Cận cảnh 'xưởng' sản xuất mô hình máy bay chiến đấu của người cựu binh

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
09/05/2020 13:33 GMT+7

Những khối nhôm tưởng chừng như vô tri vô giác, qua bàn tay chế tác điệu nghệ của cựu binh Bùi Xuân Thành sẽ hóa thành những mô hình máy bay chiến đấu với màu sơn, vũ khí đi kèm giống như thật.

Ông Bùi Xuân Thành, trú tại kiệt (ngõ, hẻm) 1A, phường An Khê, quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng, năm nay 65 tuổi, nhưng ông đã có khoảng 40 năm chế tạo mô hình máy bay chiến đấu.

Để có một mô hình chiến đấu cơ bằng nhôm đúc đúng tỉ lệ, việc quan trọng nhất là phải làm khuôn đúc sao cho chuẩn xác

Ảnh: Hoàng Sơn

Ông Thành quê ở Phú Thọ, vốn là cựu công nhân quốc phòng của Nhà máy A32 (thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân), chuyên sửa chữa, bảo dưỡng máy bay, vũ khí… phục vụ quân chủng.

"Phải có bản vẽ, nếu không có bản vẽ thì không thể làm được. Phải có catalogue để mình tính tỉ lệ ra mình làm. Cho nên sau này mình có cơ sở giữ những bản vẽ này, chứ còn bây giờ lên lấy thì không có đâu", ông Bùi Xuân Thành nói

Ảnh: Hoàng Sơn

Năm 1975, sau khóa đào tạo về cơ khí máy bay, ông vào làm việc tại Nhà máy A32 ở Phòng Kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Các bản vẽ này ghi bằng tiếng Nga, một số ít bằng tiếng Trung Quốc. Đây là những tài liệu giúp ông có thể làm mô hình máy bay chiến đấu suốt 40 năm qua. Nên với ông, đây là gia sản còn quý hơn vàng

Ảnh: Hoàng Sơn

Thấy chàng thanh niên Bùi Xuân Thành vừa có “hoa tay” lại có tính cẩn thận, thủ trưởng đã giao thêm nhiệm vụ làm mô hình chiến đấu cơ làm quà lưu niệm cho đơn vị.

Xưởng làm mô hình máy bay chiến đấu của ông Bùi Xuân Thành thực ra chỉ là căn bếp cũ với các loại máy khoan, mài, cắt...

Ảnh: Hoàng Sơn

Và việc đầu tiên là ông đã lên gặp thủ trưởng để xin sao chụp là những bản vẽ của các loại máy bay chiến đấu. Lần đầu tiên trong đời, ông được tiếp xúc với những loại giấy tờ được liệt vào bí mật của hàng không quân sự.

Những mô hình máy bay chiến đấu MiG-15, MiG-17, MiG-19, L29, L39… sinh động, bằng mắt thường có thể thấy giống như thật

Ảnh: Hoàng Sơn

Do đúc bằng khuôn cát nên công đoạn làm nguội tốn nhiều sức lực. Với mô hình này, đúc hoàn thành chỉ được phần thân, còn các chi tiết cánh, đuôi…, ông lại phải thêm khuôn khác

Ảnh: Hoàng Sơn

Cả thời thanh xuân của mình cũng như cho đến ngày về hưu, ông Thành gắn liền với máy bay chiến đấu như những người bạn.

Mỗi loại máy bay, mỗi chi tiết là một khuôn riêng. Sau khi có đầy đủ các bộ phận, ông dùng loại khoan cỡ nhỏ, keo dính… “lắp ráp” hoàn thiện phần thô

Ảnh: Hoàng Sơn

Riêng phần khoang lái máy bay chiến đấu, để trông giống thật, ông Thành dùng mica mài nhẵn, đánh bóng

Ảnh: Hoàng Sơn

Ông tự nhận mình may mắn khi được tiếp xúc, để rồi hiểu tường tận từng chi tiết khung sườn, kết cấu… các loại chiến đấu cơ để ứng dụng chế tạo mô hình. 

