như thế nào là có triệu chứng, thế nào là nặng lên, BN khi nào cần đi viện, khi đi viện thì cần được hướng dẫn về kết nối với BV... “1 người có thể theo dõi nhóm các F0 trên địa bàn phù hợp, nên kết nối trực tuyến với các cá nhân để thường xuyên theo dõi diễn biến sức khỏe cũng như tinh thần của F0”, PGS-TS Nhung đề xuất.
|
Cùng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, cho rằng hiện 60 - 80% BN Covid-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ, chỉ khoảng 10% số cần điều trị tập trung tại các BV. “14.000 ca F0, như vậy có 1.400 giường nằm ở trong khu vực nội thành là đủ. Vì hiện các BV ôm F0 rất nhẹ trong các BV điều trị nên quá tải. Do đó, cần điều chỉnh, như BV điều trị Covid-19 Trưng Vương, Thủ Đức, Củ Chi… có bao nhiêu F0 bình thường, không triệu chứng, trẻ, khỏe, dưới 50 tuổi, không béo phì… thì chuyển hết ra khu xa”, bác sĩ Khanh đề xuất.
Cũng theo bác sĩ Khanh, F0 có thể ở nhà nếu nhà đủ điều kiện như cách ly F1 là những người không triệu chứng, trẻ, khỏe, dưới 50 tuổi, không béo phì… Trả lời câu hỏi vậy F0 ở nhà sẽ cần làm gì, chuyên gia này nói: “F0 ở nhà thì phòng ở thông thoáng, phòng vệ sinh sạch sẽ. Sinh hoạt cứ như người bình thường, nhưng nhớ ăn đủ các chất, mang khẩu trang đúng, uống nước đủ, tự theo dõi nhiệt độ, theo dõi sức khỏe”, đồng thời nhấn mạnh: “Bây giờ cần dồn sức chiến đấu cho bệnh nặng, còn những ca bệnh khác thì ở đâu cũng được nhưng đảm bảo phòng chống lây nhiễm”.
Chiều 13.7, trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về thí điểm cách ly F0 tại nhà theo ý kiến nhiều chuyên gia đề xuất, PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết TP.HCM đã có đề xuất thí điểm cách ly F0 tại nhà và với tư cách là bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM, ông nhìn nhận đây là một đề xuất hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Về phía Bộ Y tế sẽ giao Cục Quản lý khám, chữa bệnh ban hành sớm hướng dẫn chi tiết cách ly F0 tại nhà.
Bình luận (0)