Cần hiểu đúng để ghi danh đúng cho di sản

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
17/07/2021 06:21 GMT+7

PGS-TS Nguyễn Thị Hiền (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã lấy trường hợp áo dài để phân tích về việc ghi danh di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO theo Công ước 2003 tại hội thảo trực tuyến về danh hiệu di sản diễn ra hôm 16.7 tại Hà Nội.

Theo đó, tiêu chí đầu tiên là việc di sản được đệ trình phải là di sản văn hóa phi vật thể theo định nghĩa của công ước. “Áo dài thì không phải là một di sản văn hóa phi vật thể”, PGS-TS Nguyễn Thị Hiền chia sẻ. Bà là một trong 12 chuyên gia quốc tế trong Hội đồng thẩm định di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.
PGS-TS Hiền cũng cho biết việc hiểu đúng về quan điểm của UNESCO sẽ thuận lợi để có thể làm hồ sơ di sản, giữ gìn đa dạng văn hóa và bảo tồn di sản. Chẳng hạn, có một “cấm kỵ” khi làm hồ sơ là không được nói tới việc dùng di sản để tạo thương hiệu thu hút du lịch. Nó xa lạ với mục đích của UNESCO khi tôn vinh di sản là để giữ gìn và bảo vệ. Hồ sơ của một nước châu Âu đã bị loại vì viết dùng di sản đó hút du lịch. “Tự thân danh hiệu cũng sẽ thu hút du khách. UNESCO cũng khuyến cáo khi quảng bá di sản để phát triển du lịch cần có biện pháp hỗ trợ để không ảnh hưởng tới di sản”, bà Hiền nói.
Cũng theo PGS-TS Hiền, hồ sơ di sản đôi khi còn phụ thuộc vào việc đặt tên di sản. Khi làm hồ sơ di sản liên quan đến quan họ, qua nhiều hội đồng với nhiều ý định, chủ ý, mục đích khác nhau, cuối cùng tên hồ sơ là Dân ca quan họ Bắc Ninh. Điều này dẫn đến việc khi kỷ niệm 10 năm UNESCO ghi danh di sản này, tỉnh Bắc Giang có đề nghị Bộ VH-TT-DL làm công văn đổi tên di sản thành Dân ca quan họ nói chung, hoặc là Quan họ Bắc Giang - Bắc Ninh.

Câu chuyện chủ quyền và di sản đa quốc gia

PGS-TS Nguyễn Thị Hiền cũng chia sẻ những câu chuyện về các di sản liên quan đến nhiều quốc gia. “Cuộc họp liên chính phủ Công ước 2003 thường có nhiều tranh cãi về chủ quyền. Nhiều di sản có thể tồn tại trong nhiều cộng đồng và cộng đồng nào cũng nói là chủ của di sản. Bộ phim Đức Bài hát này của ai có kể chuyện một bài hát mà 19 nước ở châu Âu, nước nào cũng nhận của mình”, bà Hiền nói. Bà còn cho hay hiện tại UNESCO rất khuyến khích các hồ sơ di sản đa quốc gia.
Theo PGS-TS Hiền, trong bối cảnh toàn cầu hóa và quan hệ ngoại giao, công tác xây dựng hồ sơ di sản đệ trình UNESCO còn là nhiệm vụ chính trị vì vấn đề chủ quyền và chủ sở hữu di sản. “Hiện nay, có một số quan ngại về việc Trung Quốc có thể có những động thái làm hồ sơ một số di sản của người Việt sống ở Trung Quốc như: nghệ thuật đàn bầu, áo dài, lễ hội làng truyền thống của cộng đồng người Việt ở bán đảo Vạn Vĩ, Đông Hưng”, bà Hiền thông tin.
Bà cũng cho biết hiện nghệ thuật đàn bầu và lễ hội làng truyền thống đã được Trung Quốc ghi vào danh mục của họ. Đối với trường hợp áo dài, từ năm 2020 đến nay, các cơ quan trong nước đang xây dựng áo dài trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và sau đó tiến tới xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO. “Các chuyên gia vẫn đang lúng túng tên hồ sơ. Không thể đặt tên hồ sơ là áo dài truyền thống Việt Nam. Chúng ta mong muốn làm hồ sơ về văn hóa áo dài trình UNESCO”, bà Hiền nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.