Cải tiến bộ áo quần bảo hộ

Thu Hằng
Thu Hằng
09/04/2020 08:18 GMT+7

Cải tiến bộ áo quần bảo hộ là ý tưởng của tiến sĩ Trương Thanh Tùng, giảng viên trẻ (31 tuổi) mới từ Mỹ trở về công tác tại Viện Nghiên cứu tiên tiến Phenikaa (PIAS), Trường đại học Phenikaa (Hà Nội).

Tình cờ đọc một bài báo kể về nỗi khổ của nhân viên y tế tuyến đầu chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19 phải mặc đồ bảo hộ “trùm kín người” trong suốt ca trực 12 tiếng, anh Tùng bị ám ảnh khi nghĩ đến việc các điều dưỡng phải nhịn ăn, nhịn uống, thậm chí nhịn đi vệ sinh vì quy trình mặc, cởi bỏ đồ bảo hộ mất đến 30 phút và hạn chế tối đa việc cởi bỏ trang phục để tránh nguy cơ lây nhiễm. “Nhiều khi các nhân viên y tế phải nhịn ăn, nhịn uống, nhịn tiểu bởi cởi bộ đồ bảo hộ liền thân mất rất nhiều thời gian. Do đó, nếu có giải pháp để không cần cởi đồ bảo hộ mà vẫn có thể giải quyết nhu cầu cá nhân là vô cùng cần thiết”, anh Tùng chia sẻ.
Anh Tùng và các đồng nghiệp may thêm 2 túi chứa nước và ống dẫn vào mặt trong của bộ quần áo bảo hộ với dây truyền nước có van một chiều để hút nước lên miệng. “Van này sẽ ngăn nước đã vào miệng lại chảy xuống túi làm mất vệ sinh và giảm chất lượng nước. Trong thực tế có thể sử dụng 2 túi nhỏ, đặt 2 bên phía trong áo bảo hộ để vừa cân đối vừa cấp được cả nước lẫn vitamin, chất điện giải… Người dùng có thể uống từng thứ theo nhánh chia tùy ý”, anh Tùng giải thích.
Đặc biệt, để thuận tiện trong việc đi vệ sinh, anh Tùng và các cộng sự đưa ý tưởng làm chiếc “váy quây” có viền cao su ôm lấy cơ thể và 3 đến 5 lớp vải bảo hộ. Sau mỗi lần đi vệ sinh, một lớp váy sẽ được bóc ra. Sau khi đi vệ sinh, phần ngoài cùng được loại bỏ, phần sạch được kéo lên, trong khi bên trong cùng vẫn là đồ bảo hộ.
Anh Tùng bộc bạch: “Chỉ cần vài cải tiến nhỏ có thể giải quyết 2 vấn đề cốt lõi cho người sử dụng, đó là dễ dàng bổ sung nước và khoáng chất cho nhân viên y tế; tiện dụng cho nhu cầu vệ sinh mà không cần thay cả bộ đồ. Từ ý tưởng này, chúng tôi còn dự kiến sử dụng một loại dung dịch kháng khuẩn để phun vào bề mặt giữa các lớp bảo hộ để loại bỏ vi rút, vi khuẩn, tăng cường khả năng bảo vệ”.
Theo anh Tùng, đã có một số doanh nghiệp ngỏ ý sẵn sàng tài trợ dây truyền, túi đựng vitamin, nước điện giải… Khó khăn nhất hiện nay là do yêu cầu cách ly xã hội nên các nhà khoa học chưa liên hệ được với các doanh nghiệp sản xuất thiết bị bảo hộ tham gia phát triển ý tưởng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.