Nói đến phần sơn trên mô hình, ông Thành cho biết mình đã dày công nghiên cứu cách xịt sơn để vẻ bề ngoài mô hình giống như thật

Ảnh: Hoàng Sơn

Sau khi gia công nhẵn, mịn bề mặt, ông Bùi Xuân Thành tiến hành sơn lên mô hình nhiều lớp sơn với nhiều màu khác nhau. Quá trình này kéo dài khoảng 5-6 ngày

Ảnh: Hoàng Sơn

Cùng với các bước gia công, do phải màu sơn đỏ ở đuôi nhằm tạo ấn tượng cho phần động cơ, xịt sơn trắng cho đầu cánh, mũi để tạo sự chân thật cho bộ phận phi kim loại bọc radar, xịt sơn xanh toàn thân và sơn trắng rằn ri nên để một mô hình “xuất xưởng” phải kéo dài đến 10 ngày

Ảnh: Hoàng Sơn

Mô hình máy bay chiến đấu được ông Thành đối chiếu nhiều lần với bản vẽ kỹ thuật, màu sơn... để rồi trong vòng nhiều năm, ông mới hoàn thành được khuôn đúc

Ảnh: Hoàng Sơn

Một mô hình máy bay chiến đấu bằng nhôm sau khi hoàn thành có khối lượng khoảng 3-4 kg

Ảnh: Hoàng Sơn

“Mỗi loại máy bay chiến đấu sẽ có độ phức tạp khác nhau. Chẳng hạn, nếu như MiG-17, MiG-12 thì đơn giản nhưng bắt đầu từ Su-22 thì phức tạp rồi. Tính năng phức tạp vì vũ khí nhiều. Nếu MiG-21 chỉ có 4 quả tên lửa thì Su-22 có 10 giá có thể đeo bom, đeo tên lửa. MiG-21 dao chỉnh dòng ít nhưng từ Su-22 trở đi thì dao chỉnh dòng nhiều thế nên phức tạp", ông Bùi Xuân Thành cho biết

Ảnh: Hoàng Sơn

Theo ông Thành, các thế hệ máy bay chiến đấu của Không quân VN càng về sau càng khó mô hình hóa. Chẳng hạn, Su-22, MiG-21 thân tròn thì dễ nhưng bắt đầu từ Su-27, Su-30 MK2 thì càng phức tạp

Ảnh: Hoàng Sơn

Mô hình máy bay chiến đấu của cựu công nhân quốc phòng Bùi Xuân Thành đúng với từng chi tiết khiến nhiều người thích thú

Ảnh: Hoàng Sơn

Không chỉ đúng theo từng thông số kỹ thuật, mô hình máy bay chiến đấu của ông Thành còn đúng từng tỉ lệ cờ sao, màu sắc...

Ảnh: Hoàng Sơn

Với ông Thành, số lượng không quan trọng bằng việc từng mô hình “én sắt” dù là để làm quà hay để làm vật kỉ niệm phải mang lại cảm xúc cho chủ nhân

Ảnh: Hoàng Sơn

Thế nên không chỉ cố gắng làm mô hình đúng với các thông số, ông Thành còn nghiên cứu các loại mô hình tên lửa đi kèm cho mỗi máy bay. Rồi thiết kế giống hệt từ kiểu dáng cho đến màu sơn

Ảnh: Hoàng Sơn

Hơn 40 năm làm mô hình máy bay chiến đấu, ông không nhớ rõ mình đã làm ra bao nhiêu chiếc. Ông chỉ nhớ một vài mốc như: năm 2011, kỷ niệm 45 năm thành lập Nhà máy A32 đã làm khoảng gần 300 mô hình; gần nhất, năm 2019 ông làm khoảng 100 mô hình…

Ảnh: Hoàng Sơn

Ông Thành lật giở cuốn kỷ yếu 45 năm thành lập Nhà máy A32, trong đó có tấm hình cố Tổng bí thư Đỗ Mười chụp chung với cán bộ đơn vị trong một lần về thăm nhà máy vào năm 1997. Đây chính là dịp mà đơn vị đã dùng mô hình máy bay chiến đấu do ông Thành chế tác để làm quà lưu niệm tặng cố Tổng bí thư

Ảnh: Hoàng Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.