Mua cơm, mua cà phê đem đi cũng khó
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, từ sáng 1.4, ngày đầu tiên áp dụng biện pháp cách ly xã hội để phòng chống dịch Covid-19, có rất ít người dân TP.Quy Nhơn (Bình Định) đi lại ngoài đường.
Nhiều tuyến đường như Nguyễn Tất Thành, Phạm Hùng, Trần Hưng Đạo, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Thái Học, Xuân Diệu… hay các công viên thiếu nhi ngày thường rất nhộn nhịp nhưng đến sáng 1.4 cũng có rất ít người.
Ngay từ sáng sớm, các xe tuyên truyền lưu động của Phòng VH-TT và Ðội Trật tự đô thị TP.Quy Nhơn đã chạy khắp thành phố để tuyên truyền thực hiện chỉ thị của Thủ tướng về thực hiện cách ly xã hội trong vòng 15 ngày, nhắc nhở người dân ở tại nhà, hạn chế tụ tập đông người…
UBND TP.Quy Nhơn tổ chức lực lượng tuyên truyền, nhắc nhở người dân không tắm biển để phòng chống dịch Covid-19. Trong sáng 1.4 chỉ có vài người đến tắm, tập thể dục tại bãi biển Quy Nhơn nhưng khi được lực lượng chức năng vận động cũng ra về sớm.
|
|
Hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ ở nội thành đã đóng cửa, ngưng hoạt động, chỉ vài quán thông báo phục vụ khi khách cần mua thức ăn, nước uống… mang đi. Các tuyến đường chuyên bán cơm trưa thường ngày có rất đông khách như: Trần Cao Vân, Chương Dương... cũng vắng ngắt vào trưa 1.4.
“Hàng quán đóng cửa gần hết, đi khắp tuyến phố chuyên bán cà phê như đường Phạm Hùng, Đô Đốc Bảo cũng không nghe một tiếng nhạc. Chưa bao giờ Quy Nhơn vắng lặng đến thế. Tôi đi làm cả buổi sáng trong xưởng làm cửa sắt, đến trưa tìm mua mấy hộp cơm và cà phê đem về cho anh em thợ ăn trưa mà cũng khó”, anh Trương Văn Vũ (ở P.Đống Đa, Quy Nhơn) nói.
|
Theo ông Dương Hiệp Hòa, Chánh Văn phòng UBND TP.Quy Nhơn, đa phần các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố đã đóng cửa, tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên, UBND TP.Quy Nhơn yêu cầu UBND các phường, xã phải kiểm tra, giám sát theo đúng chức năng quản lý, nhắc nhở các cơ sở thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch Covid-19.
“Trường hợp vi phạm kiên quyết lập biên bản đình chỉ, xử phạt hành chính, kể cả rút giấy phép đăng ký kinh doanh”, ông Hòa kiên quyết.
Tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính qua mạng
Trong ngày, Văn phòng UBND tỉnh Bình Định có thông báo Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tạm dừng việc tiếp nhận trực tiếp hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) trong vòng 15 ngày kể từ ngày 1.4, chỉ tiếp nhận hồ sơ TTHC gửi trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, Cổng Dịch vụ công quốc gia và hồ sơ được gửi qua dịch vụ bưu chính công ích.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bình Định cũng tạm dừng việc trả kết quả giải quyết đối với hồ sơ TTHC trong khoảng thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội.
Trường hợp tổ chức, công dân cần kết quả giải quyết TTHC để phục vụ cho yêu cầu công việc khẩn cấp thì liên hệ trực tiếp qua điện thoại của trung tâm để được xem xét, giải quyết trước khi trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích.
|
Công an tỉnh Bình Định cũng có thông báo tạm dừng tiếp nhận thủ tục hành chính của công dân, doanh nghiệp như: cấp/đổi giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu, sổ hộ khẩu, giấy đăng ký phương tiện, các thủ tục ngành nghề kinh doanh có điều kiện... tại cơ quan công an trên địa bàn tỉnh Bình Định từ ngày 1.4 đến hết ngày 15.4. Trường hợp cụ thể cấp bách, công an các đơn vị, địa phương báo cáo Giám đốc Công an tỉnh xem xét, quyết định.
Đồng thời, cơ quan công an cũng sẽ không làm việc với người đến trụ sở cơ quan công an không đeo khẩu trang và không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định.
Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính tỉnh Bình Định… cũng đã bố trí, tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin để làm việc trực tuyến trong thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Chịu khó, chịu cực 2 tuần để nhân dân an toàn
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết đã yêu cầu, bắt đầu từ ngày 1.4, các cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Định (trừ công an, quân đội, y tế) bố trí, tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà và phải bảo đảm thực hiện nhiệm vụ công việc được giao; chỉ phân công cán bộ lãnh đạo và một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thật cần thiết trực để giải quyết các công việc cấp bách, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật...
|
Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị nhà nước chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch tại công sở.
“Chúng ta phải chịu khó, chịu cực trong thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội là 2 tuần để đất nước ta, nhân dân ta được an toàn. Phải phát động toàn dân cùng tham gia phòng, chống dịch Covid-19, kêu gọi tất cả người dân, mỗi người hãy góp phần vào”, ông Dũng nói.
Bình luận (0)