Cuộc binh biến thành Phan Yên (1833 - 1835) của Lê Văn Khôi

Cái kết đau đớn của Bạch Xuân Nguyên

04/01/2025 06:00 GMT+7

Chỉ trong một đêm, tỉnh thành Phan Yên đã rơi vào tay Nguyễn Hựu Khôi. Những sự kiện trong buổi sáng đầu tiên của quân nổi dậy về sau được con nuôi Khôi là Bùi Văn Cúc thuật lại hết sức rõ ràng.

MÀN KỊCH XỬ ÁN

Giờ Thìn [7 - 9 giờ sáng] ngày 19 tháng 5 âm lịch năm Minh Mạng thứ 14 (1833), trong thành Phan Yên nổ sáu tiếng súng, ở cột cờ kéo lên một lá cờ đỏ. Sáng hôm đó, quân nổi dậy bắt được Bố chính Bạch Xuân Nguyên. Nguyễn Văn Trắm, Vũ Vĩnh Tiền sai giả vờ đóng gông Nguyễn Hựu Khôi và Thái Công Triều giải đến sân dinh Tổng đốc. Bạch Xuân Nguyên cũng được giải tới.

Cái kết đau đớn của Bạch Xuân Nguyên- Ảnh 1.

Dấu tích thành Phan Yên năm 1860

ẢNH: T.L tác giả

Quân nổi dậy quát to, hỏi: "Tên Khôi có tội gì?". Khôi đáp: "Nhân vì Lê Văn Duyệt đã chết có sức cho xẻ làm ván gỗ, nay Bạch Xuân Nguyên hạch làm ván gỗ của riêng, nên bắt đem giam".

Họ lại hỏi Thái Công Triều: "Có tội gì?". Triều đáp: "Vì là thuộc hạ của Lê Văn Duyệt đã chết, nên cùng bị tra xét đến". Thái Công Triều lại trỏ Bạch Xuân Nguyên, nói: "Từ trước đến giờ thành hạt không có việc gì, từ Bạch Xuân Nguyên đến trị nhậm đến giờ, làm sự thể gì, đến nỗi mất thành trì này, lỗi ấy vì ai?".

Bọn Vũ Vĩnh Tiền lập tức quát to, hỏi Bạch Xuân Nguyên vì cớ gì mà thường ở nơi công sảnh chỉ trích thẳng tên của cố Tả quân Lê Văn Duyệt, lại muốn hãm hại họ. Bạch Xuân Nguyên im lặng không trả lời. Bọn Nguyễn Văn Trắm sai đem Bạch Xuân Nguyên giam lại một chỗ, lại đem Nguyễn Hựu Khôi và Thái Công Triều tới giam ở công đường Án sát sứ. Lát sau, Vũ Vĩnh Tiền tới bảo Nguyễn Văn Trắm tháo gông cho Nguyễn Hựu Khôi, Thái Công Triều về nghỉ.

PHẢN KÍCH

Chẳng bao lâu sau, bọn Nguyễn Văn Trắm lại sai người gọi Khôi và Triều tới công đường dinh Tổng đốc bàn chuyện. Họ bàn rằng:

- Nay đã cướp lấy thành trì, nên bầu người nào làm Nguyên súy.

Nguyễn Hựu Khôi nói:

- Thái Công Triều văn võ kiêm toàn, nên đặt làm Nguyên súy.

Công Triều lấy cớ tuổi già sức yếu để từ chối. Sau khi bàn bạc, Nguyễn Hựu Khôi tự xưng Bình Nam đại nguyên súy, Nguyễn Văn Bột xưng là Phó nguyên súy, dựng cờ hiệu đề hai chữ Chiêu An và trao quan chức cho những người trong bè đảng.

