Như Thanh Niên đã đưa tin, “chia lửa” cùng trạm y tế cố định, Trạm y tế lưu động số 6 đóng tại P.13 (Q.10, TP.HCM) đã giúp đáp ứng đầy đủ hơn nhu cầu tư vấn, thăm khám, xét nghiệm cho các ca F0 trên địa bàn.
Với lực lượng thường trực gồm 3 bác sĩ quân y, 3 tình nguyện viên có kiến thức y tế và sự tham gia không thường xuyên của các bạn đoàn viên, Trạm y tế lưu động số 6 bước đầu tạo được niềm tin cho bà con khi số cuộc gọi yêu cầu hỗ trợ ngày càng tăng. Người dân gọi đến không chỉ thông tin về tình hình sức khỏe mà còn chia sẻ nhiều điều.
Ở Trạm y tế lưu động số 6, có hai sinh viên tình nguyện là Lê Hoài Ý Nhi (năm cuối ngành điều dưỡng ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) và Nguyễn Quang Huy (năm 3 ngành kỹ thuật phục hồi chức năng Trường CĐ Y dược Sài Gòn). Ý Nhi chia sẻ: “Là sinh viên tỉnh trọ học ở TP.HCM, khi dịch bùng phát, mình quyết định không về quê mà ở lại tình nguyện tham gia chống dịch, cũng để sớm tốt nghiệp và hoàn thành tâm nguyện phục vụ ngành y”. Còn Huy thì cho biết ba là bác sĩ quân y, mẹ là y tá, vì thế việc bạn tình nguyện tham gia chống dịch là… hiển nhiên. Hiện cả gia đình Huy đều đang đóng góp hết mình cho công tác chống dịch.
Nhường tiền ăn cho nhà F0
Một trường hợp không thể quên đối với Ý Nhi: anh Hùng (48 tuổi) chăm sóc vợ là F0 nên cũng bị nhiễm bệnh. Lúc cô sinh viên nắm được thông tin gọi tới thì gia đình đã cách ly được 5 ngày, người vợ có dấu hiệu chuyển nặng, và cả nhà gần như không còn gì để ăn. Trong lúc chờ địa phương hỗ trợ, Ý Nhi quyết định dùng tiền ăn ba mẹ gửi để mua thực phẩm đem đến kịp thời cho nhà F0. Liên tiếp sau đó là những cuộc gọi động viên, hướng dẫn cách chữa trị cho hai vợ chồng F0. Tuần trước, anh Hùng đã gọi điện cảm ơn và vui mừng cho biết cả nhà đã khỏi bệnh. Ý Nhi cảm thấy thật hạnh phúc khi giúp được cho những bệnh nhân.
Nhận xét về hoạt động tình nguyện chăm sóc F0, bạn đọc (BĐ) Quán viết: “Nhiều người nghe nói F0 là rất sợ, không dám lại gần, vậy mà các bạn trẻ tình nguyện này không ngần ngại đến với họ, tư vấn, hướng dẫn họ cách chữa trị. Điều này đã làm các bệnh nhân thêm yên tâm, lạc quan trong cuộc chiến với Covid-19. Thật cảm động trước tấm lòng của các bạn, nhất là bạn Ý Nhi. Mong bạn sớm trở thành một bác sĩ tốt để giúp được nhiều người hơn nữa”.
BĐ Kim cũng cho biết: “Bài viết thật xúc động và tấm lòng của các chiến sĩ tình nguyện viên thật đáng quý”. BĐ Nguyễn Hồng chia sẻ: “Ấm lòng với tinh thần của các tình nguyện viên”.
Tiếp thêm sức mạnh chiến đấu với Covid-19
Trong khi đó, BĐ Bảo Châu chia sẻ: “Có bệnh mới thấy hoang mang khủng khiếp. Lúc này, chỉ cần một nụ cười, một câu nói, một cái vẫy tay chào… của ai đó là thấy lòng tĩnh lại vô cùng. Cảm ơn những y bác sĩ, tình nguyện viên chăm sóc F0 đã luôn chia sẻ, tiếp thêm sức mạnh để các bệnh nhân vượt qua Covid-19. Mong các bạn luôn mạnh khỏe và bình an”.
Cùng ý kiến, BĐ Nguyên Bảo cũng bày tỏ: “Trong đại dịch này, vẫn có rất nhiều bạn trẻ tình nguyện tham gia phòng chống dịch, với nhiều việc làm thiết thực. Không thể kể hết”. Còn BĐ Minh Quân thì cho rằng: “Đại dịch thì khủng khiếp nhưng sẽ sớm qua đi. Còn tình người qua đại dịch thì sống mãi và lớn mãi, tôi tin như vậy”.
Mong là ở địa phương của tôi, các F0 cũng được hỗ trợ nhanh chóng và nhiệt tình như thế này.
al***@gmail.com
Những tấm lòng vàng đáng quý biết bao. Nhờ sự tận tâm và hỗ trợ nhiệt tình từ các bạn mà biết bao bệnh nhân đã bình phục. Những hành động và việc làm này nếu được nhân rộng và lan tỏa thì chắc chắn sẽ nhanh chóng đẩy lùi được dịch bệnh. Mong các bạn và mọi nhà đều bình an!
Một người dân GV
|
Bình luận (0)