Gặp “hiệp sĩ” Mai Lê Duy Quang giữa đời thường

BẢO VY
(TP.HCM)
31/08/2024 08:07 GMT+7

Chiếc áo công nhân màu xanh lá cây, nước da đen bóng, lời nói mộc mạc, "hiệp sĩ" Mai Lê Duy Quang - một trong những người cứu anh tài xế thoát chết sau vụ tai nạn trên cầu Phú Mỹ, TP.HCM hôm 8.8 vừa rồi - khiến chúng tôi rất xúc động khi gặp gỡ ngoài đời.

Anh Quang nắm hai bàn tay lại với nhau, kể lại lần cứu người không màng đến an toàn của bản thân trong vụ tai nạn thảm khốc xảy ra trên cầu Phú Mỹ vài tuần trước. Những ngón tay thô ráp, đen bóng. "Đừng gọi tôi là người hùng, tôi chỉ làm những gì trái tim mình mách bảo", anh Mai Lê Duy Quang, 44 tuổi, quê Quảng Ngãi, công nhân tại công trường thuộc một dự án của Công ty Coteccons, cười hiền hậu.

Gặp “hiệp sĩ” Mai Lê Duy Quang giữa đời thường- Ảnh 1.

Hiệp sĩ giữa đời thường Mai Lê Duy Quang

ẢNH: ĐỘC LẬP

CỨU NGƯỜI KHÔNG CẦN NGHĨ SUY

Anh Quang cho hay chiều 8.8.2024, trên đường ra công trình, khi tới gần cầu Phú Mỹ anh bỗng nghe tiếng động rất lớn. Anh chạy tới thì thấy hiện trường ngổn ngang, hỗn loạn, đập vào mắt anh là mấy xe ô tô dính lại với nhau. Anh Quang nghĩ chắc đã có người thương vong rồi. Không một chút nghĩ suy, anh băng qua con lươn để xem có thể cứu giúp được ai không. Cùng tham gia cứu nạn với anh còn mấy người đàn ông khác, trong đó có 2 tài xế của Công ty Tôn Đông Á Bình Dương là anh Phan Văn Tài và anh Trương Văn Thành.

"Tôi thấy một người ngồi ghế sau trong chiếc xe Volvo đã thoát ra được bên ngoài. Tôi hỏi "trong xe còn ai nữa không", bác đó hoảng quá đã không trả lời được gì. Lửa đang cháy bùng lên, linh tính nói với tôi sẽ còn người ngồi phía trước. Tôi nhảy lên nắp capo nhìn xem còn ai bên trong không thì thấy một anh mặc áo đen đang mắc kẹt trong đó, tôi chỉ có một suy nghĩ ngay lúc ấy là làm sao phải lôi anh ấy ra được", anh Quang kể.

Anh Quang còn nhớ khi đập được kính, dây an toàn thắt vào thân thể người tài xế rất chặt. Anh Quang la lên "Có ai có dao kéo gì không?", may quá có người mang lại chiếc kéo. Lửa bắt đầu bùng lên ở ghế sau, càng lúc càng dữ dội hơn, anh tài xế la lên: "Nóng quá". Lúc ấy, có mấy người cùng có mặt ở hiện trường với anh Quang đưa anh bình chữa cháy, anh vội xịt để dập lửa rồi dùng kéo cắt dây an toàn. Dây an toàn rất cứng, cắt mãi mới đứt. "Tôi kéo tay anh tài xế, mà chân anh còn bị kẹt, anh Thành đã cùng trợ giúp, chúng tôi cùng kéo, lôi được anh tài xế ra ngoài an toàn", anh Quang hồi tưởng.

Và cái nắm tay của anh Quang trước khi ngọn lửa bùng lên bao trùm chiếc xe trở thành khoảnh khắc xúc động nhất trong vụ tai nạn kinh hoàng vừa qua.