Bấy giờ, ở bên ngoài thành, Phó lãnh binh Giả Tiến Chiêm thu nhặt lính Thủy cơ tỉnh Phan Yên được 130 người, cộng 20 người ở đội Giáo Dưỡng và kêu gọi được 300 dân các xã phụ cận. Giả Tiến Chiêm bèn dẫn lực lượng này sấn đến cửa thành. Giờ Mùi [1 - 3 giờ chiều], Nguyễn Hựu Khôi dẫn hơn 200 quân gồm lính Hồi lương ở Phan Yên và lính cơ trong thành, cùng 5 con voi ra đánh. Giả Tiến Chiêm thắng trận, chém được 2 tên lính Hồi lương. Nguyễn Hựu Khôi lui vào trong thành. Đến giờ Thân [3 - 5 giờ], Khôi lại kéo quân ra, lần này với hơn 300 quân và 3 con voi. Giả Tiến Chiêm thua trận, bị mấy vết thương, bỏ chạy về thôn Bình Phú. Khôi cướp được số thuyền của Giả Tiến Chiêm. Tri phủ Tân Bình là Đinh Khắc Hài đem dân chúng chống cự quân nổi dậy cũng bị bắt. Phó quản cơ Phan Vũ là Bùi Văn Thuận tử trận.

CUỘC XỬ ÁN BẠCH XUÂN NGUYÊN

Ngày 20 tháng 5, Bạch Xuân Nguyên bị giết chết. Trước đó, bọn Nguyễn Hựu Khôi có kéo tới nhà riêng của Tổng trấn Lê Văn Duyệt, gặp vợ Duyệt là Đỗ Thị Phẫn. Bọn Nguyễn Hựu Khôi nói:

"Tôi ngày thường cùng với Xuân Nguyên không có hiềm thù, mà Xuân Nguyên lại hà khắc với việc đã qua và nói không đào xương cốt ở mộ Duyệt thời không thôi. Bọn tôi là thuộc hạ cả, không thể nhẫn nại được, việc biến ngày nay là bởi Xuân Nguyên. Xin cho lấy mỡ Xuân Nguyên đốt tế mồ Duyệt để hả giận".

Đỗ Thị Phẫn khóc lóc, nói:"Bọn người làm như thế, phải mắc tội với triều đình mà mồ Duyệt cũng đến phải đào" (Đại Nam liệt truyện chính biên nhị tập, tr.1018).

Bọn Khôi bèn sai đưa Bạch Xuân Nguyên ra ngoài thành chém đi. Tri phủ Tân Bình là Đinh Khắc Hài cũng bị dẫn theo, sắp bị giết. Nhưng Đinh Hồng Phiên trong đám quân nổi dậy kêu van với Nguyễn Hựu Khôi, xin tha cho Hài. Về sau, Đinh Khắc Hài cũng đi theo quân nổi dậy, rồi tìm cách trốn đi.

Môn hạ của Bạch Xuân Nguyên là Nguyễn Trương Hiệu cũng bị chém. Hiệu người Thanh Hóa trước là môn hạ của Tiền quân Nguyễn Văn Thành, rồi sau đi theo Lê Văn Duyệt. Chính Hiệu là người đem bài thơ của con trai Nguyễn Văn Thành là Văn Thuyên đi tố cáo, mở đầu cho vụ án phản thi. Sau khi Lê Văn Duyệt chết, Trương Hiệu lại theo làm môn hạ của Bạch Xuân Nguyên. Quốc sử di biên cho biết Hiệu về sau bị người nhà của quận Thành giết chết. Ta biết trong quân nổi dậy có Nguyễn Văn Hàm - là con trai của Nguyễn Văn Thành.

Có tin nói rằng vợ con của Nguyễn Văn Quế, Bạch Xuân Nguyên cũng bị giết. Nhưng con trai Bạch Xuân Nguyên là Bạch Xuân Khản vẫn còn sống. Về sau Bạch Xuân Khản đi theo thự Tả quân Lê Bá Minh của quân nổi dậy đóng ở trong cửa Gia Định. Tháng 2 năm Minh Mạng thứ 15 (1834), Bạch Xuân Khản trốn khỏi thành đầu thú. Vua Minh Mạng sai giải Khản về kinh, giao cho bộ Hình điều tra. Khản bị kết tội "quên sỉ nhục, thờ quân thù", bị khép tội chém. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.