Bối cảnh mới, cần chiến lược mới
Về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM, các chuyên gia nhận định dịch Covid-19 đã thâm nhập sâu vào cộng đồng và có xu hướng trở thành dịch lưu hành. Mặt khác, bối cảnh TP.HCM hiện nay cũng rất khác so với 1 năm trước như: đã tiêm vắc xin, biến thể Delta cũng như các biến thể trong tương lai có khả năng lây nhiễm rất cao, đã có hệ thống điều trị F0 từ nhà đến các cơ sở với các thuốc điều trị. Hiện số ca mắc mỗi ngày tại TP.HCM vẫn cao, nhưng số ca nặng nhập viện và số ca tử vong liên tục giảm (chỉ còn 50% so với lúc đỉnh điểm) chứng tỏ hệ thống điều trị đã được nâng cấp, hoạt động tốt...
TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, nhận định những cách chống dịch được thiết kế năm 2020 về trước trong bối cảnh chưa có vắc xin và tách F0 khỏi cộng đồng (chủ trương “zero Covid-19”) không còn phù hợp với TP.HCM trong giai đoạn hiện nay. Do đó, cần có sự đánh giá một cách cơ bản để ứng phó phù hợp, thích nghi với điều kiện mới.
“Nếu TP.HCM tiếp tục con đường cũ trong cuộc chiến chống Covid-19 thì nguồn lực không đủ đáp ứng cũng như rất khó đạt được tiêu chí kiểm soát dịch để mở cửa trở lại”, theo TS Vũ Thành Tự Anh.
Từ đó, các chuyên gia đề xuất chuyển chiến lược từ “đánh nhanh, thắng nhanh, tốc chiến, tốc thắng” sang “đánh chắc, thắng chắc”, xác định đây là “cuộc chiến” lâu dài và không tốn quá nhiều sức lực vào một “trận đánh” dẫn đến kiệt quệ về kinh tế, an sinh xã hội. Hơn nữa, việc sống trong môi trường có Covid-19 là điều tất yếu. Quan điểm “sống chung với dịch Covid-19” đã được nhiều nước trên thế giới và trong khu vực chấp nhận, nhất là khi tỷ lệ tiêm vắc xin bao phủ đến đa số người dân.
Theo chuyên gia, trong bối cảnh cần thiết phải mở cửa để phục hồi nền kinh tế, ngành y tế nên dựa trên 3 phòng tuyến mà TP.HCM đang đạt được để đánh giá kiểm soát dịch, bao gồm: tập trung giúp người dân tự điều trị tại nhà, giảm áp lực bệnh viện (BV), giảm tử vong. Đáng chú ý nhất là hoạt động của doanh nghiệp (DN), chuyên gia đồng tình với việc cách ly ca nhiễm mới phát hiện tại DN nhưng không nên cách ly tập trung toàn bộ F1 và đóng cửa DN như trước đây. Thay vào đó, các trường hợp còn lại chỉ cần xét nghiệm (XN) để xác định ca lây nhiễm và có biện pháp xử lý phù hợp.
|
Xét nghiệm có trọng tâm
Các chuyên gia đều thống nhất quan điểm SARS-CoV-2 đã thâm nhập sâu vào cộng đồng, nên cần XN có trọng tâm. Bên cạnh đó, ngành y tế nên chấp nhận kết quả XN nhanh kháng nguyên mà không cần phải khẳng định lại bằng phương pháp RT-PCR.
PGS-TS Vũ Minh Phúc, cố vấn Bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TP.HCM, đề nghị nên tập trung XN cho những người có triệu chứng, những người F1 thuộc đối tượng có nguy cơ cao (người cao tuổi, có bệnh nền), người hoạt động trong lĩnh vực thiết yếu như nhân viên y tế, shipper, nhân viên sân bay, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất...).
Theo một chuyên gia về dịch tễ tại TP.HCM: “XN phải đúng thời điểm, đúng phương pháp, đúng nơi và phải chứng minh có hiệu quả. XN phát hiện F0 để có giải pháp giảm để không làm quá tải BV chứ không phải hướng đến zero Covid”.
Củng cố hệ thống đánh giá dịch
Chuyên gia trên cũng cho rằng muốn mở cửa kinh tế thì phải kiểm soát được dịch, nếu không kiểm soát dịch sẽ dễ dẫn đến thảm họa. Do đó, phải bàn cả 2 hướng: chống dịch và phát triển kinh tế, bởi chủng Delta lây lan không phanh nên mới dẫn đến ngày hôm nay. Nếu bàn mở cửa kinh tế nhưng không bàn chuyện khóa, hãm dịch thì sẽ khó khăn. Tỷ lệ tử vong do dịch còn rất lớn. Giai đoạn vừa qua TP.HCM làm triệt để nên hãm được dịch.
Xét nghiệm nhóm, địa điểm nguy cơBộ trưởng Bộ Y tế vừa tiếp tục có công điện mới nhất (số 1436, ngày 19.9) đề nghị các tỉnh, thành quán triệt công tác XN và một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội.
