Căn cứ Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương

15/07/2012 03:11 GMT+7

Các căn cứ hiện tại lẫn trong quá khứ của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương (TBD) thu hút sự quan tâm trong bối cảnh nước này trở lại khu vực.

Chưa bao giờ châu Á - TBD, đặc biệt là Đông Á, lại trở thành điểm đến cấp tập của giới chức quân sự và ngoại giao Mỹ như trong 2 năm trở lại đây. Những động thái này nằm trong chiến lược chuyển trọng tâm về khu vực của Tổng thống Barack Obama. Washington đang ráo riết thắt chặt quan hệ đồng minh, tăng cường sức mạnh cho các căn cứ cũng như quay lại một số căn cứ cũ.

Những điểm nhấn lịch sử

Nhắc đến những căn cứ trước đây của Mỹ tại châu Á - TBD thì không thể thiếu những cái tên nổi tiếng Cam Ranh, U-Tapao và Subic. Vịnh Cam Ranh của Việt Nam trong lịch sử là quân cảng quan trọng vào loại bậc nhất khu vực.

Trong chiến tranh Việt Nam, Cam Ranh là một trong những cứ điểm liên hợp hải - lục - không quân kèm khu hậu cần quan trọng của quân đội Mỹ và quân đội chính quyền Sài Gòn. Theo tài liệu của Cơ quan Nghiên cứu lịch sử không quân Mỹ (USAFHRA), ngày 10.6.1965, 4.000 công binh Mỹ đến Cam Ranh xây dựng căn cứ quân sự và sân bay. Tháng 8.1965, 4.000 binh sĩ thuộc Lữ đoàn 1 Sư đoàn dù 101 đến Cam Ranh và 2 tháng sau đến lượt Trung đoàn 30 Sư đoàn Bạch Mã Hàn Quốc.

Năm 1967, vịnh Cam Ranh trở thành trung tâm chỉ huy cho các hoạt động tuần dương trên không của hải quân Mỹ. Từ đó, Mỹ và đồng minh liên tiếp đổ quân vào Cam Ranh, năm cao nhất (1968) lên tới 30.000 binh sĩ, biến nơi đây thành căn cứ hải quân lớn nhất Đông Nam Á. Sau khi Mỹ rút quân khỏi Việt Nam năm 1973, căn cứ Cam Ranh trở thành cứ điểm quan trọng của không lực miền nam Việt Nam cho đến khi được giải phóng vào ngày 3.4.1975. Sau đó, Cam Ranh được cho Liên Xô thuê từ năm 1979 đến 2002. Đây là căn cứ hải quân lớn nhất của Liên Xô bên ngoài lãnh thổ liên bang. 

Sơ đồ phân bổ lực lượng Mỹ tại tây Thái Bình Dương - Đồ họa: Hoàng Đình/Ảnh: Reuters
Sơ đồ phân bổ lực lượng Mỹ tại tây Thái Bình Dương - Đồ họa: Hoàng Đình/Ảnh: Reuters
 

Bên cạnh Cam Ranh, vịnh Subic và căn cứ không quân Clark ở Philippines cũng đóng vai trò chiến lược của Mỹ tại khu vực. Nước này từng dùng Subic, thuộc đảo Luzon, làm nơi khởi đầu các chiến dịch tấn công Việt Nam trong chiến tranh. Sự hiện diện của Hạm đội 7 kéo dài tới năm 1992 sau vụ núi lửa Pinatubo phun trào một năm trước đó và Thượng viện

Philippines không phê chuẩn việc tiếp tục cho Mỹ thuê căn cứ tại Subic cũng như Clark. Từ đó, chính quyền Manila chuyển đổi nơi này thành khu vực cảng tự do. Đến tháng 5 vừa qua, dư luận bất ngờ khi tàu ngầm Mỹ USS North Carolina,  bất ngờ ghé cảng Subic. Khi đó, căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough vẫn đang dâng cao. Đến đầu tháng 6, tờ The Philippine Star dẫn lời giới chức quân sự Manila cho hay Washington đánh tiếng muốn trở lại chốn cũ, cho máy bay, tàu chiến hiện diện luân phiên tại Subic và Clark, như một phần trong chiến lược tái phân bổ lực lượng, tập trung vào khu vực. Vấn đề này cũng đã nhiều lần được giới chức Philippines đề cập trong thời gian qua nhưng chưa có quyết định cuối cùng. Cuối tháng 6, Mỹ đưa một tàu ngầm hạt nhân khác là USS Louisville đến Subic để nhận tiếp tế.

