Để hiểu ý nghĩa thực sự từng tác phẩm
Song, theo TS Đào Lê Na - Trưởng bộ môn Sáng tác và phê bình sân khấu - điện ảnh, Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH-NV, ĐHQG TP.HCM, cảm thụ nghệ thuật có nhiều mức độ. Nếu khán giả cảm thụ ở mức độ cơ bản nhất là giải trí, không cần phải học; bởi mỗi người đều có khả năng bày tỏ quan điểm trước bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào họ yêu thích. Với cách cảm thụ này, khi xem một bộ phim, tác phẩm sân khấu, âm nhạc, hội họa..., họ sẽ nhận xét trên cơ sở tìm kiếm sự đồng cảm, sẽ tìm sự hấp dẫn ở câu chuyện, nhân vật hoặc một hình ảnh nào đấy mà họ yêu thích.
Như vậy, theo lý giải của TS Đào Lê Na, nếu khán giả có trình độ cảm thụ nghệ thuật càng cao thì họ sẽ đòi hỏi những người làm nghệ thuật phải sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật của từng loại hình để khai thác tối đa hiệu quả của loại hình nghệ thuật đó. Khi đòi hỏi của khán giả càng khắt khe thì những người sáng tạo cũng nghiêm túc tìm tòi đầu tư nhiều hơn cho tác phẩm của mình.
Khi cuộc sống bận rộn, chúng ta quan tâm việc ăn no mặc ấm, các bậc phụ huynh quay quắt với cơm áo gạo tiền thì nghệ thuật hay học cảm thụ nghệ thuật nghe có vẻ xa xỉ. Như chia sẻ của NSƯT Hoàng Điệp (từng là giảng viên lâu năm của Nhạc viện TP.HCM): “Từng có một thời gian dài, giáo viên dạy các môn năng khiếu nghệ thuật ở trường tiểu học, THCS, THPT luôn bị các đồng nghiệp so sánh, “gièm pha” là dạy những môn không kiếm ra tiền. Nhưng khi đất nước mở cửa, có nhiều thay đổi, người ta bắt đầu nghĩ tới việc cho con em đi học các môn nghệ thuật như hiệu ứng đám đông”. Chị cho biết thêm, việc không am hiểu về các môn nghệ thuật luôn là rào cản rất lớn của các sinh viên Việt Nam khi ra nước ngoài du học (kể cả những gia đình có điều kiện, khi họ chỉ quan tâm cho con em đi học ngoại ngữ mà bỏ các môn năng khiếu và kỹ năng mềm).
Nên đưa vào đào tạo trong nhà trường
Gõ từ khóa “cảm thụ nghệ thuật” trên Google, kết quả tìm kiếm sẽ cho ra phần lớn liên quan đến các khóa học cảm thụ nghệ thuật ở những trung tâm đào tạo nghệ thuật, học viện nghệ thuật tư nhân thành lập cùng một số ít trường quốc tế (đưa môn cảm thụ nghệ thuật vào giảng dạy trong các giờ chính khóa). Gần đây, cảm thụ nghệ thuật được giới trẻ quan tâm nhiều khi những buổi workshop, khóa học ngắn hạn liên tục được các tổ chức/cá nhân hoạt động nghệ thuật tạo lập, chia sẻ trên mạng xã hội, cùng sự lan tỏa về hiệu ứng của nó. Đáng chú ý, có thể kể đến: khóa cảm thụ điện ảnh, 2 khóa cảm thụ cải lương (trong đó có 1 khóa miễn phí cho học sinh, sinh viên) và 1 khóa cảm thụ tác phẩm sân khấu miễn phí cho sinh viên ĐH KHXH-NV TP.HCM của Yume - Art Project.
Đáng tiếc khi cảm thụ nghệ thuật còn bỏ ngỏNhạc sĩ Đức Trí
|
Giáo dục nghệ thuật hình thành nhân cách con ngườiNếu ở các nước, giáo dục nghệ thuật rất được coi trọng vì nó liên quan đến văn hóa tinh thần và hình thành nhân cách con người thì ở Việt Nam, chúng ta cứ trách móc công chúng và người trẻ không quan tâm đến văn hóa tinh thần, không biết thưởng thức những “thể loại nghệ thuật hàn lâm”..., trong khi họ không được học, không được hướng dẫn thưởng thức chúng từ trong nhà trường.
Tôi đang là chuyên gia về 2 môn cảm thụ nghệ thuật, cảm thụ âm nhạc cho các cơ sở đào tạo trong và ngoài công lập. Tất cả lãnh đạo những nơi tôi được mời đến tập huấn về 2 môn này đều nhận ra tầm quan trọng của nó nên đã khuyến khích đưa vào 30% trong chương trình đào tạo của họ (đối với khối ngoài công lập) như Trường Nhạc nhẹ MPU của TP.HCM; Hệ thống trường Pathway School/Tuệ Đức TP.HCM và Hà Nội; Trường Quốc tế Tương Lai/FIS của Cao Lãnh (Đồng Tháp); Đại học quốc tế miền Đông (Bình Dương) và các trung tâm âm nhạc khác của TP.HCM. Đối với các trường ĐH khối công lập có ĐH Công nghiệp TP.HCM và vài trường thuộc khối Đại học Quốc gia thì đưa 2 môn này và kỹ năng mềm vào môn tự chọn bắt buộc.
Tuy nhiên, do nhận thức chưa đầy đủ về 2 môn học này từ phụ huynh nên họ vẫn còn đắn đo giữa lựa chọn cho con em mình học đàn/hát hay là học cảm thụ.
NSƯT Hoàng Điệp
|
“Các tác phẩm nghệ thuật, bên cạnh chức năng giải trí còn phải giúp khán giả thanh lọc tâm hồn, hiểu biết sâu sắc hơn về cuộc sống, bồi đắp tư tưởng thẩm mỹ. Để có được những khả năng này, khán giả cần có sự hiểu biết về ngôn ngữ nghệ thuật của các loại hình”, TS Đào Lê Na nhìn nhận. Chị cho rằng sau khi xem/nghe tác phẩm, khán giả vẫn có thể tranh luận nó hay hoặc không, nhưng nếu đã học cảm thụ nghệ thuật sẽ biết lý do tại sao nó hay/dở bằng lập luận vững chắc chứ không phải cảm tính. Theo chị: “Việc đào tạo cho khán giả cảm thụ, hiểu biết về ngôn ngữ nghệ thuật của từng loại hình nghệ thuật không khó. Chỉ khó là nếu muốn đào tạo tập trung và quy mô rộng để tạo ra một đội ngũ khán giả trẻ với khả năng cảm thụ nghệ thuật tốt thì nên đào tạo qua các chương trình ngoại khóa trong nhà trường phổ thông. Còn các khóa học cảm thụ nghệ thuật ở cộng đồng cũng có tác dụng nhưng vẫn khá ít ỏi”.
Bình luận (0)