MONG CON GÁI HỌC ĐƯỢC CÁCH YÊU THƯƠNG

Khi vừa cứu người xong, anh Mai Lê Duy Quang đắp tạm cái lá bên đường vào vết thương chảy máu ở tay sau đó đến công trường làm việc tiếp mà không nghĩ suy gì. Tới chỗ làm việc, anh em đồng nghiệp đã gửi ngay cho anh hình ảnh anh đang ở hiện trường vụ tai nạn rồi hỏi: "Ông làm gì trên đây vậy?". Anh Quang đáp vô tư: "Tôi vừa cứu một mạng người chứ có làm gì đâu". Thế rồi lại tiếp tục công việc như mọi ngày.

Gặp “hiệp sĩ” Mai Lê Duy Quang giữa đời thường- Ảnh 2.

Anh Mai Lê Duy Quang với chiếc áo công nhân, nụ cười mộc mạc

ẢNH: THÚY HẰNG

Cho đến buổi tối, trở về nhà trọ, anh Quang được một người em gửi cho đầy đủ video clip cảnh anh cứu người tài xế trong vụ tai nạn thảm khốc ra sao, đoạn clip còn đi kèm một bài hát. Tự nhiên, giây phút ấy, nước mắt anh Quang cứ chảy ra, nghẹn ngào, rưng rưng: "Hóa ra tôi đã làm được một điều có ý nghĩa cho đời". "Tôi gửi liền video cho con gái xem. Tôi chỉ có một suy nghĩ rằng ngày thường tôi hay nói với con những bài học trong cuộc sống về sự bao dung, tình yêu thương giữa con người với con người nên bây giờ, khi tôi đã làm được một điều có ích, tôi gửi video cho con, để con hiểu rằng những gì tôi dạy con hằng ngày không chỉ là những lời nói suông", anh Quang bộc bạch.

Con gái anh Quang đang là học sinh lớp 7 một trường THCS tại Q.Bình Tân, TP.HCM. Vợ và con gái anh ở xã Vĩnh Lộc, H.Bình Chánh. Để tiện đi lại cho công việc làm ở công trường, anh Quang đang ở thuê trọ cùng anh em công nhân ở TP.Thủ Đức (TP.HCM) rồi tranh thủ những khi được nghỉ sẽ về thăm nhà. Mỗi ngày, người đàn ông rời nhà trọ từ 5 giờ sáng để tới công trường, sau đó có những hôm phải tối mịt mới xong công việc. Nhưng dù bận bịu thế nào, đến tối anh vẫn gọi điện nói chuyện với con. "Con bé sống tình cảm lắm, hay kể cho ba nghe trên trường có chuyện gì vui, bạn nào trêu chọc con, con với mẹ ở nhà thế nào", anh Quang kể. Đôi mắt của người cha ánh lên niềm vui. Hạnh phúc, giản dị là thế!

NGÃ RẼ CỦA THẦY GIÁO DẠY THỂ DỤC

Anh Quang là cựu sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Thể dục T.Ư 2 (bây giờ là Trường ĐH Sư phạm Thể dục thể thao TP.HCM). Anh từng có thời gian ngắn là giáo viên hợp đồng dạy môn thể dục tại một trường học tại Quảng Ngãi. Sau đó, anh rẽ lối sang làm nghề xây dựng, gia đình chuyển vào TP.HCM. Công việc của người đàn ông làm quen với nắng mưa công trường, với giờ giấc thất thường, với xa nhà thường xuyên và vô vàn vất vả thường trực của công nhân xây dựng.

Gặp “hiệp sĩ” Mai Lê Duy Quang giữa đời thường- Ảnh 3.