Ngoài ra, Mỹ cũng đang tiếp cận Thái Lan với đề nghị sử dụng U-Tapao, sân bay tiền tuyến của không quân Mỹ thời chiến tranh VN. Trong giai đoạn 1960-1970, Lầu Năm Góc đặt ở đây phi đội “pháo đài bay” B-52. Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra hồi tháng 6, Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ Martin Dempsey đề nghị cho phép hải quân lập trung tâm điều phối đối phó thiên tai và cứu trợ nhân đạo tại U-Tapao.

Chiến lược linh hoạt

Theo chiến lược quân sự mới do Tổng thống Brack Obama công bố trước đây, Mỹ chủ trương chuyển trọng tâm về châu Á - TBD, xây dựng lực lượng tinh gọn nhưng cơ động. Các căn cứ chủ lực của nước này và đồng minh thân thiết như Nhật Bản, Hàn Quốc được tăng cường sức mạnh trong khi máy bay tàu chiến hiện diện luân phiên ở các đối tác khác trong khu vực. Điều này nhằm tránh xây dựng căn cứ thường trực để tiết kiệm chi phí cũng như không vướng phải những rắc rối chính trị, pháp lý ở nước chủ nhà.

Ngoài kế hoạch sử dụng không thường trực các căn cứ tại Philippines, Mỹ cũng nhận được cái gật đầu của Singapore về việc đưa 4 chiến hạm cận bờ đến đồn trú luân phiên tại nước này. Giới quan sát đánh giá động thái này là một phần trong biểu hiện cam kết ủng hộ của Washington đối với các đồng minh và đối tác ở Đông Nam Á trong việc đối phó những nguy cơ tại khu vực này, giữa lúc Trung Quốc đang ra sức phô trương sức mạnh quân sự và có nhiều hành động đáng quan ngại trên biển Đông.

Hồi đầu tháng 4, Mỹ đã đưa 200 lính thủy đánh bộ tới Darwin (Úc). Đây là lực lượng đầu tiên trong kế hoạch triển khai tổng cộng 2.500 binh sĩ đến Úc cho tới năm 2017. Mới đây, AFP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Úc Stephen Smith cho biết Canberra và Washington sẽ cùng xây dựng căn cứ do thám, được biên chế máy bay không người lái, tàu ngầm hạt nhân… trên cụm đảo Cocos thuộc Ấn Độ Dương. Căn cứ này cách đảo Java (Indonesia) khoảng 1.000 km về phía tây nam.

Trước đó, lính thủy đánh bộ Mỹ khôi phục đường băng dài 2.400 m ở căn cứ không quân North Field bị bỏ hoang trên hòn đảo Tinian trên Thái Bình Dương và sau đó  tập trận có sự tham gia của chiến đấu cơ F/A-18D Hornet xuất phát từ đảo Guam gần đó. North Field từng là căn cứ của 2 chiếc máy bay ném bom khét tiếng B-29 Enola Gay và Bockscar mang theo bom nguyên tử ném xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào năm 1945, theo trang Defensetech.org.

Một số cứ điểm chủ chốt

Hawaii: Nơi tập trung căn cứ hải - lục - không quân và là tổng hành dinh của Hạm đội Thái Bình Dương với khoảng 100 tàu chiến, gồm cả tàu sân bay.

Guam: Căn cứ không quân Andersen là một trong 4 căn cứ triển khai oanh tạc cơ chiến lược. Đây cũng là cảng nhà của 3 tàu ngầm hạt nhân.

Nhật Bản: Có đủ căn cứ hải quân, không quân, lục quân và lính thủy đánh bộ với khoảng 38.000 lính được triển khai tại 85 cơ sở ở Honshu, Kyushu và Okinawa, cộng thêm 11.000 người trên các căn cứ nổi. Tàu sân bay USS George Washington thường xuyên neo đậu ở nước này.

Hàn Quốc: Hiện có 15 căn cứ quân sự Mỹ, hầu hết thuộc về lục quân.

Úc: 200 lính thủy đánh bộ đang hiện diện tại Darwin, miền bắc Úc và sẽ tăng dần lên mức 2.500 lính.

Nguồn: US Defense Dept.

Thụy Miên

>> Iran dọa phá hủy căn cứ Mỹ
>> Iran dọa phá hủy căn cứ Mỹ tại Trung Đông
>> Iraq tiếp quản căn cứ Mỹ
>> Hàn Quốc tiếp quản 14 căn cứ Mỹ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.