Cần mẫn chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam

Thụy
Đồng Nai
04/09/2024 09:00 GMT+7

Đã từ lâu, nhắc đến tên chú Dương Anh, thì chúng tôi - những người làm công tác xã hội trong Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin cấp cơ sở - không ai không biết đến chú.

Thậm chí, những nạn nhân da cam, chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, người bị thiểu năng trí tuệ, người teo chân, tay, bị mù, câm, điếc bẩm sinh... đều biết đến chú qua những lần chú đến thăm hỏi động viên.

Cần mẫn chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam- Ảnh 1.

Ông Dương Anh triển khai cuộc họp thường kỳ

Ảnh: TGCC

Thường những dịp đặc biệt như ngày 10.8 - Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, chú sẽ cùng các cô, các chú trong Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện đến thăm từng nhà, hoặc trao tiền, quà từng đợt do cấp tỉnh hỗ trợ hay các nhà hảo tâm giúp đỡ. Tuy nhiên, không chỉ là dịp kỷ niệm đó, thỉnh thoảng chú lại chạy chiếc xe Dream đời đầu cọc cạch của mình để đi xuống hỏi thăm từng gia đình.

Ở Định Quán chúng tôi, trong 14 xã, thị trấn thì hầu hết xã nào cũng có nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc hóa học, từ những người trực tiếp tham gia chiến đấu cho đến các thế hệ sau. Toàn huyện có gần 1.000 nạn nhân, hầu hết họ đều rơi vào cảnh khó khăn. Bằng tình thương vô bờ bến, cộng thêm nhiều năm công tác trong lĩnh vực, chú Dương Anh đã thấu hiểu, cảm thông cho từng hoàn cảnh gia đình. Trong điện thoại của chú, ngoài danh sách lưu bạn bè thì hầu hết chú lưu số người thân, số của nạn nhân, để dăm bữa nửa hôm, bận bịu công việc quá thì chú lại tranh thủ gọi điện hỏi thăm tình hình sức khỏe.

Nhiều hôm chú chưa gọi, đã có nạn nhân hoặc người nhà nạn nhân gọi đến. "Chú ơi, chú à, hôm nay nhà con hết gạo ăn rồi", "Chú ơi, chú à, bao giờ mới phát tiền trợ cấp đợt mới"... Cứ như thế, nghe tiếng gọi của những nạn nhân – những người từ lâu chú đã coi như người thân trong gia đình, chú lại bảo cô nhân viên cùng cơ quan lên xe đi cùng chú, chú chở còn cháu ngồi sau ôm gạo hay nhu yếu phẩm khác. Cứ như thế, những năm qua chú không quản ngại xa xôi, không kể nắng mưa, vẫn cần mẫn chăm lo cho các nạn nhân chất độc da cam.

Chú tâm sự: "Người ta khổ mà con, nỗi đau chiến tranh đi qua, nhưng gia đình, người thân của họ đã phải chịu nhiều thiệt thòi. Sinh được đứa con, nó lại mang dị tật. Một đứa trẻ sinh ra, không lành lặn, đó vừa là nỗi đau của chính nó và của cả cha, mẹ. Hằng ngày nhìn con mình rứt ruột sinh ra, lớn lên không bình thường, đau xót lắm con ạ!".

Chú còn bảo, trên cương vị là một Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện, đã bao lần chú xuống tỉnh, đi cùng đoàn tỉnh để làm đơn, khiếu kiện, đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam. Cuộc chiến tranh hóa học có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người mãi mãi là niềm đau cho những nạn nhân ở lại. Những người dù không trực tiếp tham gia chiến tranh nhưng lại chịu đau đớn của chiến tranh nhiều hơn.

Cần mẫn chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam- Ảnh 2.

Hội viên và ông Dương Anh trao quà cho một hộ có 2 con ảnh hưởng chất độc da cam

Ảnh: TGCC

Hôm nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện tổ chức kỳ họp định kỳ, tổng kết công tác hội những tháng đầu năm 2024. Nhìn những thành tích, con số, chúng tôi biết chú Dương Anh và cả tập thể hội huyện đã nỗ lực như thế nào trong việc khắc phục hậu quả của chất độc da cam.

Chú bảo: "Mình còn sức, thì còn làm con ạ!".

Nhìn sự tận tụy của chú, chúng tôi - những cán bộ hội cơ sở lấy đó làm gương để học tập, làm theo, để những tháng ngày hoạt động với công tác tình nguyện của Hội Nạn nhân chất độc da cam, chúng tôi sẽ góp phần nhỏ bé của mình, đến thăm, động viên từng hoàn cảnh, phấn đấu vận động nhà hảo tâm mua chiếc giường, chiếc xe lăn hay hỗ trợ kịp thời nhu yếu phẩm cho những hoàn cảnh quá khó khăn. Và để hằng ngày, trên mỗi bước đường đi, dù là vào tận sâu trong bản làng hay dọc theo quốc lộ, men những đường mòn thôn quê, chúng tôi đều theo bước chân chú, để góp phần "vẽ" nên một hành trình tươi đẹp hơn.

Cần mẫn chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam- Ảnh 3.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.