Cảm thấy quá căng thẳng hãy tập những bài thở này để thư giãn

Thiên Lan
Thiên Lan
19/09/2021 00:12 GMT+7

Khi quá căng thẳng, bạn có thể thử các bài tập thở sau do chuyên gia yoga Đại sư Akshar (Ấn Độ) chia sẻ, theo Hindustan Times .

Mặc dù căng thẳng là khá bình thường và có lúc có thể thúc đẩy bạn đạt được mục tiêu của mình, nhưng đôi khi nó lại có tác động quá mức đối với bạn. Căng thẳng không kiểm soát trong thời gian dài có thể dẫn đến bệnh tim, trầm cảm, tiểu đường, các vấn đề về đường tiêu hóa.

Bạn nên tăng dần cường độ các bài tập pranayama

Ảnh Shutterstock

Điều quan trọng là phải giải quyết vấn đề từ đầu. Pranayama hay bài tập thở là một trong những kỹ thuật hiệu quả để giải tỏa căng thẳng và làm dịu thần kinh.
Đại sư Akshar cho biết, kỹ thuật thở trong nghiên cứu và thực hành yoga được gọi là pranayama.
Sau đây là các bài tập thở giúp thải độc tố ra khỏi cơ thể, giúp cơ thể khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng sống.

1. Bhastrika pranayama

• Ngồi ở tư thế thoải mái.
• Thẳng lưng và nhắm mắt lại.
• Đặt lòng bàn tay trên đầu gối và hướng lên trên.
• Hít vào thật sâu để nạp đầy không khí vào phổi.
• Thở ra hoàn toàn.
• Nên thực hiện hít vào và thở ra theo tỷ lệ 1: 1.

2. Bhramari pranayama

• Ngồi ở tư thế thoải mái.
• Thẳng lưng và nhắm mắt lại.
• Đặt ngón tay cái trên mép tai.
• Đặt ngón tay trỏ trên trán; ngón giữa của bạn trên khóe mắt và ngón đeo nhẫn trên góc của lỗ mũi.
• Hít vào thật sâu để nạp đầy không khí vào phổi.
• Khi bạn thở ra, từ từ tạo ra âm thanh vo ve như tiếng ong.
• Khép miệng và cảm nhận sự rung động của âm thanh khắp cơ thể.
Có thể bắt đầu thực hành kỹ thuật thở này trong 5 phút mỗi ngày và tăng dần theo thời gian, theo Hindustan Times.

3. Chakravati pranayama

• Hít vào thật sâu để nạp đầy không khí vào phổi
• Hình dung các vòng tròn trước mặt.
• Sử dụng tay phải để vẽ các vòng tròn tưởng tượng gần với mũi.
• Hãy tưởng tượng không khí tràn vào mũi giống như một chiếc lò xo.
• Với một nhịp thở, vẽ 3 vòng tròn theo chiều kim đồng hồ trước mũi và sau đó thở ra.
Bắt đầu với một vài vòng tròn và tăng dần lên đến 100 cho đến khi thành thạo.

Lời khuyên cho người mới bắt đầu

Khi mới bắt đầu, tốt nhất nên thực hành các kỹ thuật pranayama này ở tốc độ chậm và dần dần xây dựng mức độ luyện tập, chuyển sang tốc độ trung bình và cuối cùng là tốc độ nhanh. Cả ba cấp độ này đều có tác động tích cực đến cơ thể.

Lợi ích của việc thực hành pranayama

Một số lợi ích của việc thực hành pranayama mỗi ngày là nó làm sạch cơ thể và thải độc tố. Nó cũng cải thiện khả năng thở của phổi. Pranayama giúp điều hòa hệ thần kinh, lọc máu, giúp cơ thể tràn đầy sinh lực và giảm sự lười biếng, theo Hindustan Times.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.