Theo công điện, các địa phương vẫn triển khai các chỉ đạo, kết luận của Chính phủ, Thủ tướng và hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công điện số 1409/CĐ-BYT ngày 15.9.2021 (Công điện 1409) về việc XN và một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khi thực hiện giãn cách xã hội. Theo đó, cần tập trung XN tại các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao và thường xuyên kiểm tra, giám sát để phát hiện sớm các ca bệnh. Trên cơ sở kết quả thực hiện, các địa phương nới lỏng giãn cách có lộ trình và hạ dần cấp độ nguy cơ. Tại các địa bàn nguy cơ (vùng vàng) và bình thường mới (vùng xanh), thực hiện XN với các nhóm nguy cơ, các địa điểm nguy cơ để kịp thời điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch.
Trước đó, theo Công điện 1409, khi giãn cách xã hội phải theo nguyên tắc ở phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể (thôn, xóm, tổ, ấp, khu phố...), mục tiêu là kiểm soát dịch nhanh nhất và triển khai quyết liệt việc XN, điều trị, tiêm chủng, đảm bảo người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa…
Cũng theo công điện trên, thực hiện XN gộp mẫu theo điều kiện thực tiễn, theo hộ gia đình, phòng ở và các hộ liền kề. Khi XN RT-PCR phải trả kết quả trong 12 giờ. XN dứt điểm theo từng địa bàn và không để lây nhiễm khi lấy mẫu…
Về XN ở thời điểm hiện tại với TP.HCM, TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng chỉ XN ngẫu nhiên để đánh giá nguy cơ dịch trong cộng đồng, XN người có triệu chứng, người tiếp xúc gần với F0 và do yêu cầu của cá nhân hoặc đơn vị. XN phải an toàn, đúng quy định. Khuyến khích người dân tự XN sàng lọc.
Cũng theo ông Nga, người sau khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin chỉ XN trong trường hợp có nguy cơ cao như tiếp xúc gần với F0 mà không có bảo vệ. Thời điểm XN Covid-19 sau 3 ngày, kể từ khi có tiếp xúc với F0.
Liên Châu
|
“Mở cửa thì phải kìm hãm được dịch, kiểm soát lây nhiễm và tử vong. Phải luôn luôn cảnh giác với dịch, không để tác động lớn đến cuộc sống. Như phải bảo vệ đối tượng nguy cơ, không chỉ là tiêm phủ vắc xin mà còn các biện pháp phòng chống dịch. Ngăn lây nhiễm là yếu tố số 1, bởi khi thả nổi dịch thì nhiều nước đã trở thành thảm họa vì quá nhiều người chết. Nếu không hãm được tử vong thì kinh tế sẽ phải gián đoạn. Mở cửa kinh tế và xem vắc xin là chìa khóa vàng thì nếu mở một cách không kiểm soát thì sẽ dẫn đến hệ lụy”, chuyên gia cho biết thêm.
Vị này cũng đề nghị: TP.HCM phải củng cố mạnh hệ thống đánh giá dịch, từ đó mới mở hoạt động kinh tế một cách tốt đẹp. Khi nắm chắc tình hình dịch, TP cần đóng thì đóng ở cửa nào, giống như xả lũ là xả ở cửa nào. Phải hướng đến nhà an toàn, cơ quan an toàn, tổ chức an toàn. Với các DN, phải tự đưa ra các giải pháp tốt, an toàn trong DN đừng để xảy ra dịch bệnh, vừa đảm bảo sức khỏe vừa phát triển kinh tế. Dự báo tương lai sẽ có các đại dịch xuất hiện, DN tái cấu trúc phân xưởng, tách phân xưởng 1, 2, 3, khi có dịch bệnh khu nào thì giải quyết khu đó, các khu còn lại vẫn hoạt động được, đó cũng là cách “sống chung với dịch”.
Xác định lại tiêu chí phân loại vùng xanh, vùng đỏ
Đáng chú ý, trong phần đóng góp ý kiến cho TP.HCM, chuyên gia cũng cho rằng cần xác định lại tiêu chí phân loại vùng xanh, vùng đỏ phù hợp với đặc điểm đô thị và biến chủng mới. Do biến chủng Delta lây lan rất nhanh nên khi phát hiện một ca nhiễm thì hầu như mọi người trong gia đình đều nhiễm, như vậy có thể coi đây là một ổ dịch. Vùng đỏ nên được định nghĩa lại là nhiều hộ gia đình trên một địa bàn như trong hẻm nhỏ, giao tiếp nhiều, nhiều hộ sống trong một môi trường chật chội, không đảm bảo thông thoáng và giãn cách, khi đó cần phải khoanh vùng lại để dập dịch. Cũng không cần cách ly mà chỉ cần chăm sóc tốt cho hộ gia đình này, đặc biệt là người trong diện nguy cơ.
Các chuyên gia đề nghị Trung ương cần ưu tiên vắc xin cho khu vực đô thị và nhóm nguy cơ cao (nghĩa là có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải) cũng như đánh giá việc cần thiết phải tiêm mũi 3 và tiêm ngừa cho trẻ em...
Bình luận (0)