Tại diễn đàn nguồn nhân lực toàn cầu 2017 diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày 14 - 15.12, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, đã cảnh báo nguy cơ nguồn nhân lực của Việt Nam sẽ “rớt” lại phía sau trong cuộc đua cung ứng cho thị trường lao động thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo ông Phòng, Việt Nam đang ở thời kỳ “dư lợi dân số” hay “dân số vàng”, với hơn 50% dân số trong độ tuổi lao động, nhưng chất lượng nguồn nhân lực thấp. Trong báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2015 - 2016, các chỉ số cấu phần liên quan tới đổi mới sáng tạo như: năng lực hấp thụ công nghệ, mức độ phức tạp của quy trình sản xuất, chất lượng của các tổ chức nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo sau cấp phổ thông, đều ở thứ hạng thấp.
Ông Phòng cho biết: “Theo các chuyên gia của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) và ADB, lao động Việt Nam thiếu chuyên môn, chưa được đào tạo, các kỹ năng được trang bị không phù hợp với đòi hỏi của thị trường và nhiều lao động phải đào tạo lại. Nhân sự cao cấp của Việt Nam so với các nước trong khu vực vẫn còn khoảng cách khá lớn. Trình độ lao động của Việt Nam còn hạn chế về kỹ năng nghề đang gây khó khăn trong việc tiếp thu ứng dụng, trình độ khoa học công nghệ khi tham gia hội nhập”.
Trong khi đó, thế giới cũng như Việt Nam hiện đang đối mặt với những thách thức đã từng có trong lịch sử loài người khi khoa học kỹ thuật phát triển, đó là tình trạng dư thừa lao động trong nhiều lĩnh vực kinh tế. Nghiên cứu của Đại học Oxford và Tập đoàn tư vấn McKensey đã đưa ra dự báo 50% công việc tại các nước phát triển sẽ được thay thế bởi các quy trình tự động hóa trong 15 năm tới. Tỷ lệ này sẽ còn cao hơn ở các nước đang phát triển như Việt Nam, vì giá trị gia tăng của lực lượng lao động trong nước hiện rất thấp so với mức trung bình của thế giới.
tin liên quan
Thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0Sử dụng các loại thẻ ngân hàng, ví điện tử trong mọi hoạt động chi tiêu, thanh toán dịch vụ hằng ngày là xu hướng đang phát triển mạnh và đích hướng đến của cách mạng công nghiệp 4.0.
“Những ưu thế về lực lượng lao động trẻ dồi dào và chi phí thấp của Việt Nam sẽ không còn là thế mạnh. Theo ước tính của ILO, có đến 86% lao động cho các ngành dệt may và da giày của Việt Nam có nguy cơ cao mất việc làm, dưới tác động của những đột phát về công nghệ do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Phòng cảnh báo.
Ông Phòng cũng cho biết thêm, hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ bị tác động mạnh mẽ và toàn diện, danh mục ngành nghề đào tạo sẽ phải điều chỉnh, cập nhật liên tục vì các ranh giới giữa các lĩnh vực rất mong manh. Sẽ là sự liên kết giữa các lĩnh vực lý - sinh, cơ - điện tử - sinh, hình thành những nghề đào tạo mới, đặc biệt là những nghề liên quan đến sự tương tác giữa con người và máy móc tự động, ví dụ nghề trợ lý ảo, phục vụ ảo, thư ký ảo… Hiện tại thì nhu cầu nhân sự ngành công nghệ thông tin, điện - điện tử, cơ khí, tự động hóa… đang ở mức cao.
“Với sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, các nước đang phát triển như Việt Nam sẽ buộc phải thay đổi lợi thế cạnh tranh. Từ năm 2020 trở đi, chúng ta không cạnh tranh với các quốc gia như Trung Quốc, Bangladesh, Malaysia, Ấn Độ hay Mexico mà là với những công ty tự động hóa của Mỹ hay Nhật Bản”, ông Phòng nói.
Bình luận (0)