Một số yếu tố sẽ làm tăng nguy cơ cholesterol cao, chẳng hạn như mắc tiểu đường loại 2, chế độ ăn uống không lành mạnh, hút thuốc và không tập thể dục. Ngoài ra, phụ nữ mãn kinh hay người già cũng là nhóm dễ bị mắc cholesterol cao, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Người bị nồng độ cholesterol cao sẽ cần phải dùng thuốc. Trong đó, statin là loại thuốc thường được dùng để đưa cholesterol "xấu" LDL trở lại mức an toàn cho sức khỏe. Đây là loại cholesterol có thể tích tụ trên thành động mạch và làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ.
Các chuyên gia cho biết những người trên 50 tuổi có thể gặp nhiều tác dụng phụ hơn khi uống statin. Các tác dụng phụ này là đau cơ, các vấn đề về tiêu hóa hay trí nhớ. Vì chúng ta già đi, cơ thể sẽ trở nên nhạy cảm hơn với thuốc. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến người lớn tuổi xuất hiện tác dụng phụ của thuốc.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết không có phương pháp điều trị nào là hoàn hảo, đặc biệt với người trên 50 tuổi. Để tối ưu hóa lợi ích sức khỏe, bác sĩ sẽ kê thuốc dựa vào tình hình của từng bệnh nhân, từ tuổi tác, vấn đề tim mạch, suy giảm nhận thức, tình trạng viêm, kháng insulin, mức độ tập thể dục đến nồng độ cholesterol hiện có.
Người bệnh khi dùng statin cần biết rõ các tác dụng phụ của thuốc và chú ý đến sức khỏe. Nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu tác dụng phụ nào thì cần trao đổi với bác sĩ để thay đổi liều lượng hay chuyển sang loại thuốc phù hợp hơn.
Để kiểm soát cholesterol trong máu, giải pháp tốt nhất thay thế cho dùng thuốc là thay đổi lối sống. Người bệnh cần hạn chế ăn đường, tinh bột trắng và chất béo có hại như dầu hay mỡ động vật. Bên cạnh đó, họ cần ưu tiên ăn rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và chất béo lành mạnh như trái bơ, cá béo.
Với những người thừa cân, béo phì hay có nhiều mỡ nội tạng thì cần tập thể dục thường xuyên. Việc giảm cân dù là ít nhưng cũng có thể giảm đáng kể mức cholesterol trong máu. Ngoài ra, bỏ hút thuốc và giảm uống rượu bia rất cần thiết để kiểm soát cholesterol, theo Healthline.
Bình luận (0)