Hình ảnh anh Quang nắm tay, kéo người tài xế gặp nạn ra ngoài

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Anh Quang tâm sự đã từng có lúc muốn nghỉ việc, tìm hướng đi mới nhưng những anh em công nhân đã gắn bó với anh nhiều năm, có người đi cùng nhóm với anh đã 8 năm thì nghẹn ngào: "Anh mà nghỉ thì tụi em cũng bỏ việc rồi về quê". Vậy là không đành. Mấy anh em lại tiếp tục bám trụ với nghề và gắn bó với TP.HCM - quê hương thứ hai.

Người đàn ông được gọi là "người hùng" sau lần không màng hiểm nguy lao vào hiện trường cứu tài xế trong vụ tai nạn trên cầu Phú Mỹ cho biết anh đã sống ở TP.HCM gần 20 năm với biết bao vui buồn. Thành phố cho anh không chỉ cơm ăn, áo mặc, chở che vợ con anh mà còn cho anh chứng kiến sự nghĩa hiệp, tử tế, nhân ái của những người dân hết sức bình dị. Đó là những bình trà đá miễn phí trên đường; những phần cơm 2.000 đồng cho người lao động khó khăn. Đó là những người dân sẵn sàng dang tay giúp đỡ người gặp nạn trên đường. Như bản thân anh Quang từ trước đến nay, nhiều lần trên đường đi làm, anh cũng giúp đỡ nhiều người khác. "Có lần đang đi làm tôi gặp một anh bị tai nạn xe máy, gãy tay, người dính đầy máu. Tôi sơ cứu, để anh được tới bệnh viện an toàn", anh Quang hồi tưởng.

Sau khi câu chuyện anh Mai Lê Duy Quang cùng những người khác quên mình cứu người trên cầu Phú Mỹ được nhiều người biết đến, Công ty Coteccons nơi anh đang làm việc cùng nhiều đơn vị, tổ chức đã tặng quà cho anh Quang và trao học bổng cho con gái anh. Mới đây, tại Tọa đàm "Học yêu thương, vun bồi lòng nhân ái" trong khuôn khổ cuộc thi Sống đẹp lần 4 do Báo Thanh Niên tổ chức, nhà văn Trần Nhã Thụy và bà Nguyễn Thị Vân (đồng Phó chủ tịch Hội đồng hương Quảng Ngãi tại TP.HCM) thay mặt hội đồng hương trao tặng suất học bổng Nguyễn Thái Bình đặc biệt của Báo Thanh Niên trị giá 50 triệu đồng cho con gái anh Mai Lê Duy Quang.

"Hiệp sĩ giữa đời thường" chia sẻ anh biết ơn tất cả những tấm lòng đã dành cho gia đình anh. Anh cho biết sẽ đi thăm hỏi, giúp đỡ người tài xế mà mình đã cứu hôm trước. "Tôi muốn dành một phần tiền mà mọi người đã tặng để tặng, thăm hỏi anh tài xế mà mình đã cứu trong vụ tai nạn trên cầu. Anh ấy cũng bị thương, cũng phải nằm viện, anh là tài xế thuê, hoàn cảnh khó khăn, vợ thì mang bầu, có con nhỏ…", anh Quang tâm sự.

Nhà văn Trần Nhã Thụy chia sẻ cũng là một người con của vùng đất Quảng Ngãi, ông cảm thấy xúc động, hạnh phúc, tự hào lây khi biết đến câu chuyện hào hiệp cứu người không ngại nguy nan của anh Mai Lê Duy Quang. Dù anh không nhận mình là người hùng và chỉ nói: "Tôi chỉ làm những gì một người bình thường sẽ phải làm trong lúc ấy", nhưng theo nhà văn Trần Nhã Thụy, anh Quang chính là hiệp sĩ giữa đời thường. Bình thường, các anh là những con người giản dị, sống lặng lẽ, chân thành, trao đi yêu thương tới những người xung quanh và trong những thời điểm gặp người nguy nan, hoạn nạn, các anh không ngần ngại ứng cứu, giúp đỡ.

Gặp “hiệp sĩ” Mai Lê Duy Quang giữa đời thường- Ảnh 4.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.